“Thiên hạ đệ nhất hùng quan” sau khi trùng tu. Ảnh: Huỳnh Sơn
“Thiên hạ đệ nhất hùng quan” sau khi trùng tu. Ảnh: Huỳnh Sơn

Nằm ở vị trí đắc địa, gần nhiều điểm du lịch nổi tiếng song trước đây  nhiều khách thập phương vẫn chưa biết tới “Thiện hạ đệ nhất hùng quan”.

Nhắc đến những điểm đến du lịch nổi tiếng, thu hút đông đảo khách thập phương cả trong và ngoài nước ở nước ta, không thể không kể tới khu vực miền Trung với 2 cái tên nổi bật là Cố đô Huế và TP. biển Đà Nẵng.

Trên thực tế, không chỉ ở trung tâm thành phố, nằm ở ngoại thành cũng có rất nhiều điểm đến hấp dẫn, độc đáo khác. Trong đó, có cả những nơi được công nhận là Di tích Quốc gia, hay được ca ngợi bằng những mỹ từ đặc biệt.

Điểm đến sau đây là một ví dụ, được mệnh danh là “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” và tính đến nay đã có tuổi đời gần 200 năm. Đó là Hải Vân Quan, tọa lạc trên đỉnh đèo Hải Vân. Cách trung tâm TP. Huế khoảng 90km và cách TP. Đà Nẵng khoảng 28km.

Sau hơn hai năm rưỡi trùng tu, di tích lịch sử cấp quốc gia Hải Vân quan chính thức mở cửa, đón du khách tham quan miễn phí từ ngày 1/8/2024. Ảnh: Huỳnh Sơn
Sau hơn hai năm rưỡi trùng tu, di tích lịch sử cấp quốc gia Hải Vân quan chính thức mở cửa, đón du khách tham quan miễn phí từ ngày 1/8/2024. Ảnh: Huỳnh Sơn

Di tích cấp quốc gia Hải Vân quan vừa hoàn thành trùng tu, mở cửa đón khách từ đầu tháng 8/2024, thu hút hàng trăm lượt tham quan mỗi ngày. Đặc biệt, là dịp lễ, cuối tuần. Cũng chính vì điều này nên phát sinh những hạn chế trong cơ sở hạ tầng du lịch, thiếu bãi đỗ xe tại khu vực di tích cần được xử lý dứt điểm.

Vấn đề lớn nhất của Hải Vân quan hiện nay là thiếu bãi đỗ xe, bởi nhiều năm nay, cung đường đèo này chủ yếu dành cho các xe trọng tải lớn, xe chở hàng dễ cháy nổ. Tuy nhiên, nay lượng khách tăng cao, các xe lớn dừng đỗ trên không gian chật chội, gây ra tình trạng ùn tắc và mất an toàn giao thông. Theo các hộ kinh doanh giải khát tại đỉnh đèo Hải Vân, các lái xe mạnh ai nấy đỗ, lấn chiếm lòng đường, che khuất tầm nhìn. Trong khi đó, người đi xe máy đỗ xe trong khu vực hành lang an toàn, không có người trông coi, tiềm ẩn nguy cơ trộm cắp tài sản, không bảo đảm an ninh trật tự.

“Thiên hạ đệ nhất hùng quan” . Ảnh : Huỳnh Sơn
“Thiên hạ đệ nhất hùng quan” . Ảnh : Huỳnh Sơn

Để phần nào giải quyết những vấn đề trên, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã ký hợp đồng lao động với 8 người để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, vận hành, bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh. UBND quận Liên Chiểu cũng thành lập tổ bảo vệ, quản lý các hoạt động tại khu vực. Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế Hoàng Việt Trung cho biết, từ khi mở cửa đến nay, di tích đón gần 79.000 lượt khách tham quan. Ngoài số người làm việc cố định, trung tâm cử đội cơ động để hỗ trợ thêm trong giai đoạn đầu. Lượng khách đông, đôi khi quá tải, vấn đề đỗ xe, trật tự, vệ sinh môi trường, hoạt động bán hàng… cần hai địa phương thống nhất ban hành quy chế phối hợp quản lý và khai thác.

Hiên nay, việc cấp thiết là đầu tư ngay khu vệ sinh, cấp nước sinh hoạt, xây dựng lại cổng vào, barie và chốt kiểm soát; lắp đặt hệ thống wifi thành lập đội quản lý vệ sinh môi trường. Đối với vấn đề an toàn giao thông, lực lượng hai địa phương phối hợp để điều tiết, phân luồng, nhằm bảo đảm an toàn cho người và phương tiện trên đỉnh đèo Hải Vân. Thời gian tới sẽ khảo sát địa điểm quy hoạch bãi đỗ xe, đề nghị Khu Quản lý đường bộ II và III xem xét, bổ sung, hoàn thiện biển báo, tổ chức giao thông quốc lộ 1 đoạn qua Hải Vân quan.

Chị Nguyễn Kiều Anh, người tham quan Hải Vân Quan cho hay, gia đình nghe thông tin Hải Vân Quan mở cửa, chị đã bàn với chồng chị đưa cả gia đình đi tham quan, hiện nay bãi đỗ xe chưa phù hợp với khách tham quan và một số cơ sở hạ tầng khác…”.

Chị Nguyễn Kiều Anh, người tham quan Hải Vân Quan
Chị Nguyễn Kiều Anh, người tham quan Hải Vân Quan

Chiều 10/9, khảo sát và làm việc với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về phương án phối hợp quản lý, khai thác Hải Vân quan, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Nguyễn Thị Anh Thi ghi nhận, đánh giá cao sự phối hợp của các cơ quan chức năng trong quản lý Hải Vân quan thời gian qua. Đồng thời, thống nhất giao UBND quận Liên Chiểu và Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế quản lý di tích này, luân phiên 3 năm/lần. Về phương án bán vé tiếp tục nghiên cứu, trình lãnh đạo HĐND hai địa phương ban hành, dự kiến 50.000 - 70.000 đồng/vé.

Dự án bảo tồn tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích Hải Vân quan khởi công từ tháng 12/2021 với kinh phí 42 tỷ đồng
Dự án bảo tồn tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích Hải Vân quan khởi công từ tháng 12/2021 với kinh phí 42 tỷ đồng. Ảnh: Huỳnh Sơn

Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Nguyễn Thị Anh Thi, vấn đề căn cơ hiện nay là cần sớm đầu tư cơ sở hạ tầng cho Hải Vân quan, trước khi bàn đến chuyện thu phí. Bởi muốn bán được vé, thì hạ tầng phải bảo đảm, đáp ứng được nhu cầu của khách tham quan. Trong quý 4/2024, cơ quan chức năng hai địa phương nhanh chóng khảo sát, tìm 1 vị trí phù hợp để làm bãi đỗ xe; vận động 15 hộ kinh doanh đầu tư lại hạ tầng để đồng bộ về cảnh quan, tránh gây ra tình trạng nhếch nhác cho di tích.

Di tích Hải Vân quan được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích quốc gia tại Quyết định số 1531/QĐ-BVHTTDL ngày 14/04/2017.

Hoàng Hữu Quyết