Vào tháng Sáu, 27 quốc gia thành viên EU đã đồng ý cấm nhập khẩu dầu thô của Nga từ ngày 05/12. Mục đích chính của lệnh trừng phạt này là nhằm giảm nguồn thu từ hoạt động xuất khẩu dầu dùng cho chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine.
Hungary, Slovakia và Cộng hòa Séc đã đàm phán tạm thời miễn áp dụng lệnh cấm này với lý do không có nguồn cung thay thế cho dầu Nga. Cả ba nước này đều phụ thuộc lớn vào đường ống Druzhba vận chuyển dầu từ Nga sang EU.
Trên thực tế, EU cùng với Mỹ, Nhật Bản, Canada và Anh, đã muốn cắt giảm đáng kể doanh thu từ dầu mỏ của Nga trong nỗ lực trừng phạt Moscow liên quan đến chiến dịch quân sự ở nước láng giềng.
Tuy nhiên, những lo ngại, lệnh cấm hoàn toàn sẽ khiến giá dầu thô thế giới tăng vọt khiến Nhóm G7 cân nhắc áp đặt mức giá trần đối với dầu của Nga. Giới hạn giá sẽ khiến các quốc gia G7 mua dầu của Nga với giá thấp hơn, trong nỗ lực giảm thu nhập từ dầu mỏ của Nga mà không làm tăng giá dầu thô trên toàn cầu.
Theo Reuters, các nước thành viên EU ngày 01/12 đã tạm thời nhất trí áp giá trần 60 USD/thùng với dầu thô vận chuyển bằng đường biển của Nga. Mức giá này có thể điều chỉnh để giữ mức giá trần ở thấp hơn giá thị trường 5%.
Bộ trưởng Năng lượng Hà Lan Rob Jetten cho rằng, việc hạn chế giá dầu của Nga là “bước tiếp theo rất quan trọng” trong lệnh trừng phạt.
“Nếu muốn các biện pháp trừng phạt có hiệu quả và thực sự gây tổn hại cho Nga, chúng ta cần cơ chế giới hạn giá dầu. Vì vậy, hy vọng chúng ta có thể đạt được đồng thuận càng sớm càng tốt”, ông Jetten nói.
Nga đang hy vọng, những nước mua lớn khác, chẳng hạn như Ấn Độ và Trung Quốc, sẽ không đồng ý kế hoạch giới hạn giá dầu và tiếp tục mua dầu của Nga.
Các quốc gia G7 đã đồng ý áp đặt giới hạn đối với giá dầu của Nga vào tháng Chín. Vào thời điểm đó, Cao ủy Năng lượng EU Kadri Simson, nói rằng bà hy vọng Trung Quốc và Ấn Độ cũng sẽ ủng hộ việc áp dụng mức giá trần.
Nga, nước sản xuất dầu lớn thứ hai thế giới, đã chuyển hướng phần lớn nguồn cung sang Ấn Độ, Trung Quốc và các nước châu Á khác với giá chiết khấu, sau khi phương Tây ngừng mua mặt hàng của họ, ngay cả trước khi EU ra lệnh cấm.
Trung Quốc và Ấn Độ hiện mua 2/3 tổng lượng dầu thô xuất khẩu bằng đường biển từ Nga. Trong khi đó, Bắc Kinh cũng nhập khẩu khoảng 1/2 trữ lượng dầu thô xuất khẩu bằng đường ống từ Nga.
Sự tham gia của hai nước này vào kế hoạch áp giá trần được coi là cần thiết khi các hạn chế đối với dầu mỏ của Nga có tác dụng.
“Trung Quốc và Ấn Độ là nhân yếu tố rất quan trọng khi họ mua phần lớn dầu của Nga. Tuy nhiên, họ sẽ không tham gia kế hoạch vì lý do chính trị, vì mức trần là chính sách do Mỹ đề xuất, vì lý do thương mại và vì họ đã nhận được rất nhiều dầu giá rẻ từ Nga, vậy tại sao họ lại mạo hiểm cho điều đó?”, Jacob Kirkegaard, thành viên cấp cao tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, nói.
Vào tháng Chín, Bộ trưởng Dầu mỏ Ấn Độ Shri Hardeep Singh Puri nói, ông có “nghĩa vụ đạo đức” đối với người tiêu dùng nước mình. “Chúng tôi sẽ mua dầu từ Nga, chúng tôi sẽ mua từ bất cứ đâu”, ông nói thêm.
Theo VOV.vn