Nhiều vướng mắc

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP), hơn 1 tháng sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, tháng 8/2020, tổng giá trị XK thủy sản sang EU đạt gần 98 triệu USD, tăng nhẹ 1% so với cùng kỳ năm 2019.

Chế biến thủy sản xuất khẩuChế biến thủy sản xuất khẩu

Kết quả XK thủy sản trong tháng này đã phản ánh rõ tác động tích cực của Hiệp định EVFTA trong việc thúc đẩy XK các mặt hàng thủy sản được ưu đãi thuế 0% ngay từ khi hiệp định có hiệu lực, đó là tôm và mực, bạch tuộc đều tăng so với cùng kỳ và tháng 7, trước khi EVFTA có hiệu lực.

Cụ thể, tôm và mực, bạch tuộc, trong đó tôm tăng gần 16% so cùng kỳ 2019, tăng gần 9% so với tháng 7/2020; mực, bạch tuộc tăng 10% so với cùng kỳ năm 2019 và tăng gần 24% so với tháng 7/2020. Nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng xuất khẩu dài hơi.

Theo ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty CP Thực phẩm Sao Ta, các đơn hàng xuất khẩu của công ty có thời gian đủ dài, chủ yếu đến từ các khách hàng chủ lực đã gắn bó lâu năm với công ty. Trong đó, thị trường Mỹ là tốt nhất với mức tăng khoảng 10%, tập trung ở phân khúc sản phẩm trung cao.

Theo ông Lực, EU là thị trường có tỷ suất lợi nhuận tốt hơn hẳn thị trường Mỹ. Tuy nhiên hiện sản lượng tôm Việt bán hàng vào EU không nhiều do số lượng vùng nuôi đạt chứng nhận xuất khẩu vào thị trường này đang rất thấp.

Hiện Việt Nam có sản lượng tôm nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu trên 700.000 tấn/năm, các doanh nghiệp chế biến tôm có thể tăng bán vào EU để tận dụng ưu đãi thuế từ EVFTA. Tuy nhiên, người tiêu dùng EU, nhất là phân khúc thị trường cấp cao, đòi hỏi tôm nuôi phải có các chứng nhận nuôi đảm bảo an toàn như chứng nhận ASC cho vùng nuôi. Các nhà cung ứng không có chứng nhận có thể bán vào phân khúc thị trường cấp thấp, nhưng giá bán sẽ không tốt lắm.

Kết quả trên cho thấy, các DN đã kịp thời nắm bắt và áp dụng được ưu đãi của hiệp định, dù bước đầu thực hiện không tránh khỏi những lúng túng về thủ tục như khai mã HS, khai form chứng nhận xuất xứ EUR1 và các quy định chứng từ khác…

Theo VASEP, một số vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện EVFTA, như: Lúng túng trong việc áp dụng C/O form Eur1 trong cộng đồng DN và ngay chính nội bộ các nước thành viên EU; C/O lâu được cấp vì liên quan đến chứng nhận xác nhận theo quy định IUU; áp dụng mã HS, DN lúng túng, không biết khai mã nào/khai mã theo hiệp định không được nước nhập khẩu chấp nhận...

Tuy nhiên, các vướng mắc đã được các cơ quan quản lý nhà nước hỗ trợ giải quyết và cung cấp thông tin, hướng dẫn ngay cho DN.

Thuỷ sản xuất khẩu sẽ đạt gần 9 tỷ USD

Các chuyên gia ngành thuỷ sản cho rằng, EVFTA là cơ hội tốt cho hàng thủy sản Việt Nam gia tăng XK và cạnh tranh tại EU. Tuy nhiên, để tận dụng được ưu đãi thuế quan, ngành thủy sản cần có nguồn nguyên liệu ổn định, chất lượng an toàn thực phẩm, đạt tiêu chuẩn và tuân thủ quy định của thị trường EU. Điều quan trọng là DN biết tận dụng hiệu quả và linh hoạt, trung thực và hiệu quả quy tắc xuất xứ của hiệp định.

Ngoài ra, DN cần đặc biệt chú trọng thực hiện và đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn về lao động và môi trường trong hiệp định, các vấn đề liên quan đến phát triển bền vững. Lao động nghề cá, nhất là lao động trẻ em đang là vấn đề EU và các nước khác đặc biệt quan tâm trong thời gian gần đây.

Theo VASEP, Hiệp định EVFTA sẽ là đòn bẩy để thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường EU trong những tháng cuối năm nếu các doanh nghiệp tận dụng tốt thời cơ và ưu đãi thuế quan. Dự báo từ nay đến cuối năm, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang EU đạt khoảng 3,4 tỷ USD.

Theo ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu thủy sản hết tháng 8 đạt 5,4 tỷ USD, hết năm nay sẽ phấn đấu đạt kim ngạch 8,9 tỷ USD. Tuy nhiên, để tận dụng cơ hội, trong kế hoạch của mình, các DN cần phải nhận định tình hình để đưa ra những giải pháp cụ thể trong những tháng còn lại, trong đó tăng cường sản xuất, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu, đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng thủy sản.

Cùng với đó, để bảo xuất khẩu bền vững, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng lưu ý các doanh nghiệp, khi tham gia vào các hiệp định nhiều hàng rào kỹ thuật được dựng lên, vì vậy cần phải thay đổi hình thức tổ chức sản xuất, truy suất nguồn gốc, đảm bảo an toàn thực phẩm. Trong đó, cần phải nắm vững được các tiêu chuẩn, quy chuẩn, hàng rào kỹ thuật của các thị trường khó tính. Từ đó khẳng định thương hiệu, vị thế của nông sản Việt Nam, đặc biệt là mặt hàng thủy sản ở các thị trường.

 Lê Thu