Thủ tướng yêu cầu: Tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu của các quỹ tín dụng nhân dân - Hình 1

 Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương hợp lực giám sát QTDND

Xử lý dứt điểm các quỹ tín dụng nhân dân yếu kém

Theo nội dung của Chỉ thị, nhằm đảm bảo cho hệ thống QTDND hoạt động ổn định, an toàn và phát triển bền vững, đúng mục tiêu, đúng tính chất, đúng nguyên tắc của loại hình tổ chức tín dụng hợp tác, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan, đơn vị liên quan tập trung thực hiện thành công nhiệm vụ cơ cấu lại hệ thống QTDND theo Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020” ban hành kèm theo Quyết định số 1058/QĐ-TTg ngày 19 tháng 7 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ, theo định hướng “Tiếp tục chấn chỉnh, củng cố và nâng cao mức độ an toàn, hiệu quả của QTDND hiện có đi đôi với mở rộng vững chắc các QTDND mới ở khu vực nông thôn.

Phạm vi hoạt động chủ yếu của QTDND là huy động vốn và cho vay các thành viên trên địa bàn, đặc biệt là khu vực nông thôn nhằm huy động các nguồn lực tại chỗ để góp phần phát triển kinh tế địa phương, xóa đói, giảm nghèo và đẩy lùi cho vay nặng lãi; bảo đảm QTDND hoạt động trên nguyên tắc tự nguyện, tự chủ, tự chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động và nhằm mục tiêu chủ yếu là tương trợ lẫn nhau giữa các thành viên”.

Đồng thời, nâng cao năng lực, trình độ, đặc biệt là ý thức chấp hành pháp luật của đội ngũ cán bộ quản trị, điều hành QTDND; phát huy vai trò, trách nhiệm kiểm soát, kiểm toán nội bộ của QTDND; đảm bảo QTDND hoạt động an toàn, hiệu quả, theo đúng tôn chỉ, mục đích, nguyên tắc hoạt động và quy định của pháp luật; tăng cường vai trò, trách nhiệm, công tác phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước nhằm ngăn ngừa, hạn chế, và kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm pháp luật; tập trung xử lý dứt điểm các QTDND yếu kém nhằm giữ vững ổn định chính trị, trật tự xã hội và an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng; nghiên cứu, hoàn thiện cơ sở pháp lý đối với hoạt động của QTDND, cơ chế xử lý đối với QTDND yếu kém.

Tăng cường, chủ động tuyên truyền chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước về hoạt động QTDND, tạo điều kiện để người dân và thành viên QTDND nâng cao hiểu biết, tích cực tham gia quản lý và giám sát hoạt động của các QTDND; phát huy vai trò Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam, Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam trong việc liên kết hệ thống, hỗ trợ tài chính và xử lý khó khăn của các QTDND, tăng cường vai trò tham gia, hỗ trợ chức năng kiểm tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đối với các QTDND.

Tiếp tục rà soát, củng cố và phát triển các QTDND

Để đạt được những mục tiêu trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu NHNN tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, quy định về an toàn hoạt động, quản lý, điều hành, quản trị rủi ro và các quy định khác đối với hệ thống QTDND phù hợp với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng; đổi mới cơ chế quản lý hệ thống QTDND theo hướng phân cấp theo quy mô tài sản, điều kiện quản trị rủi ro và năng lực cán bộ. Triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Củng cố và phát triển hệ thống QTDND đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”.

Tập trung xử lý theo thẩm quyền các QTDND yếu kém bằng các hình thức sáp nhập, hợp nhất, giải thể hoặc bằng một số biện pháp khác theo đúng quy định của pháp luật, trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi chính đáng của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống, đảm bảo an ninh, trật tự tại địa phương; nâng cao vai trò quản lý nhà nước, tăng cường công tác thanh tra, giám sát, kiểm tra ở cấp trung ương và địa phương về hoạt động tín dụng, cấp phép hoạt động, tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu của các QTDND, xử lý các QTDND yếu kém hiện nay.

Đồng thời, tăng cường vai trò và giao nhiệm vụ Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam và Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam trong việc phối hợp tham gia, hỗ trợ chức năng kiểm tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước đối với các QTDND; thực hiện tốt vai trò trách nhiệm đầu mối liên kết hệ thống của Ngân hàng Hợp tác xã trong điều hòa vốn, hỗ trợ cho vay đối với QTDND gặp khó khăn về tài chính, thanh khoản; tích cực tham gia xử lý các QTDND yếu kém hoặc có dấu hiệu mất an toàn trong hoạt động; nghiên cứu đề xuất việc sửa đổi Luật Bảo hiểm Tiền gửi để sử dụng nguồn tiền kết dư phí bảo hiểm tiền gửi để xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém.

Rà soát, đánh giá, phân loại các QTDND để có các biện pháp xử lý phù hợp đối với các QTDND yếu kém theo Đề án củng cố và phát triển QTDND đến 2020 và định hướng đến 2030.

Theo yêu cầu của Thủ tướng, Bộ Tài Chính, Bộ Công an phải có trách nhiệm cùng NHNN. Cụ thể, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với NHNN và các cơ quan liên quan nghiên cứu, sửa đổi theo thẩm quyền các quy định (về chế độ tài chính, trích lập dự phòng rủi ro,...) để tạo điều kiện cho các tổ chức (Tổ chức tín dụng, Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam,...) tham gia xử lý QTDND yếu kém; nghiên cứu đề xuất việc ban hành, sửa đổi các chính sách về thuế để khuyến khích phát triển QTDND tại vùng nông thôn, vùng khó khăn theo định hướng, giải pháp đã quy định tại Quyết định số 1058/QĐ-TTg ngày 19-7-2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020".

Bộ Công an tích cực, chủ động phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và chính quyền địa phương trong việc xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật trong hoạt động của các QTDND; duy trì an ninh, trật tự trên địa bàn, góp phần đảm bảo trật tự, an toàn xã hội; chỉ đạo công an địa phương hỗ trợ, phối hợp với cơ quan chức năng trong việc thu hồi vốn, tài sản của các QTDND theo quy định của pháp luật.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tích cực, chủ động phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong việc giám sát, hỗ trợ QTDND trên địa bàn; tăng cường, chủ động công tác tuyên truyền, ổn định tâm lý người dân, đảm bảo tình hình an ninh trật tự trên địa bàn khi có vấn đề nảy sinh; đấu tranh với các thông tin sai lệch gây tâm lý hoang mang, ảnh hưởng đến an toàn hoạt động của hệ thống QTDND.

UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo chính quyền các cấp quận, huyện, phường, xã tăng cường quản lý nhà nước về cán bộ nhân sự làm việc tại các QTDND, ngăn ngừa các vi phạm, rủi ro đạo đức; phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố tăng cường quản lý hoạt động của QTDND đảm bảo ổn định, lành mạnh phù hợp quy định pháp luật và định hướng phát triển chung của hệ thống QTDND; quan tâm, hỗ trợ cơ sở vật chất, trụ sở làm việc cho QTDND nhằm đảm bảo QTDND hoạt động ổn định, an toàn.

Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam và các QTDND thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật trong hoạt động huy động và cho vay; tăng cường quản lý và giáo dục đạo đức cán bộ, ngăn ngừa rủi ro trong hoạt động; tích cực triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp xử lý nợ xấu như đôn đốc thu hồi nợ, bán, xử lý nợ, xử lý tài sản đảm bảo, sử dụng dự phòng và các biện pháp khác theo quy định để đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu...

Khánh Yên