Sáng 4/8, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị triển khai công tác điều hành xuất khẩu gạo, tại thành phố Cần Thơ. Đánh giá bối cảnh thương mại gạo toàn cầu, dự báo nhu cầu nhập khẩu và đề xuất giải pháp điều hành, phát triển thị trường xuất khẩu gạo từ nay đến cuối năm... là những nội dung được đưa ra tại hội nghị.
Tại hội nghị, các đại biểu là đại diện các bộ, ngành, địa phương và hiệp hội, thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo đã trao đổi, rà soát, đánh giá các yếu tố bất lợi về biến đổi khí hậu El Nino tác động đến tình hình sản xuất, sản lượng gạo hàng hóa phục vụ nhu cầu nội địa đến cuối năm.
Đồng thời, các đại biểu cũng nhận định nhu cầu thị trường, chính sách, thông tin từ các thị trường xuất nhập khẩu gạo lớn trên thế giới.
Đại diện lãnh đạo Bộ Công Thương khẳng định, 3 nguyên tắc cần phải tuân thủ là: Thứ nhất là tranh thủ sản xuất, xuất khẩu gạo để đạt được giá trị xuất khẩu cao nhất, tranh thủ mở rộng thị trường tốt nhất; Thứ hai phải đảm bảo an ninh lương thực; Thứ ba phải giữ được thương hiệu gạo.
Sau khi cân đối cho các nhu cầu lúa gạo trong nước, lượng gạo có khả năng phục vụ cho xuất khẩu trong năm 2023 đạt khoảng 7,5 triệu tấn và từ nay đến cuối năm lượng gạo xuất khẩu được là khoảng 2,7 triệu tấn. Như vậy, Việt Nam không lo thiếu gạo để xuất khẩu.
Chỉ vài tuần trở lại đây, giá gạo 5% tấm của Việt Nam đã tăng hơn 60 USD/tấn, từ mức 535 tăng lên mức 602 USD/tấn; giá gạo Jasmine đã đạt mốc 690 USD/tấn. Giá lúa ở thị trường nội địa cũng tăng từ 1.300 - 1.900 đồng/kg so cùng kỳ 2022.
Hồng Nhung