Tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 7 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chiều 1/8, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Nguyễn Văn Việt cho biết, xuất khẩu gạo 7 tháng đầu năm của Việt Nam đạt 4,84 triệu tấn, giá trị 2,58 tỷ USD, tăng 29,6%.
Dự kiến năm nay, cả nước sẽ sản xuất được từ 43,2 - 43,4 triệu tấn, tăng 1,8-2% so với năm 2022. Với tình hình sản xuất lúa này sẽ đảm bảo an ninh lương thực trong nước và xuất khẩu được từ 7-7,5 triệu tấn.
Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xuất nhập khẩu Intimex (TP. HCM), cho biết, ngay sau khi có thông tin thị trường gạo toàn cầu đang khan hiếm do một số nước ngưng xuất khẩu gạo, công ty đã lập tức khảo sát nhu cầu nhập khẩu gạo từ các thị trường truyền thống như Philippines, Indonesia, Trung Quốc… Kết quả cho thấy, các nước này đều có nhu cầu nhập khẩu lượng gạo lớn của Việt Nam.
Cụ thể thị trường Philippines cần nhập thêm 1,5 triệu tấn gạo (dù trước đó vừa nhập khẩu 1,5 triệu tấn gạo của Việt Nam), kế đến là Indonesia có nhu cầu 1 triệu tấn gạo (trước đó nước này không nhập khẩu gạo của Việt Nam), Trung Quốc cũng sẽ mua thêm 500.000 tấn gạo. Bên cạnh đó, do đồng tiền Thái Lan đang có chiều hướng tăng giá nên một số khách hàng vốn nhập khẩu gạo của Thái Lan dịch chuyển sang tìm kiếm nguồn cung nhập khẩu gạo từ Việt Nam.
Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất Thủ tướng xét ban hành chỉ thị về tăng cường công tác xuất khẩu gạo trong tình hình mới.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành chỉ thị về tăng cường công tác xuất khẩu gạo trong tình hình mới.
Chỉ thị nhằm khẳng định vai trò quan trọng, giữ vững vị thế và uy tín của ngành gạo Việt Nam trong chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu, góp phần đảm bảo an ninh lương thực của thế giới theo các cam kết của Việt Nam.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề xuất Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương những nhiệm vụ cụ thể và những vấn đề cần tập trung chỉ đạo quyết liệt nhằm tăng cường công tác xuất khẩu gạo trong bối cảnh hiện nay.
Cụ thể, đề xuất giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi, dự báo và nắm chắc tình hình sản xuất, tăng cường phòng chống sinh vật gây hại, chủ động ứng phó với các diễn biến bất lợi của thời tiết để bảo vệ an toàn các vụ sản xuất đảm bảo mục tiêu 43 triệu tấn lúa của năm 2023; chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương có liên quan xử lý kịp thời các rào cản kỹ thuật để đảm bảo tăng khối lượng và mở rộng thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam...
Đối với Bộ Công Thương, cần tiếp tục thúc đẩy xuất khẩu gạo trên cơ sở theo dõi chặt chẽ và dự báo sát tình hình xuất, nhập khẩu; nhu cầu tiêu thụ; giá cả lương thực trong khu vực và trên thị trường thế giới để có các biện pháp chủ động, linh hoạt điều tiết việc kinh doanh, xuất nhập khẩu gạo để đảm bảo nâng cao hiệu quả xuất khẩu.
Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan củng cố các thị trường truyền thống, chủ lực, tận dụng tối đa lợi thế của các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết để gia tăng giá trị xuất khẩu.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan chuyên môn theo dõi, bám sát đồng ruộng; chủ động và linh hoạt trong điều hành sản xuất lúa gạo đảm bảo đạt và vượt các mục tiêu năng suất, sản lượng theo kế hoạch trên cơ sở tuân thủ đúng các quy định kỹ thuật và an toàn thực phẩm của Việt Nam cũng như nước nhập khẩu.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam cần chủ động nắm bắt các thông tin về thị trường lúa gạo thế giới, nhu cầu và năng lực của các thương nhân xuất nhập khẩu gạo để thông tin kịp thời đến cơ quan quản lý nhà nước có liên quan và cộng đồng sản xuất, kinh doanh lúa gạo tại Việt Nam.
Thiên Trường