Và trong công cuộc trùng tu hôm nay, trên cơ sở nghiên cứu, phục dựng, Huế đã mời nghệ nhân cả nước cùng chung tay, chung lòng thổi hồn làm sống lại các di sản
Đặc biệt, 2024 là năm được đánh dấu sự thăng hoa của các di sản Huế, khi nhiều công trình chính, có lối kiến trúc độc đáo, biểu tượng cho vương quyền Triều Nguyễn đã được phục dựng thành công, đưa vào phục vụ khách tham quan, du lịch hoặc được khởi công xây dựng…
Trước hết là Điện Kiến Trung, công trình trọng điểm trong quần thể kinh thành Huế đã bị phá hủy hoàn toàn vào năm 1946, đã hoàn thành sau gần 5 năm tu bổ, phục hồi và tôn tạo, với tổng mức kinh phí đầu tư hơn 123 tỉ đồng.
Công trình được thực hiện trên diện tích hơn 3,800 m2. Trong đó, công trình chính Điện Kiến Trung gồm 2 tầng, cao khoảng 14 m, diện tích xây dựng khoảng 975 m2...
Ngoài ra, còn các công trình nhỏ xung quanh như đôn gạch, đài phun nước, súng thần công, nhà canh, hệ thống cây xanh, bảo tồn nền móng Đông Cung Lâu, Ngự Thư Phòng, Võ Hộ Giá Phòng, Ngự Phê Phòng...
Điện Kiến Trung được đưa vào phục vụ dịp Tết Giáp Thìn 2024. Đặc biệt là sự kiện Festival Huế 2024, Điện Kiến Trung là nơi tổ chức những Lễ hội chính thu hút hàng chục vạn lượt khách tham quan, du lịch
Theo Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, điện Kiến Trung (còn gọi là lầu Kiến Trung), được xây dựng dưới thời vua Khải Định với chữ "Kiến" mang nghĩa dựng lên, thành lập, chữ "Trung" hàm ý ngay thẳng, không thiên lệch. Điện Kiến Trung là một trong 5 công trình kiến trúc lớn nằm trên trục thần đạo trong Tử Cấm Thành (Đại Nội Huế), đây cũng chính là nơi làm việc và sinh hoạt của hai vị vua cuối cùng của triều Nguyễn là vua Khải Định và vua Bảo Đại.
Điện Kiến Trung còn là nơi ghi dấu ấn một sự kiện mang tính lịch sử. Đó là vào ngày 29/08/1945, tại đây vua Bảo Đại đã có cuộc tiếp xúc đầu tiên với phái đoàn Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa để họp bàn việc thoái vị, trong đó có việc thảo luận về nội dung bản Tuyên cáo thoái vị mà vua Bảo Đại đã đọc vào chiều 30/08/1945, trước hàng vạn người dân xứ Huế, đặt dấu chấm hết cho sự tồn tại hàng nghìn năm của chế độ phong kiến ở nước ta, lập nên Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Tiếp theo là Điện Thái Hòa, công trình có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật kiến trúc thời Nguyễn, sau 3 năm trùng tu, ngày 23/11/2024, Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế đã công bố hoàn thành dự án "Bảo tồn, tu bổ, tổng thể di tích Điện Thái Hòa” đưa vào phục vụ khách tham quan, du lịch.
Điện Thái Hòa được vua Gia Long cho xây dựng vào năm 1805 tại khu vực Đại Cung Môn. Đến năm 1833, vua Minh Mạng cho xây dựng lại công trình ở vị trí hiện nay. Đây là ngôi điện quan trọng nhất trong khu vực Hoàng thành Huế, được xem là biểu tượng quyền lực của triều Nguyễn. Điện Thái Hòa là nơi diễn ra các hoạt động lễ nghi triều chính của triều đình nhà Nguyễn.
Với hơn 200 năm tồn tại, trước những tác động của thời gian và khí hậu khắc nghiệt, mặc dù trải qua nhiều lần tu bổ, trùng tu nhưng Điện Thái Hòa vẫn bị xuống cấp nghiêm trọng. Cuối năm 2021, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã khởi công “Dự án Bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hòa” với tổng mức đầu tư gần 129 tỉ đồng. Dự án có tổng diện tích 7.100 m2, trong đó, khuôn viên Điện Thái Hòa có tổng diện tích hơn 4.800 m2, điện Thái Hòa 1.440 m2, sân Đại Triều Nghi 1.640 m2.
Điện Thái Hòa là công trình kiến trúc quan trọng nhất trong Hoàng Cung triều Nguyễn. Là nơi diễn ra các đại lễ và các cuộc họp đại triều với sự tham gia của Vua, hoàng thân quốc thích và các đại thần. Tên Điện Thái Hòa có nghĩa “Hòa” là hòa hợp, hài hòa - “Thái Hòa” là khí âm dương hội hợp mà dung hòa với nhau. Vua trị vì thiên hạ cần phải giữ cho được sự hòa hợp tốt đẹp giữa dương và âm, cương và nhu thì mới hữu ích cho vạn vật.
Toàn bộ hệ thống sườn nhà của ngôi Điện được làm bằng gỗ lim. Các hàng cột gồm 80 cái đều sơn vẽ rồng thếp vàng uốn quanh. Gian giữa chính điện đặt ngai vua ba tầng bệ gỗ, bên trên treo bửu tán bằng pháp lam ngũ sắc trang trí chín con rồng.
Ngai và bửu tán đều thếp vàng chói lọi rực rỡ. Trước Điện là Sân chầu còn được gọi là Bái đình hay Long trì (sân rồng), nơi các quan đại thần đứng sắp hàng theo phẩm hàm, quay mặt vào Điện Thái Hòa làm lễ đại triều. Ở trong Điện Thái Hòa chỉ có Vua ngự trên ngai vàng, các Hoàng thân và 4 vị đại thần cao nhất (tứ trụ) đứng chầu.
Điện Thái Hòa là cung điện rộng lớn, uy nghi, tráng lệ nhất trong hệ thống kiến trúc cung đình tiêu biểu của di tích Cố đô Huế còn được lưu giữ nguyên vẹn cho đến nay. Đây còn là nơi lưu giữ hệ thống văn thơ, theo hình thức trang trí nhất thi, nhất họa độc đáo đã được UNESCO công nhận Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Cũng trong dịp này, tỉnh Thừa Thiên Huế đã động thổ khởi công Điện Cần Chánh. Điện Cần Chánh nằm phía sau Điện Thái Hòa, được xây dựng từ năm 1804 dưới thời vua Gia Long. Công trình nằm trên trục thần đạo của hoàng thành Huế cùng với Ngọ Môn, điện Thái Hòa, Đại Cung môn, điện Càn Thành, cung Khôn Thái, điện Kiến Trung.
Điện Cần Chánh là nơi làm việc của các vua triều Nguyễn, tổ chức thượng triều mỗi tháng bốn lần vào ngày 5, 10, 20 và 25 âm lịch. Ngôi điện đã sụp đổ hoàn toàn năm 1947 do chiến tranh. Được biết, kinh phí để khôi phục điện Cần Chánh gần 200 tỷ đồng. Bao gồm chính điện 5 gian, 2 chái kép, tiền điện 7 gian, 2 chái đơn.
Sau Điện Cần Chánh, mới đây HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa thông qua chủ trương đầu tư Dự án Phục hồi di tích Đại Cung Môn - Đại Nội Huế. Dự án sẽ được triển khai trong vòng 4 năm với kinh phí hơn 64,6 tỉ đồng.
Đại Cung Môn là cửa chính vào Tử Cấm Thành được xây dựng năm 1833 vào thời Minh Mạng và bị phá hủy vào năm 1947. Công trình gồm có 5 gian nhưng không xây chái, trổ 3 cửa, trong đó cửa chính giữa chỉ dành cho vua. Phía trước Đại Cung Môn hướng ra Điện Thái Hòa, được xây dựng hoàn toàn bằng gỗ. Sau Đại Cung Môn là sân bái mạng có đặt hai vạc đồng. Đối diện Đại Cung Môn, qua sân bái mạng, là Điện Cần Chánh.
Đại Cung Môn mang nhiều giá trị văn hóa, lịch sử, nghệ thuật đối với Quần thể di tích Cố đô Huế. Việc tu bổ, phục hồi công trình có vai trò quan trọng và ý nghĩa lớn trong quá trình phục hồi đầy đủ diện mạo kiến trúc khu Đại Nội Huế, góp phần phát huy giá trị di sản Quần thể Di tích Cố đô Huế.
Cứ nhìn các công trình di tích, di sản được trùng tu, phục dựng nhiều người cứ ngỡ rằng đơn giản, Ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, để phục dựng được một công trình Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế phải phối hợp với Bảo tàng Lịch sử quốc gia tổ chức khai quật, khảo cổ di tích.
Ngoài dấu vết khảo cổ, việc phục dựng các ngôi điện còn dựa trên hình ảnh, tư liệu của người Pháp chụp trước khi điện bị sụp đổ. Sau khi có các tư liệu cần thiết, các nhà nghiên cứu còn phục dựng trên hệ thống 3D, làm sao đảm bảo nguyên mẫu tốt nhất…
Ông Hồ Hữu Hành, Giám đốc Công ty Cổ phần Tu bổ Di tích Huế cho biết thêm, một ngôi điện, trước khi tháo dỡ, đơn vị thi công phải đánh dấu vị trí trên từng cấu kiện trước khi hạ giải theo hồ sơ thiết kế được duyệt. Đơn vị trùng tu đã chụp ảnh hiện trạng, đo vẽ, can dập lại hoa văn trang trí trên cột thếp vàng hình rồng, hoa văn trang trí bờ mái, đo vẽ, ghi nhận các thông số kỹ thuật của hệ khung gỗ, kết cấu mái…
Quá trình trùng tu, mọi chi tiết đều được tiến hành scan 3D để lưu giữ toàn bộ dữ liệu thu thập được của công trình, sau đó số hóa toàn bộ hình ảnh 3D bằng hình ảnh chân thực để phục vụ công tác trùng tu, lưu trữ, đồng thời phục vụ du khách trải nghiệm tham quan không gian ảo của công trình này.
Đặc biệt, luôn có hội đồng khoa học gồm các chuyên gia, nhà nghiên cứu hàng đầu của Huế trao đổi, thảo luận các giải pháp thi công để chọn ra phương án tối ưu, hướng đến mục đích cuối cùng là đảm bảo chuẩn xác, tôn vinh giá trị di tích.
Di sản Huế được tôn vinh, các công trình xây dựng dưới thời các Vua Chúa Triều Nguyễn được đánh thức sau hàng chục năm bị bỏ hoang, thành phế tích do nhiều biến cố lịch sử. Các công trình đó được trùng tu, tôn tạo, được giới thiệu ra công chúng, trở thành Di sản của nhân loại…
Đó là vốn quý của dân tộc, là sức mạnh tổng hợp của những nhà nghiên cứu, nhà khảo cổ; bàn tay các người thợ tài hoa… Tất cả đều nhằm mục đích chung: Thổi hồn làm sống lại các di sản để phục vụ mọi người muốn tìm lại dấu xưa ở cố đô Huế.
Trần Minh Tích