Hội thảo đã nhận được 23 tham luận từ các nhà quản lý, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu là hội viên Hội Văn nghệ dân gian tỉnh và những người trực tiếp làm du lịch ở Thừa Thiên - Huế.
Phát biểu tại hội thảo, nhà nghiên cứu Nguyễn Thế- Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: Vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai là chuổi đầm nước lợ lớn của tỉnh Thừa Thiên Huế, tổng diện tích khoảng 22.000 ha, dài gần 70 km chạy dài theo hướng Tây Bắc – Đông Nam (song song với bờ biển). Điểm đầu tiên cuối sông Ô Lâu (xã Phong Bình, huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế) chảy xuôi và mở rộng dần qua các huyện Quảng Điền, thành phố Huế, huyện Phú Vang và Phú Lộc, hình thành nên phá Tam Giang (từ sông Ô Lâu đến cửa biển Thuận An); đầm Thủy Tú (bao gồm đầm Chuồn, đầm Sam, đầm Thủy Tú) và đầm Cầu Hai thông với cửa biển Tư Hiền.
Hệ đầm phá Tam Giang – Cầu Hai cùng với vùng ven bờ biển là “món quà” vô giá mà thiên nhiên đã ban tặng cho Thừa Thiên Huế. Đây là vùng đất chứa đựng những trầm tích lịch sử văn hóa của cư dân bản địa và cư dân Việt trong suốt chặng đường di dân mở cõi cho đến nay. Cảnh quan thiên nhiên, tiềm năng về kinh tế, giá trị lịch sử văn hóa trong suốt quá trình hình thành và phát triển của vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai cần phải được nghiên cứu và đánh giá cụ thể hơn để phục vụ tốt cho việc phát triển kinh tế xã hội của Thừa Thiên Huế theo “Đề án Phát triển kinh tế - xã hội vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030”
Tham luận tại hội thảo, nhà nghiên cứu (NNC) Trần Đại Vinh, thông tin “về đầm phá Tam Giang – Cầu Hai trong lịch sử và định hướng khai phá du lịch hiện nay”. Ông gợi ý về việc xây dựng, tổ chức một số tour tuyến du lịch trên vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai. Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc sở du lịch Thừa Thiên Huế, đề xuất “Khai thác giá trị văn hóa dân gian để phát triển du lịch ở vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai”, theo ông, các sản phẩm phải đảm bảo tiêu chí về bảo vệ môi trường, di sản văn hóa, quyền lợi của cộng đồng. Sản phẩm du lịch văn hóa dân gian kiên quyết chống hàng giả, hàng nhái. Vì thế, không đóng giả lễ hội, không làm giả các nghi lễ linh thiêng để thu hút khách dẫn đến tình trạng giải thiêng.
TS. Trần Văn Dũng, cung cấp nhân vật lịch sử “Ninh Thuận Quận vương và những cánh đồng lúa bên phá Tam Giang”. NNC Trần Hoàng, thì đề xuất cần khôi phục và tạo dựng những giá trị văn hóa dân gian ở vùng này như các lễ hội văn hóa dân gian, điệu hò kéo lưới, sưu tầm tục ngữ, ca dao, chuyện kể về đời sống và hoạt động của người dân để cung cấp cho du khách hiểu biết thêm về đời sống văn hóa của người dân vùng đầm phá.
TS Cung Trọng Cường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thừa Thiên Huế đề xuất về phát triển kinh tế biển và ven biển huyện Phú Vang, một địa phương được xem là trung tâm của vùng ven biển và đầm phá Tam Giang – Cầu Hai.
TS Nguyễn Thị Tâm Hạnh, Phân viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại Huế đã hệ thống hóa “Tài nguyên văn hóa dân gian nguồn lực để phát triển du lịch, dịch vụ vùng Tam Giang – Cầu Hai”, đó là hệ thống di tích lịch sử văn hóa, thiết chế văn hóa làng xã như đình chùa miếu vũ, lễ hội văn hóa, tín ngưỡng; văn hóa sản xuất cổ truyền; sản phẩm của các làng nghề truyền thống ven vùng đầm phá như: nghề đan đệm bàng làng Phò Trạch (ngày xưa đệm bàng ở đây được dùng làm buồm cho các ghe thuyền trên vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai và cho cả ghe bầu đi biển); nghề đan lưới ở làng Vân Trình; nghề chế biến thủy hải sản, nghề đan lát, làm ngư cụ… vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai
Nhiều nhà khoa học đã đề xuất, gợi mở nhiều hoạt động phong phú, đa dạng để thu hút nguồn khách du lịch đến với đầm phá Tam Giang- Cầu Hai, như TS. Lê Anh Tuấn, đề xuất về sân khấu thực cảnh “ấn tượng Lagoon” - sản phẩm phát triển du lịch vùng Tam Giang – Cầu Hai”. NNC Nguyễn Phước Bảo Đàn- Phân viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại Huế thì đề xuất về một Bảo tàng, có thể kết nối khắp nơi thông qua không gian mạng để giới thiệu, quảng bá về du lịch đầm phá; hình ảnh đời sống của người dân thủy diện trong ký ức và trong cuộc sống đương đại.
NNC Hoàng Thị Như Huy thì giới thiệu “Rú Chá – thiên đường của chốn trần gian” ở vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai. Tác giả Lê Thọ Quốc và Nguyễn Phước Bảo Đàn thông tin về “Nghề đóng thuyền truyền thống vùng đầm phá Tam Giang – Huế: kỷ thuật đặc trưng và hướng đến sản phẩm lưu niệm độc đáo” hay Đặng Thị Như Phương nêu về du lịch văn hóa ẩm thựccủa một vùng quê huyện Quảng Điền đang rất thu hút du khách trong nước và quốc tế, đó là làng Ngư Mỹ Thạnh, xã Quảng Lợi…
Phải nói rằng, dù chỉ mới mang tính gợi mở nhưng Hội thảo đã cho thấy một Đầm phá Tam Giang – Cầu Hai tiềm năng và phát triển. Tại đây có nhiều yếu tố để phát triển ngành du lịch thành ngành kinh tế chủ lực của vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai. Phát huy cao nhất các lợi thế của vùng đầm phá và ven biển, kết nối với du lịch cố đô Huế để phát triển tổng hợp du lịch sinh thái, văn hóa, du lịch biển; tạo ra các sản phẩm du lịch và dịch vụ có chất lượng cao như hình thành các khu du lịch nghỉ dưỡng, du lịch chữa bệnh, các trung tâm du lịch thể thao, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa…
Trần Minh Tích