Giá gạo tăng nóng

Theo số liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam, theo số liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam, từ ngày 27/7/2023 – 3/8/2023, gạo 5% tấm giá cao nhất là 14.000 đồng/kg, giá bình quân là 13.650 đồng/kg; gạo 25% tấm có giá 13.600 đồng/kg, bình quân 13.075 đồng/kg; lúa thường tại ruộng có giá cao nhất 7.325 đồng/kg, giá bình quân là 7.214 đồng/kg; lúa thường tại kho giá cao nhất là 8.950 đồng/kg, giá bình quân là 8.729 đồng/kg.

Trong khi đó thị trường xuất khẩu, ngày 8/8 gạo 5% tấm có giá 618 USD/tấn, gạo 25% tấm có giá 473 USD/tấn. Trong khi đó tại thời điểm ngày 20/7, giá gạo 5% tấm là 533 USD/tấn, gạo 25% tấm là 513 USD/tấn.

Trước đó, nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới là Ấn Độ đã cấm xuất khẩu gạo tẻ thường (non-basmati white rice) kể từ ngày 20/7. Lệnh cấm này là một trong những nguyên nhân đẩy giá gạo trên thị trường toàn cầu tăng cao, đồng thời tác động lớn đến người tiêu dùng ở châu Á và châu Phi.

Nhóm cổ phiếu ngành lương thực theo đà tăng của giá gạo. (Ảnh minh hoạ)
Nhóm cổ phiếu ngành lương thực theo đà tăng của giá gạo. (Ảnh minh hoạ).

Theo báo cáo mới nhất từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cập nhật đến cuối tháng 7, xuất khẩu gạo 7 tháng đầu năm đạt 4,84 triệu tấn với giá trị 2,58 tỷ USD, tăng 29,6% so với cùng kỳ năm 2022.

Báo cáo của Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Từ nay đến cuối năm, nếu không có diễn biến bất thường của thời tiết, sản lượng lúa thu hoạch sẽ đảm bảo nhu cầu trong nước và đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Lượng lúa dành cho xuất khẩu khoảng trên 15 triệu tấn (tương đương 7-7,5 triệu tấn gạo).

Vậy, cổ phiếu nhóm lương thực ra sao?

Trong giai đoạn giá gạo tăng cao, mã cổ phiếu VSF của Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood II) cũng có xu hướng tăng. Tại các phiên giao dịch từ ngày 20/7 đến ngày 8/8 cổ phiếu VSF liên tiếp có 9 phiên tăng trần, giá tăng một mạch từ 8.000 đồng lên 37.400 đồng (tăng hơn 367%).

Giá cổ phiếu AGM của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex) cũng tăng từ 5.970 đồng lên 13.500 đồng (tăng 126%). Mã này đang bị hạn chế giao dịch nhưng từ ngày 20/7 đến nay AGM đã có hơn 10 phiên tím trần liên tiếp.

Hay cổ phiếu TAR của Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung Anh cũng tăng từ 17.600 đồng lên cao nhất là 22.700 đồng (tăng 29%).

Ngoài ra, một số mã cổ phiếu nhóm lương thực hầu hết đều có mức tăng nhẹ trong vòng từ ngày 20/7 đến nay. Như, mã BLT của Công ty cổ phần Lương thực Bình Định cũng duy trì mức giá từ 35.000 đồng lên 39.200 đồng (tăng 12%).

Cổ phiếu AFX của Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Nông sản thực phẩm An Giang mức giá tăng nhẹ trong khoảng 12.500 đồng – 13.700 đồng (tăng 9%); Cổ phiếu LTG của Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời hiện đang giao dịch với mức giá 39.500 đồng, nhưng thời điểm ngày 20/7 có mức giá 34.300 đồng (tăng 15%).

Cổ phiếu NAF của Công ty cổ phần Nafoods Group cũng tăng nhẹ từ 13.700 đồng lên 15.300 đồng (tăng 11%); Mã PAN của Công ty cổ phần Tập đoàn PAN cũng tăng từ mức 21.200 đồng lên 23.800 đồng (tăng 12%).

Trong văn bản ngày 5/8 gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang (MCK: AGM) giải thích việc giá cổ phiếu tăng trần liên tục. Cụ thể, tính đến nay cổ phiếu AGM tăng trần 10 phiên liên tiếp là do cung cầu trên thị trường, các quyết định giao dịch của nhà đầu tư đối với cổ phiếu AGM nằm ngoài tầm kiểm soát của doanh nghiệp.

Hiện, thị trường lúa gạo thế giới và Việt Nam vẫn đang tiếp tục biến động tăng giá do tác động từ cuộc xung đột Nga – Ukraine và ảnh hưởng của tình trang thời tiết El nino. Bên cạnh đó, sau Ấn Độ, thì Nga và các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất – UAE cũng đã cấm xuất khẩu gạo làm giá lương thực tăng vọt.

Minh An(T/h)