Giải quyết các vấn đề cấp bách
Báo cáo trước Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trong những ngày qua, Chính phủ, từng thành viên Chính phủ đã nghiêm túc lắng nghe, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội và sẽ tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành khẩn trương giải quyết, đáp ứng yêu cầu và kỳ vọng của đồng bào, cử tri cả nước; nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Đảng, Quốc hội.
Quốc hội tiến hành chất vấn đối với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay, năm 2019 là năm thứ hai liên tiếp dự báo chúng ta đạt và vượt toàn bộ 12/12 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó có 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Nhưng kết quả này sẽ cao hơn nữa nếu mỗi chúng ta cùng nêu gương, hành động quyết liệt hơn để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc của nền kinh tế.
Làm rõ hơn về một số vấn đề trọng tâm mà Quốc hội, đồng bào, cử tri cả nước quan tâm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, về giải ngân vốn đầu tư công: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thường xuyên quan tâm chỉ đạo thúc đẩy giải ngân đầu tư công, nhưng thực tế cho thấy vẫn cần tiếp tục đôn đốc giải quyết sát sao hơn, đồng thời cần sự chủ động, sáng tạo vào cuộc mạnh mẽ của tất cả các cấp chính quyền, của từng cơ quan, đơn vị.
Các Bộ trưởng và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải bám sát kế hoạch và tiến độ giải ngân của từng dự án thuộc thẩm quyền quản lý; khẩn trương đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, chịu trách nhiệm trực tiếp về kết quả thực hiện giải ngân và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư của ngành mình, địa phương mình; không để tiếp diễn tình trạng bê trễ, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm.
Về dự án trọng điểm quốc gia Cảng hàng không quốc tế Long Thành và đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Thủ tướng Chính phủ cho biết, Chính phủ đã và đang tích cực chỉ đạo triển khai thực hiện; cam kết bàn giao mặt bằng vào đầu năm 2020 để khởi công vào đầu năm 2021 và hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2025.
Đối với 11 dự án thành phần đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, trong số 3 dự án đầu tư công thì đã khởi công 1 dự án, 2 dự án còn lại sẽ triển khai trong quý IV năm nay. 8 dự án theo hình thức PPP chuyển sang đấu thầu trong nước, sẽ triển khai xây dựng vào giữa năm 2020.
Về việc triển khai Nghị quyết về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, trước thực trạng còn nhiều khó khăn về nguồn vốn, trong khi hệ thống hạ tầng giao thông kết nối còn nhiều bất cập và tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển nghiêm trọng, Chính phủ đã và đang tập trung chỉ đạo, quyết tâm sớm hoàn thành các tuyến đường bộ quan trọng kết nối các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long như đặc biệt cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, dự án cầu Mỹ Thuận 2, đoạn cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ.
Bên cạnh việc bố trí 16.700 tỷ đồng theo kế hoạch cho các dự án phát triển Đồng bằng Sông Cửu Long, Chính phủ sẽ kiến nghị Quốc hội tiếp tục bố trí đủ 3.400 tỷ đồng nữa từ kế hoạch đầu tư công trung hạn và dự phòng ngân sách trung ương 2019 để hỗ trợ các địa phương trong vùng. Thời gian tới, Chính phủ tiếp tục ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước và tăng cường huy động các nguồn lực xã hội để giải quyết các vấn đề cấp bách như đối phó tình hình sạt lở bở sông, bờ biển, suy giảm nguồn nước, thực hiện chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cây trồng, vật nuôi, phát triển nguồn nhân lực và hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, trong đó có việc tập trung đầu tư cảng biển, cảng sông.
Nỗ lực nâng hạng môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh quốc gia
Về cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ sẽ chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động, đổi mới năng lực quản trị của DNNN, tăng nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn trong kế hoạch đã được duyệt. Tiếp tục tạo cơ hội cho khu vực tư nhân, các loại hình hợp tác xã tham gia quá trình tái cơ cấu DNNN.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc
Vấn đề cơ cấu lại các ngân hàng thương mại yếu kém và xử lý nợ xấu cần phải được triển khai, xử lý quyết liệt hơn, nhanh hơn và thực chất hơn. Sử dụng hiệu quả các công cụ chính sách tiền tệ. Điều hành tỷ giá linh hoạt, hiệu quả theo tín hiệu thị trường, hỗ trợ xuất khẩu và nâng đỡ sản xuất trong nước.
Về môi trường đầu tư kinh doanh, tiếp tục triển khai nghiêm túc Nghị quyết số 02 của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Cải cách mạnh mẽ nền hành chính công vụ, khuyến khích đổi mới và sáng tạo trong mọi hoạt động của nền kinh tế. Tiếp tục nỗ lực nâng hạng môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia thuộc nhóm ASEAN-4 trong 5 năm tới.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Chính phủ sẽ chỉ đạo tiếp tục rà soát, bãi bỏ và giảm đáng kể danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện thông qua việc bổ sung, sửa đổi Luật Đầu tư; tiếp tục bãi bỏ, đơn giản hóa các quy định về điều kiện kinh doanh, bảo đảm những thay đổi này có tác động thiết thực đối với người dân và doanh nghiệp, chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong quản lý thị trường, chống gian lận thương mại, gian lận xuất xứ hàng hóa, hàng nhập lậu qua biên giới, hàng giả,… tạo môi trường kinh doanh minh bạch, lành mạnh.
Thực hiện tăng trưởng bao trùm phải ổn định vĩ mô
Tại hội trường, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) đặt vấn đề trước Thủ tướng về "tăng trưởng bao trùm".
Đại biểu nêu vẫn đề: "tăng trưởng bao trùm" được xem là một cách tiếp cận, một quan điểm phát triển được nhiều tổ chức quốc tế nhắc đến. Trong các bài phát biểu của mình, nhiều lần, Thủ tướng nhắc đến việc theo đuổi mục tiêu "tăng trưởng bao trùm.
Vậy, Thủ tướng cho biết Chính phủ đã và sẽ làm gì để thực hiện tăng trưởng bao trùm, phát triển hài hòa, một cách mạnh mẽ, thực chất?
Vấn đề thứ hai mà đại biểu Tám đặt ra là về thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình kinh tế tăng trưởng giai đoạn vừa qua đã đạt được một số kết quả nhưng vẫn chậm, sức cạnh tranh của nền kinh tế doanh nghiệp và sản phẩm vẫn còn yếu so với các nước. Chúng ta có rất ít những doanh nghiệp lớn có khả năng cạnh tranh quốc tế. Đại biểu đề nghị Thủ tướng cho biết dự kiến sẽ có giải pháp đột phá gì để cải thiện thực trạng trên.
Trả lời câu hỏi này, Thủ tướng nêu rõ: "mô hình tăng trưởng của chúng ta nhấn mạnh đến sự bình đẳng và tiếp cận các cơ hội, để mọi người dân thụ hưởng thành quả tăng trưởng, không để ai bỏ lại phía sau".
Thủ tướng nhấn mạnh, chủ trương này rất quan trọng. Đảng, Nhà nước ta xác định phát triển đồng đều các vùng. "Chủ trương này rất thành công. Độ chênh lệch tuy là có, nhưng so với các nước khác, nước ta còn tốt hơn. Chúng ta vui mừng về sự phát triển các vùng sâu, vùng xa, đời sống của người dân. Chúng ta đã có 118 chương trình liên quan đến phát triển đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Và trong phiên họp này, Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến về Đề án phát triển vùng đồng bào dân tộc miền núi và từ đó thực hiện chủ trương phát triển bao trùm", Thủ tướng cho biết.
Đồng thời, Thủ tướng đề nghị cần định hướng cơ chế, chính sách quan tâm hơn đến người nghèo, những đối tượng chính sách, nhất là vùng đồng bào vùng sâu, vùng xa; quan tâm các phúc lợi xã hội về việc làm để nhằm giảm khoảng cách phát triển giữa các vùng; thực hiện tốt hơn nữa công bằng xã hội, tiến bộ xã hội đối với các vùng miền còn khó khăn để thực hiện mục tiêu tăng trưởng bao trùm.
Thủ tướng nhấn mạnh, thực hiện tăng trưởng bao trùm phải ổn định vĩ mô. "Bởi vì, nếu phát triển nhanh nhưng lạm phát cao, không cải thiện được đời sống nhân dân. Giữ chỉ số lạm phát như vừa qua là rất cần thiết" - Thủ tướng phân tích, đồng thời cho biết, chúng ta có chính sách giải quyết việc làm, đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng để có thu nhập; tạo mọi điều kiện, cơ hội cho mọi người, nhất là người nông thôn, miền núi có điều kiện thu nhập.
Đảng, Nhà nước tạo điều kiện về nguồn lực, về tài chính cho các cá nhân và doanh nghiệp trong phát triển. Những chủ trương tài chính vi mô hỗ trợ cho phụ nữ nghèo, cho người dân những vùng khó khăn thông qua ngân hàng chính sách, một số quỹ khác rất cần thiết để giảm chênh lệch mức sống so với đô thị và nông thôn Việt Nam.
Bên cạnh việc ổn định vĩ mô, Thủ tướng nhấn mạnh phải nâng cao ý thức tự cường của người dân.
Nêu ra hình ảnh một bà cụ Thanh Hóa 83 tuổi đã 3 lần làm đơn xin thoát khỏi diện hộ nghèo, Thủ tướng nhấn mạnh ý thức tự lực, tự chủ của người dân là truyền thống văn hóa của dân tộc, chúng ta có nhiều điển hình trong cuộc sống.
Về vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, Thủ tướng cho biết: mô hình tăng trưởng giai đoạn vừa qua đã được nhiều kết quả nhưng sức cạnh tranh của nền kinh tế, của doanh nghiệp, sản phẩm còn yếu so với các nước phát triển. Nhất là chúng ta có ít doanh nghiệp, tập đoàn lớn có khả năng cạnh tranh quốc tế cao.
Thủ tướng đề nghị phải tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng tốt hơn, nền tảng cho sự phát triển.
"Để thực hiện được điều đó cần thể chế pháp luật; hai là nguồn nhân lực; đặc biệt là hạ tầng chất lượng cao. Ba khâu này là điểm nghẽn của đất nước mà Đại hội Đảng lần thứ XI đã xác định. Muốn tái cơ cấu thành công thì phải đẩy mạnh 3 khâu này", Thủ tướng nêu rõ.
Đồng thời, Thủ tướng cho rằng cần tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế và tái cơ cấu. Thủ tướng ghi nhận, nhiều địa phương tái cơ cấu ngành rất tốt như: tỉnh Đồng Tháp hay Sơn La là tỉnh miền núi, thực hiện tái cơ cấu rất thành công và hiện có vùng trái cây lớn,...
Trả lời chất vấn của đại biểu về quan điểm phát triển "kinh tế ban đêm", Thủ tướng cho biết: Kinh tế ban đêm là một sự năng động của kinh tế trong bối cảnh mới quốc tế, là thúc đẩy tiêu dùng và tăng trưởng.
"Năm nay ít nhất là 18 triệu lượt khách quốc tế, phần lớn trái múi giờ Việt Nam, mình mà đi ngủ, người ta đi chơi sẽ không có thời cơ để phục vụ, quảng bá về văn hóa ẩm thực, các hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh ở Việt Nam. Cho nên, kinh tế ban đêm cũng tạo thêm nhiều việc làm và giải quyết lao động", Thủ tướng nói, đồng thời cho rằng, trước hết, các trung tâm kinh tế, các thành phố lớn sẽ có điều kiện phát triển kinh tế ban đêm.
"Đây cũng là vấn đề để trả lời các câu trả lời: Làm gì để du khách đến đông hơn? Làm gì để du khách lâu hơn? Làm gì để khách tiêu tiền nhiều hơn? Làm gì để khách kể về những trải nghiệm thú vị tại Việt Nam? Nhất là làm gì để du khách quay trở lại sớm nhất có thể?", Thủ tướng nêu vấn đề, đồng thời nhấn mạnh "phát triển kinh tế ban đêm là một xu hướng các nước đang vận dụng, Việt Nam nên tận dụng thời cơ này".
Đồng thời cho rằng, kinh tế ban đêm cũng có những mặt trái, Thủ tướng đề nghị cần phải chú trọng tốt công tác quản lý, không để tiêu cực có thể xảy ra.
Tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân
Trả lời chất vấn của đại biểu về phát triển kinh tế tư nhân, Thủ tướng nhấn mạnh, kinh tế tư nhân là một trong động lực quan trọng phát triển đất nước, chúng ta đã có Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương về phát triển kinh tế tư nhân.
Thủ tướng cho biết, Việt Nam đã có trên 800.000 doanh nghiệp kinh tế tư nhân. Các địa phương đã chỉ đạo phát triển kinh tế tư nhân; các cấp, các ngành có liên quan được giao chương trình hành động để phát triển kinh tế tư nhân đã thực hiện tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao phó. Đến nay, kinh tế tư nhân đã đóng góp khoảng 40% GDP của cả nước.
"Chúng ta vui mừng là có nhiều tập đoàn tư nhân đổi mới khoa học, công nghệ, đầu tư những sản phẩm có chất lượng cao, giá trị gia tăng cao, nhất là đã ứng dụng một số tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất. Đảng, Nhà nước hoan nghênh và tạo mọi điều kiện để tiếp tục phát triển kinh tế tư nhân trong thời gian tới" - Thủ tướng nhấn mạnh, đồng thời yêu cầu các cấp, các ngành thực hiện tốt chủ trương, Nghị quyết Trung ương về phát triển kinh tế tư nhân trong thời gian tới.
Hoan Nguyễn