Mặt bằng giá tăng nhẹ

Tại cuộc họp với Ban Chỉ đạo điều hành giá, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết các Bộ, ngành đã điều hành giá sát với kịch bản dự báo nhằm đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát theo chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng bình quân được kiểm soát, tạo dư địa thuận lợi cho việc điều hành giá một số mặt hàng nhà nước còn quản lý.

Kết quả cụ thể, CPI bình quân 9 tháng đầu năm, tăng 3,79% so cùng kỳ năm trước. CPI tháng 9 năm so với tháng 12 năm 2016 chỉ tăng 1,83%. Lạm phát cơ bản bình quân 9 tháng đầu năm 2017 chỉ tăng 1,45%, thấp hơn so với mục tiêu kế hoạch cả năm (trong khoảng 1,6% - 1,8%).

Diễn biến chỉ số giá tiêu dùng 9 tháng đầu năm cho thấy, về cơ bản, lạm phát năm 2017 có nhiều khả năng đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra ở mức dưới 4%. Tuy nhiên, từ nay tới cuối năm vẫn còn một số yếu tố tác động lên mặt bằng giá như áp lực tăng giá của một số mặt hàng nguyên, nhiên, vật liệu trong thời điểm cuối năm, nhu cầu hàng hóa gia tăng để sản xuất, dự trữ hàng hóa phục vụ các dịp lễ, Tết và tình hình phức tạp của thiên tai, thời tiết.

Thị trường giá cả cuối năm: Còn nhiều áp lực - Hình 1

Mặt bằng giá cuối năm có thể tăng nhẹ

Do đó, công tác điều hành giá phải thận trọng, tính toán kịch bản cụ thể, chi tiết kiểm soát lạm phát bình quân ở mức dưới 4%, góp phần tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp, hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế, đồng thời tiếp tục thực hiện đưa giá các mặt hàng thiết yếu (y tế, giáo dục, điện) theo lộ trình giá thị trường.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã có yêu cầu cụ thể với các bộ, ngành về phương hướng điều hành giá với một số mặt hàng thiết yếu.

Riêng về giá lương thực, thực phẩm, các chuyên gia về giá cho rằng hiện nay đã giảm khá lớn và sẽ khó có thể giảm mạnh hơn nữa. Bởi lẽ, người chăn nuôi gia súc, gia cầm hiện đã thu hẹp sản xuất.

Đối với nuôi trồng thuỷ hải sản và cá sản lượng cũng giảm mạnh do mưa bão, đặc biệt ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long vừa qua bị ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão số 12 và áp thấp nhiệt đới khiến hàng ngàn ha nuôi trồng thuỷ sản và cá mất trắng. Vì thế các chuyên gia dự báo cầu sẽ cao hơn cung vào giai đoạn cuối năm, làm cho giá tăng lên.

PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng dù giá thịt lợn vẫn đang ở vùng giá thấp nhất, với mức giá thịt lợn hơi dao động quanh mức 30.000 - 35.000 đồng/kg thì người chăn nuôi sẽ bị lỗ và sẽ không có hiện tượng tái đàn. Điều này dẫn tới nguồn cung trong thời gian tới sẽ giảm nhiều. Trong khi đó, cuối năm nhu cầu tiêu thụ thịt lợn gia tăng sẽ kéo theo xu hướng tăng giá trở lại sẽ là tất yếu.

Đối với mặt hàng xăng dầu trong nước, bà Nguyễn Thị Tuyết Anh - Viện Kinh tế tài chính cho biết, giá xăng dầu thế giới biến động khó lường do những căng thẳng giữa các quốc gia vùng Vịnh. “Dự báo sẽ có hướng giảm theo giá thị trường thế giới từ 5-10% so với mức giá cuối tháng 6/2017” - bà Tuyết Anh cho hay.

CPI ở mức dưới 4%

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, giá cả trong nước bị ảnh hưởng bởi những biến động mang tính thời điểm, thời vụ về cung cầu của các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm do yếu tố thiên tai, môi trường và thời tiết bất lợi. Nhu cầu mua sắm, tiêu dùng đối với một số hàng hóa, dịch vụ thiết yếu và đặc thù thường tăng cao trong dịp tết.

Theo các chuyên gia, lạm phát cả năm sẽ tăng khoảng 3% do nhiều mặt hàng được giữ ổn định từ đầu năm đến nay. Cùng với đó, từ nay đến cuối năm giá điện không tăng, giá xăng dầu dù có biến động nhưng mức tăng – giảm không nhiều.

Tuy nhiên, nếu cơ quan quản lý sử dụng Quỹ bình ổn giá với liều lượng thích hợp sẽ giúp kiểm soát mặt bằng giá chung, nhất là trong các thời điểm cận lễ, Tết hoặc các thời điểm mà giá xăng dầu đã tăng nhiều kỳ liên tục để tránh ảnh hưởng đến kỳ vọng về lạm phát. Vì thế, các chuyên gia cho rằng, một số mặt hàng thiết yếu có thể tăng nhưng mức tăng rất ít.

Dù vậy, Bộ Tài chính cho rằng, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng bình quân được kiểm soát, tạo dư địa thuận lợi cho việc điều hành giá một số mặt hàng nhà nước còn quản lý. CPI bình quân dự kiến đạt mức Quốc hội giao là dưới 4%.

PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, để thực hiện tốt mục tiêu tăng giá tiêu dùng 4%, cần xác lập kịch bản giá cho từng mặt hàng trong rổ hàng hóa tính lạm phát (lạm phát cơ bản, y tế, giáo dục, thực phẩm, xăng dầu...). Việc cập nhật thường xuyên thông tin thị trường và kiên trì điều hành giá theo tín hiệu thị trường là những việc đặt ra cho các bộ, ngành và địa phương để thực hiện kiểm soát lạm phát trong năm nay.

Về phương hướng điều hành giá với một số mặt hàng thiết yếu trong những tháng còn lại của năm, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã có yêu cầu cụ thể với các bộ, ngành. Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với các Bộ ngành tiếp tục thực hiện lộ trình giá thị trường đối với một số hàng hóa, dịch vụ quan trọng về y tế, giáo dục (lương thục, thực phẩm, xăng, điện, phí khám chữa bệnh, học phí…).

Anh Đức