(Ảnh VGP/Quang Hiếu)
Đây là cuộc làm việc thứ 2 của Tiểu ban với các địa phương nhằm khảo sát thực tế tại các bộ, ngành, địa phương phục vụ việc xây dựng văn kiện kinh tế - xã hội mà Tiểu ban chủ trì là Chiến lược 10 năm và Kế hoạch 5 năm. Ngày 23/4 vừa qua, Tiểu ban đã có cuộc làm việc đầu tiên với TP. Hà Nội và 12 địa phương lân cận.
Cùng dự với Thủ tướng tại cuộc làm việc hôm nay có các thành viên Tiểu ban; lãnh đạo TPHCM cùng 7 tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: VGP/Quang Hiếu)
Phát biểu mở đầu cuộc làm việc, Thủ tướng cho biết, yêu cầu trong việc xây dựng 2 văn kiện là kế thừa, phát huy thành quả của 30 năm Đổi mới, với tinh thần lớn là đưa nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững, thu hẹp khoảng cách phát triển với khu vực và thế giới.
Thủ tướng cho rằng, các địa phương dự cuộc làm việc hôm nay là các địa phương trọng điểm của vùng có vị trí đầu tàu, đóng góp lớn cho tăng trưởng cũng như các mặt khác. Dân số của vùng có trên 20 triệu người, chiếm trên 20% cả nước, trong đó có 11 triệu lao động, năng suất lao động của khu vực gấp 1,8 lần cả nước. GDP bình quân gấp 1,75 lần bình quân cả nước. Số lượng doanh nghiệp rất lớn, có 250.000 doanh nghiệp trong tổng số 700.000 doanh nghiệp cả nước hiện nay. Vùng có vị thế là đầu kéo quan trọng của nền kinh tế đất nước.
(Ảnh VGP/Quang Hiếu)
Thủ tướng nêu rõ, cuộc làm việc chủ yếu dành nhiều thời gian để lắng nghe ý kiến từ các địa phương về thực trạng tình hình, đánh giá, kiến nghị, đề xuất phương hướng nhiệm vụ 5 năm, 10 năm đến, tầm nhìn đến 2045. Từ đó, Tiểu ban sẽ tổng hợp, phân tích, đánh giá, cùng với tình hình chung của cả nước đề xây dựng 2 báo cáo trình Đại hội Đảng XIII là Chiến lược 10 năm và Kế hoạch 5 năm.
Thủ tướng cho biết, đã giao nhiệm vụ đối với 41 chuyên đề nghiên cứu cho các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, viện nghiên cứu, trường đại học, trong đó có TPHCM. Trên cơ sở đó, Tiểu ban xây dựng đề cương chi tiết để báo cáo Trung ương tại kỳ họp tới. “Cho nên, để hoàn thiện đề cương báo cáo và báo cáo đầy đủ, thì việc tổng hợp tình hình thực tiễn, kiến nghị, đề xuất từ các địa phương là hết sức quan trọng. Mình phải đi từ thực tiễn cuộc sống để chúng ta cùng với những quan điểm cơ bản của Đảng để hình thành những báo cáo chính trị quan trọng, có cơ sở khoa học và thực tiễn”, Thủ tướng nói.
(Ảnh: VGP/Quang Hiếu)
Với tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận một số nội dung, gồm những nét nổi bật về kết quả đạt được, tồn tại, yếu kém, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm của địa phương trong 5 năm qua, đặc biệt là cách vận dụng sáng tạo mô hình mới, thành công, hiệu quả, những vướng mắc, nút thắt, vấn đề trọng tâm nhất cần giải quyết ở địa phương. “Phát triển được như vậy là vì sao”, Thủ tướng cho rằng, không chỉ nói tình hình, thành công, kết quả… mà cần đề cập đến phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp đột phá, sáng tạo thời gian tới.
Đối với TPHCM, Thủ tướng đưa ra “yêu cầu riêng” là làm rõ việc phát huy vai trò của một trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, đề cập thực trạng phát triển, quản lý đô thị, liên kết vùng và định hướng giải pháp thời gian tới.
(Ảnh VGPQuang Hiếu)
Sau khi lắng nghe các ý kiến phát biểu, kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh các thành quả, đóng góp của các địa phương trong vùng đối với sự phát triển đất nước. Tuy nhiên, TPHCM và 7 tỉnh Nam Bộ này còn đối diện nhiều tồn tại, bất cập, nhất là hạ tầng kết nối, an ninh an toàn xã hội, kinh tế và văn hóa, thậm chí là chất lượng phát triển
Thủ tướng cũng nhất trí với các ý kiến khẳng định, TPHCM và 7 tỉnh tiếp tục là vùng động lực phát triển của đất nước. Do vậy, hành động và tư duy của chúng ta phải ở tầm cao hơn trong phát triển, bảo đảm sự đồng bộ, toàn diện, đặc biệt là lo cho dân ấm no, hạnh phúc, an toàn. Phát triển theo hướng bảo vệ môi trường, phát triển xanh. Chú trọng khoa học công nghệ trong thời đại 4.0.
Thủ tướng cũng lưu ý, kết nối hạ tầng là một vấn đề lớn, một điểm nghẽn cần giải quyết. Phải tổ chức thực hiện liên kết vùng một cách khách quan, trách nhiệm. Bên cạnh đó, cần quan tâm đến công tác xây dựng thể chế, cải cách bộ máy vì yếu tố con người là quan trọng nhất. Cán bộ cần có tầm nhìn, tâm huyết đối với sự phát triển của đất nước./.
Theo Đức Tuân (Chinhphu.vn)