Cơ quan Trung ương của Hiệp hội Chống hàng giả & Bảo vệ thương hiệu Việt Nam
  • Click để copy

Thống nhất một cơ quan cạnh tranh trực thuộc Bộ Công Thương

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 22, chiều 13/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các vấn đề còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi).

Thống nhất một cơ quan cạnh tranh trực thuộc Bộ Công Thương - Hình 1

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu ý kiến. (Ảnh: TTXVN)

Mở rộng phạm vi điều chỉnh 

Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi). Ngay sau Kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật gồm 10 Chương và 123 điều, trong đó bổ sung thêm 1 chương mới (8 điều), 2 điều mới, gộp 7 điều thành 2 điều, bỏ 3 điều và bổ sung một số điểm, khoản. 

Theo Báo cáo một số vấn đề lớn trong giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi), về phạm vi điều chỉnh (Điều 1), có ý kiến đề nghị cần làm rõ tính khả thi của việc mở rộng phạm vi điều chỉnh trong dự thảo Luật, nhất là quy định nội dung bên ngoài lãnh thổ Việt Nam cụ thể như thế nào, trong trường hợp không có điều ước quốc tế giữa Việt Nam và các quốc gia, vùng lãnh thổ khác. 

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nêu rõ việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật đối với các hành vi được thực hiện bên ngoài lãnh thổ Việt Nam gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh trên thị trường Việt Nam là cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và phù hợp với thông lệ quốc tế. 

Để đảm bảo tính khả thi của việc mở rộng phạm vi điều chỉnh, dự thảo Luật đã quy định Ủy ban cạnh tranh Quốc gia có trách nhiệm tiến hành các hoạt động hợp tác với các cơ quan cạnh tranh nước ngoài trong quá trình tố tụng cạnh tranh để kịp thời phát hiện, điều tra và xử lý đối với các hành vi được thực hiện bên ngoài lãnh thổ Việt Nam gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh trên thị trường Việt Nam thông qua các cam kết quốc tế về cạnh tranh trong các hiệp định thương mại song phương, đa phương. 

Trong trường hợp không có điều ước quốc tế giữa Việt Nam và các quốc gia, vùng lãnh thổ khác, cơ quan cạnh tranh sẽ hợp tác với các cơ quan cạnh tranh các nước thông qua các diễn đàn cạnh tranh quốc tế như ASEAN, APEC, Diễn đàn cạnh tranh quốc tế (ICN), Diễn đàn cạnh tranh các nước Đông Á và hợp tác song phương. 

Giải trình thêm về nội dung này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết Luật Cạnh tranh 2004 chưa quy định cơ sở pháp lý rõ ràng điều chỉnh các hành vi diễn ra bên ngoài lãnh thổ ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường cạnh tranh tại Việt Nam. 

Trong khi đó, tại nhiều nước trên thế giới, các cơ quan cạnh tranh đã điều tra, xử lý nhiều vụ việc hạn chế cạnh tranh xuyên biên giới. Vì vậy, việc mở rộng phạm vi như dự thảo Luật nhằm tạo hành lang pháp lý để điều tra, xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh dù xảy ra ở đâu nhưng tác động và có khả năng tác động tiêu cực đến môi trường cạnh tranh của Việt Nam. 

Bên cạnh đó, cơ quan cạnh tranh Việt Nam hợp tác với cơ quan cạnh tranh các nước trong vấn đề điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh, tạo điều kiện thực thi cam kết về cạnh tranh trong các điều ước song phương và đa phương. 

Đảm bảo tính độc lập, khách quan 

Về trách nhiệm quản lý Nhà nước về cạnh tranh (Điều 7), có hai loại ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất tán thành quy định Cơ quan cạnh tranh Quốc gia trực thuộc Bộ Công Thương, nhưng cần quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của cơ quan này trong Luật vì cơ quan này vừa thực hiện chức năng tham mưu trong quản lý Nhà nước về cạnh tranh, vừa thực hiện tố tụng cạnh tranh. 

Trong khi đó, một số ý kiến đề nghị không quy định Cơ quan quản lý cạnh tranh trực thuộc Bộ Công Thương mà thuộc Chính phủ hoặc Quốc hội để bảo đảm tính độc lập, khách quan trong xử lý vụ việc cạnh tranh. 

Thống nhất một cơ quan cạnh tranh trực thuộc Bộ Công Thương - Hình 2

Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: TTXVN)

Dự thảo Luật bổ sung một chương (Chương VII) quy định về cơ quan cạnh tranh, trong đó định danh cơ quan cạnh tranh là Ủy ban cạnh tranh Quốc gia, đồng thời, quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban cạnh tranh Quốc gia và chức danh pháp lý, thẩm quyền của những người tiến hành tố tụng cạnh tranh. 

Người có thẩm quyền xử lý vụ việc cạnh tranh là các ủy viên Ủy ban cạnh tranh Quốc gia do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm. Khi xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh, Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh hoạt động độc lập theo nguyên tắc tập thể, quyết định theo đa số và chỉ tuân theo pháp luật. 

Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng việc quy định một cơ quan cạnh tranh là Ủy ban cạnh tranh Quốc gia trực thuộc Bộ Công Thương (trên cơ sở hợp nhất Cơ quan quản lý cạnh tranh, Hội đồng cạnh tranh và Văn phòng Hội đồng cạnh tranh hiện nay) vừa thực hiện chức năng tham mưu giúp Bộ Công Thương thực hiện quản lý Nhà nước về cạnh tranh, vừa thực hiện chức năng tố tụng trong lĩnh vực cạnh tranh là rất cần thiết và là lựa chọn phù hợp nhất trong bối cảnh hiện nay. 

Điều này giúp thu gọn đầu mối các cơ quan thực thi pháp luật cạnh tranh, phù hợp với tinh thần đổi mới, sắp xếp lại bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo chủ trương chung của Đảng và Nhà nước nhưng vẫn bảo đảm độc lập, khách quan trong xử lý vụ việc cạnh tranh. 

Mặt khác, ngay sau khi Luật được ban hành, Ủy ban cạnh tranh Quốc gia có đầy đủ chức năng quyền hạn, chức danh pháp lý cũng như thẩm quyền để thực hiện chức năng tham mưu quản lý Nhà nước về cạnh tranh, đồng thời thực hiện các hoạt động tố tụng trong lĩnh vực cạnh tranh một cách độc lập sẽ tạo điều kiện để Luật Cạnh tranh (sửa đổi) sớm đi vào cuộc sống. 

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất hướng giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi). 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhất trí với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự án Luật đồng thời thống nhất quy định một cơ quan cạnh tranh là Ủy ban cạnh tranh Quốc gia trực thuộc Bộ Công Thương (trên cơ sở hợp nhất Cơ quan quản lý cạnh tranh và Hội đồng cạnh tranh, Văn phòng Hội đồng cạnh tranh hiện nay) và cần quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của cơ quan này trong Luật. 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Ủy ban Kinh tế cùng cơ quan soạn thảo rà soát, tiếp thu các ý kiến, hoàn chỉnh lại dự thảo Luật gửi xin ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội. 

Tại phiên họp chiều 13/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, quyết định việc cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội đối với ông Ngô Đức Mạnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận.

Theo TTXVN 

Bài liên quan

Tin mới

Chủ đề "Thế giới tôi đọc" có ý nghĩa gì với văn hóa đọc sách?
Chủ đề "Thế giới tôi đọc" có ý nghĩa gì với văn hóa đọc sách?

Với 13 hoạt động thuộc khuôn khổ Ngày hội, Giám đốc Thư viện Quốc gia Việt Nam hy vọng Ngày Sách và Văn hóa đọc năm 2024 có thể lan tỏa giá trị của sách, của văn hóa đọc tới với cộng đồng bạn đọc cả nước. Sự kiện diễn ra đến hết ngày 29/4.

BTL Vùng Cảnh sát Biển 3 tiếp tục cấp nước ngọt cho nhân dân tỉnh Bến Tre
BTL Vùng Cảnh sát Biển 3 tiếp tục cấp nước ngọt cho nhân dân tỉnh Bến Tre

Ngày 20/4, tại cảng của xã Phú Thuận, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát Biển 3 phối hợp với Ban Dân vận Tỉnh ủy Bến Tre; tổ chức chương trình cấp nước ngọt sinh hoạt cho nhân dân các xã thuộc huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre.

HLV Hoàng Anh Tuấn nói gì trước trận U23 Việt Nam gặp U23 Malaysia tối nay?
HLV Hoàng Anh Tuấn nói gì trước trận U23 Việt Nam gặp U23 Malaysia tối nay?

Chia sẻ với truyền thông trước trận U23 Việt Nam vs U23 Malaysia, HLV Hoàng Anh Tuấn cho biết: “Tôi đã xem qua thành phần lực lượng của U23 Malaysia tham dự giải lần này. Họ có trên dưới 10 cầu thủ từng thi đấu trận gặp U23 Việt Nam ở giải U23 Đông Nam Á 2023.

Thừa Thiên Huế phát động Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024
Thừa Thiên Huế phát động Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024

Ban Chỉ đạo liên ngành Vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) tỉnh Thừa Thiên Huế vừa tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024.

Vì sao thị trường bất động sản Đà Nẵng và vùng phụ cận chưa cải thiện về nguồn cung?
Vì sao thị trường bất động sản Đà Nẵng và vùng phụ cận chưa cải thiện về nguồn cung?

Thị trường bất dộng sản Đà Nẵng được dự báo vẫn “đóng băng” cả nguồn cung và thanh khoản đều chưa thể phục hồi trong ngắn hạn. Các chủ đầu tư thận trọng hơn trong việc triển khai bán hàng giữa bối cảnh thị trường trầm lắng như hiện nay.

Diễn đàn Tương lai ASEAN 2024: Hướng về người dân và lấy người dân làm trung tâm
Diễn đàn Tương lai ASEAN 2024: Hướng về người dân và lấy người dân làm trung tâm

Theo Tiến sỹ Vũ Lê Thái Hoàng thì tình hình hiện nay đặt ra nhiều câu hỏi cho ASEAN: Làm thế nào để duy trì vai trò trung tâm, thích ứng với sự thay đổi của khu vực và thế giới? Làm gì để cân bằng và hài hòa các mối quan tâm và lợi ích của các thành viên; cân bằng giữa đổi mới và bảo tồn các giá trị cốt lõi của ASEAN?