Khi các cuộc tấn công của lực lượng Houthi gây ra cuộc khủng hoảng ở Biển Đỏ, đẩy giá cước vận tải biển và giá bảo hiểm tăng cao, người mua dầu đang hình thành xu hướng tìm kiếm nguồn cung có khoảng cách địa lý gần hơn, nhằm tạo ra sự ổn định về hàng hóa.

Theo hãng tin Bloomberg, ngày 04/02, vẫn còn một số con tàu chở dầu lưu thông qua tuyến đường ở Biển Đỏ, nhưng định tuyến vòng qua Mũi Hảo Vọng, phía Nam Châu Phi, khiến hành trình chở dầu kéo dài hơn và tốn kém hơn.

Cuộc khủng hoảng ở Biển Đỏ khiến lưu lượng tàu chở dầu đi qua Kênh đào Suez sụt giảm nhanh chóng.
Cuộc khủng hoảng ở Biển Đỏ khiến lưu lượng tàu chở dầu đi qua Kênh đào Suez sụt giảm nhanh chóng. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Điều này dẫn đến lưu lượng tàu chở dầu đi qua Kênh đào Suez sụt giảm nhanh chóng. Thay vào đó, các con tàu chở dầu đang tập trung về hai hướng.

Hướng thứ nhất quanh Lưu vực Đại Tây Dương, bao gồm Biển Bắc và Địa Trung Hải. Hướng thứ hai bao gồm Vịnh Ba Tư, Ấn Độ Dương và Đông Á.

Dòng dầu từ Trung Đông đến Châu Âu đã giảm gần 50% kể từ khi bất ổn địa chính trị tại khu vực này "nóng lên" bởi để tới Châu Âu thì tuyến đường Biển Đỏ đóng vai trò là cửa ngõ ngắn nhất cho các chuyến hàng từ Châu Á.

Hiện tuyến đường này đã bị đóng cửa đối với các tàu phương Tây, và các nhà phân tích tin rằng Châu Âu sắp phải hứng chịu một số thiệt hại về dầu mỏ.

Chuyên gia Johnathan Lamb từ ngân hàng đầu tư Wood cho biết: “Châu Á vẫn có thể mua dầu thô, các chế phẩm dầu mỏ và khí đốt tự nhiên như thường lệ. Mỹ không mua nhiều từ Trung Đông. Vì vậy, căng thẳng hiện tại ở Biển Đỏ thực sự có tác động đến người Châu Âu”.

Ông Lamb nói thêm, “các cung đường vận chuyển nhiên liệu của họ hiện đã dài hơn rất nhiều so với trước kia, khi có thể đi qua kênh đào Suez. Tôi nghĩ điều này sẽ tạo ra rất nhiều thách thức trong việc vận chuyển”.

Quả thực, sự gián đoạn giao thông ở Biển Đỏ đã làm hầu hết các ngành nghề ở Châu Âu đau đầu. Đầu tháng này, hai nhà sản xuất ôtô là Tesla và Volvo Cars thông báo họ sẽ tạm thời đình chỉ hoạt động sản xuất tại hai nhà máy do thiếu linh kiện bởi căng thẳng tại Biển Đỏ.

Theo nguồn dữ liệu do Kpler công bố ngày 30/01, lượng tàu chở dầu đi qua Kênh đào Suez trong tháng Một đã giảm 23% so với tháng 11/2023.

Sự sụt giảm thậm chí còn rõ rệt hơn đối với các con tàu chở khí dầu mỏ hóa lỏng và khí tự nhiên hóa lỏng, với mức giảm lần lượt là 65% và 73%.

Trong các thị trường sản phẩm, dòng nhiên liệu diesel và nhiên liệu dùng cho máy bay phản lực từ Ấn Độ và Trung Đông xuất khẩu đến Châu Âu, cũng như dầu mazut và naphtha của Châu Âu xuất khẩu tới Châu Á bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Vào tuần trước, giá naphtha tại Châu Á, một nguyên liệu hóa dầu, đạt mức cao nhất trong gần hai năm, do lo ngại nguồn cung từ Châu Âu sẽ trở nên khó khăn hơn.

Thiên Trường (t/h)