Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị
Bộ Xây dựng cho biết, quá trình kiểm tra, rà soát đánh giá an toàn chịu lực nhà ở và công trình công cộng cũ, nguy hiểm tại các đô thị trong năm 2017 cho thấy, hiện nay, cả nước có khoảng 2.500 khối nhà chung cư cũ (hơn 3 triệu m2) được xây dựng trước năm 1994.
Trong đó có khoảng trên 600 khối nhà thuộc diện hư hỏng nặng, nguy hiểm, chiếm khoảng 25% tổng số nhà chung cư cũ, tập trung chủ yếu tại hai thành phố lớn là Hà Nội, TP. HCM và một số thành phố khác.
Tuy nhiên, việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ hiện thực hiện rất chậm do nhiều khó khăn vướng mắc không dễ tháo gỡ.
Về vấn đề này, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực đầu tư xây dựng sáng 20/4, với tư cách là người trong cuộc khi tham gia cải tạo chung cư cũ ở khu Văn Chương, Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu Việt Nam Nguyễn Quốc Hiệp cho rằng, việc cải tạo chung cư cũ hiện còn lắm bức xúc, nhiều nhức nhối.
Ông Hiệp lấy ví dụ như việc cải tạo chung cư cũ tại khu tập thể Văn Chương được xây dựng từ những năm 1960, khu nhà ở này đã có tuổi thọ 58 năm, người dân sống ở khu nhà này rất nguy hiểm, có thể sập bất kỳ lúc nào.
Tuy nhiên, vướng mắc lớn hiện nay là người dân có tâm lý cải tạo chung cư cũ là việc của Nhà nước chứ không phải việc của dân. Thế nên, khi cải tạo, người dân thường đòi hệ số đền bù gấp 2 - 2,5 thậm chí 5 lần mà cơ chế về vấn đề này chưa có.
“Tôi đề nghị Quốc hội, Chính phủ có quyết định giao cho HĐND cấp tỉnh, theo từng khu vực có hệ số đền bù là bao nhiêu để nhà đầu tư có thể áp dụng. Cải tạo chung cư cũ rất cần sự hỗ trợ của nhà nước như ngân sách, nguồn đất tái định cư nếu không doanh nghiệp sẽ lỗ nặng", ông Hiệp cho hay.
Chẳng hạn khu Văn Chương xây dựng 24 tầng thì lỗ khoảng 1.500 tỷ. “Nếu lỗ như vậy sẽ không có doanh nghiệp nào dám nhận nhiệm vụ cải tạo chung cư cũ”, ông Hiệp nói.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM cũng kiến nghị sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 110 Luật Nhà ở theo hướng nhà chung cư có tối thiểu bốn phần năm (4/5, khoảng 80%) các chủ sở hữu thống nhất phá dỡ để xây dựng lại nhà chung cư mới thông qua Hội nghị nhà chung cư, quyền lợi của tất cả chủ sở hữu nhà chung cư bị phá dỡ để xây dựng lại được đảm bảo như nhau nhằm để giúp cho công tác phá dỡ chung cư cũ, xây dựng lại chung cư mới kết hợp với chỉnh trang đô thị được tiến hành thuận lợi hơn.
Bên cạnh đó, ông Châu cũng kiến nghị bổ sung điều khoản quy định uy ban nhân dân cấp tỉnh được áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư đối với các dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ đang trong tình trạng hư hỏng nặng có nguy cơ sụp đổ, không còn bảo đảm an toàn cho người sử dụng, xuống cấp và nhà chung cư đang trong tình trạng hư hỏng nặng, nguy hiểm, có nguy cơ sập đổ trong thời gian ngắn, cấp D để sớm lựa chọn nhà đầu tư, tránh hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Trước những khó khăn nan giải của việc cải tạo chung cư cũ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, 97% số nhà chung cư cũ vẫn chưa được cải tạo là điều các địa phương cần đặc biệt lưu ý.
"Đừng để cháy nhà, chết người mới nói đến chuyện cải tạo chung cư cũ. Vì vậy các cấp các ngành cần đề xuất các giải pháp căn cơ để giải quyết vấn đề này", Thủ tướng khẳng định.
Trước đó, phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, còn tình trạng cơ quan chức năng "ngâm" hồ sơ đầu tư xây dựng kéo dài và đề nghị cần mạnh dạn chỉ ra cơ quan nào, đơn vị nào và cần sửa cái gì để tháo gỡ. Cho rằng đây không phải dịp bàn về kết quả của ngành xây dựng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh chủ đề của Hội nghị là tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan đến đầu tư xây dựng nhằm bảo đảm tiến độ, chất lượng xây dựng.
Thủ tướng nhấn mạnh, nội dung Hội nghị là tập trung tháo gỡ khó khăn trước mắt làm ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng xây dựng, giải ngân vốn đầu tư công trung hạn, đặc biệt là năm 2018.
Vấn đề đấu thầu, đất đai, giải phóng mặt bằng, phối hợp giữa chủ đầu tư với chính quyền địa phương còn bất cập. “Chậm do nhiều nguyên nhân trong đó có việc chọn nhà thầu không có đủ năng lực, kinh nghiệm vì lý do này, lý do khác. Rồi nhất là giải phóng mặt bằng, thủ tục đất đai. Chế độ công tác, kiểm tra, giao ban, đôn đốc xử lý vướng mắc trên công trường, trên nhật ký công trình, trong những vấn đề đặt ra của từng đơn vị cũng chưa phải làm tốt. Cơ chế nào điều hành cái này cho rõ hơn”, Thủ tướng đặt vấn đề.
“Những tồn tại về chất lượng, tiến độ và những hiện tượng thất thoát, lãng phí trong xây dựng phải được chấn chỉnh tốt hơn nữa”. Cho rằng còn tình trạng cơ quan chức năng "ngâm" hồ sơ đầu tư xây dựng kéo dài, sợ trách nhiệm, làm ảnh hưởng đến tiến độ, những thủ tục tiếp theo, Thủ tướng đề nghị cần mạnh dạn chỉ ra cơ quan nào, đơn vị nào và cần sửa cái gì để tháo gỡ.
Thủ tướng cũng đề nghị “nói thẳng ra những nghị định, thông tư nào làm ảnh hưởng đến tiến độ các công trình trọng điểm quốc gia để tháo gỡ”. Việc tháo gỡ các vướng mắc để thúc đẩy vốn đầu tư công hay vốn đầu tư xây dựng nói chung trong năm nay, bởi vốn là một yếu tố quan trọng tạo ra tăng trưởng.
"Muốn tiếp tục có thành quả thì chúng ta phải tháo gỡ để làm tốt hơn”, Thủ tướng nêu rõ.
Theo theleader