Nhận định từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam, từ đầu năm đến nay Philippines đã nhập khẩu hơn 2,2 triệu tấn gạo của Việt Nam với giá trị hơn 1 tỷ USD, đứng đầu về danh sách nhập khẩu gạo của Việt Nam. Tiếp đến là Trung Quốc với hơn 520.000 tấn và một số thị trường khác.

Người nông dân Đồng bằng Sông Cửu Long thu hoạch lúa. Ảnh minh họa internet
Người nông dân Đồng bằng Sông Cửu Long thu hoạch lúa. Ảnh minh họa internet.

Ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết: Kế hoạch xuất khẩu gạo cả năm 2022 khoảng 6,3 - 6,5 triệu tấn, cao hơn khoảng 100.000 - 200.000 tấn so với năm 2021. Tính đến thời điểm tháng 8 năm nay, nước ta đã xuất khẩu gần 4,8 triệu tấn gạo, đạt trị giá hơn 2,3 tỷ USD, tăng hơn 20% về số lượng và tăng gần 10% về trị giá so với cùng kỳ 2021. Tuy nhiên, giá xuất khẩu bình quân đạt hơn 486 USD/tấn, giảm hơn 47 USD/tấn so với cùng kỳ năm trước.

Theo các chuyên gia, hiện tại Ấn Độ đã hạn chế xuất khẩu đối với một số mặt hàng gạo, Thái Lan nâng ngân sách hỗ trợ cho ngành hàng lúa gạo trong nước và Philippines kiểm soát chặt chẽ hoạt động nhập khẩu gạo là những nhân tố chính đang chi phối thị trường thương mại gạo thế giới hiện nay. Tình hình thương mại gạo thế giới hiện vẫn khá ổn định, tuy nhiên vẫn cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường trong và ngoài nước thời gian tới.

Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam nhìn nhận, Ấn Độ là thị trường xuất khẩu gạo lớn, chiếm tới 40% sản lượng gạo toàn cầu. Năm 2021, Ấn Độ đã xuất khẩu hơn 21,5 triệu tấn gạo, lớn hơn 4 nước xuất khẩu gạo hàng đầu công lại, trong đó có Việt Nam. Dự báo, với việc Ấn Độ tiếp tục hạn chế xuất khẩu gạo và tăng thuế thì thị trường lúa gạo thế giới sẽ bị ảnh hưởng.

Ảnh minh họa internet
 Thị trường lúa gạo thế giới biến động, năm 2022, Việt Nam dự kiến sẽ xuất khẩu khoảng 6,5 triệu tấn gạo. Ảnh minh họa internet.

Ông Nguyễn Ngọc Nam thông tin: “06 tháng đầu năm 2022, Ấn Độ đã xuất khẩu  khoảng 11 triệu, Thái Lan thì 07 tháng xuất khẩu được 4 triệu. Như vậy hai nước xuất khẩu gạo lớn ảnh hướng đến cung, cầu gạo trên thế giới, thì nay ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng gạo. Trong thời gian tới giá thị trường sẽ tiếp tục tăng do lượng gạo của Ấn Độ sụt giảm nguồn cung”.

Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì, diễn biến của các quốc gia xuất khẩu cũng như các quốc gia nhập khẩu thay đổi hàng tuần, hàng tháng tùy vào sản lượng lúa gạo. Theo dự báo của các cơ quan về lương thực, tổng lượng lúa gạo toàn cầu khoảng 550 triệu tấn và lượng gạo hàng hóa khoảng 50 triệu tấn.

“Chìa khóa để giảm chi phí sản xuất lúa gạo đó là giảm lượng giống gieo sạ trên một đơn vị ha, khi chúng ta giảm được thì các chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sẽ giảm theo và như thế chi phí trên một kg lúa, gạo sẽ giảm làm cho lợi nhuận của bà con nông dân tăng lên. Chúng ta đang phải cạnh tranh với các quốc gia xuất khẩu, nếu giá thành sản xuất của chúng ta thấp, doanh nghiệp có những thuận lợi để mua gạo xuất khẩu, việc chúng ta đẩy mạnh xuất khẩu sẽ tốt hơn, cơ hội để chúng ta xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam an toàn, thân thiện”, ông Lê Thanh Tùng nhận định.

Về số lượng gạo mà Việt Nam dự kiến cung cấp ra thị trường thế giới, năm 2022 khoảng 6,5 triệu tấn, chuyên gia trồng trọt, lương thực, kinh tế cho rằng: Con số đó chúng ta có thể đáp ứng nhưng vấn đề cần thiết là cải thiện chất lượng để nâng cao giá trị thương phẩm của gạo.

Thảo Thạch (t/h)