Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn tổng hợp các khó khăn, vướng mắc của các tập đoàn, tổng công ty nêu tại hội nghị để xem xét, xử lý theo chức năng, nhiệm vụ được giao; chủ động cùng với các tập đoàn, tổng công ty làm việc với các Bộ, cơ quan quản lý Nhà nước liên quan để sớm tìm giải pháp tháo gỡ cho doanh nghiệp. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu Ủy ban khẩn trương trình Thường trực Chính phủ các Đề án, Dự án để báo cáo kết quả, trình Bộ Chính trị, Quốc hội.
Với Đề án tổng thể các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 giai đoạn 2021-2026, Thủ tướng yêu cầu Ủy ban trình trong tháng 2. Bên cạnh đó, các Dự án, Đề án bao gồm Dự án Thép Việt Trung VTM, mở rộng nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 được yêu cầu hoàn thiện và trình trong tháng 3; Đề án cơ cấu lại VEC, Nhà máy đóng tàu Dung Quất trình trong quý I năm nay.
Thủ tướng cũng chỉ đạo Ủy ban Quản lý vốn tổng hợp các vướng mắc, bất cập của Luật số 69/2014/QH13, xác định rõ các nội dung cần phải sửa đổi, bổ sung cấp bách để tháo gỡ khó khăn, giải phóng nguồn lực, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Nhà nước thực hiện đầu tư phát triển, đóng góp ý kiến gửi Bộ Tài chính trong tháng 2.
Cũng theo văn bản kết luận của Thủ tướng: "Ủy ban Quản lý vốn bố trí nhân sự đúng, trúng căn cứ vào tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình, quy định của Đảng, Nhà nước, bảo đảm công khai, dân chủ, khách quan, minh bạch; tuyệt đối không để chạy chức, chạy quyền, tiêu cực, tham nhũng trong công tác cán bộ. Tất cả phải theo quy trình, quy định; không để bất cứ ai can thiệp tiêu cực vào công tác cán bộ".
Về đề án gỡ khó cho Vietnam Airlines, hiện hãng đã hoàn thành Đề án cơ cấu lại giai đoạn 2022-2025, đang báo cáo cổ đông và cấp có thẩm quyền phê duyệt. “Sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp để tăng cường thích nghi và cải thiện kết quả hoạt động kinh doanh, tái cơ cấu tài sản và danh mục đầu tư tài chính để gia tăng thu nhập, dòng tiền và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn chủ sở hữu sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt”, Vietnam Airlines cho biết.
Ngoài ra, Bộ Tài chính đang sửa Nghị định về đầu tư và quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, trong đó đề xuất giải pháp để Vietnam Airlines có thể thoái vốn tại Pacific Airlines.
Về kết quả kinh doanh, lũy kế cả năm 2023, hãng hàng không quốc gia ghi nhận doanh thu thuần gần 91.500 tỷ đồng, mức cao nhất từ lúc dịch Covid-19 bùng phát và bằng 94% mức đỉnh trước dịch năm 2019. Tuy nhiên, lợi nhuận hợp nhất sau thuế của hãng bay này vẫn âm khoảng 5.500 tỷ đồng. So với năm 2022, số lỗ này đã giảm được một nửa, tương đương hơn 5.700 tỷ đồng. Đây cũng là năm thứ 4 liên tiếp doanh nghiệp hàng không này thua lỗ.
Đến hết năm 2023, vốn chủ sở hữu của hãng hàng không quốc gia âm gần 17.000 tỷ đồng, lỗ lũy kế vượt 40.000 tỷ. Nợ vay tài chính của công ty ở mức gần 27.400 tỷ đồng.
Lý giải của Vietnam Airlines, trong năm 2023 thị trường vận chuyển quốc tế vẫn chưa hồi phục hoàn toàn, hoạt động vận tải hành khách trong và ngoài nước còn gặp nhiều khó khăn do suy giảm nhu cầu, tình trạng thừa tải và cạnh tranh cao. Ngoài ra, ngành hàng không còn gặp phải nhiều yếu tố tiêu cực như giá nhiên liệu tăng cao, xung đột địa chính trị và các rủi ro tỷ giá.
Minh An (t/h)