Ông Phan Ngọc Thọ- Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế
Ông Phan Ngọc Thọ- Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế.

 Năm 2020, Thừa Thiên Huế gặp nhiều khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, nhưng vẫn hoàn thành và vượt mức nhiều chỉ tiêu chủ yếu. Chia sẻ của Chủ tịch về vấn đề này?

Năm 2020, đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương chịu tác động, ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 và các đợt thiên tai bão lụt liên tiếp.

Song, có thể nói, Thừa Thiên Huế đã thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phấn đấu của toàn Đảng bộ, chính quyền các cấp, các ngành, sự chung sức, đồng lòng vượt qua khó khăn của các tầng lớp nhân dân, đã thực hiện thành công “mục tiêu kép”: Vừa phòng chống, kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, giảm thiệt hại, khắc phục hậu quả thiên tai bão lũ, vừa hỗ trợ, tạo điều kiện phục hồi và thúc đẩy phát triển KT-XH.

Nhờ đó, đã tạo điều kiện cho các hoạt động SXKD diễn ra trong trạng thái bình thường mới, góp phần tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh đạt 2,06%, là mức tăng trưởng dương (đứng thứ 2 trong số 5 tỉnh vùng kinh tế trọng điểm miền Trung).

Chỉ tiêu thu ngân sách của tỉnh trở thành điểm sáng, đạt gần 9.500 tỷ đồng, mức cao nhất từ trước tới nay, vượt 25% so dự toán, tăng 13% so thực hiện thu 2019, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH của địa phương.

Nói đến Huế là nói đến một cố đô, một thành phố di sản luôn bảo tồn, nhưng gần đây, nói đến Huếnhiều người tự hào rằng “Huế luôn luôn mới”! Vì sao lại có sự thay đổi đó?

Với bề dày lịch sử hơn 700 năm, từng là Thủ phủ của 9 đời chúa Nguyễn ở Đàng Trong, là Kinh đô của triều đại Tây Sơn, của nước Việt Nam thống nhất dưới 13 triều vua Nguyễn, Huế được biết đến là vùng đất văn hiến, có bề dày lịch sử, văn hóa đặc sắc và truyền thống cách mạng vẻ vang; là thành phố di sản thế giới, thành phố Festival của Việt Nam.

Vì vậy, khi nói đến cố đô đến Huế - là liên tưởng sự trầm mặc của di tích, phong cảnh hữu tình của thiên nhiên, những giá trị văn hóa. Đặc biệt, trong thời gian gần đây, nói đến Huế, người dân lại tự hào “Huế luôn luôn mới” - chính là Huế đã thay đổi tư duy, vừa giữ gìn, bảo tồn nguyên vẹn các giá trị di sản, vừa biết khai thác, phát huy những lợi thế đó để phát triển. 

Theo đó, tỉnh đã triển khai di dời dân cư khu vực I kinh thành Huế nhằm gìn giữ, bảo vệ, bảo tồn văn hóa còn nguyên vẹn của Việt Nam, do tiền nhân để lại cho tương lai; ổn định chất lượng cuộc sống của người dân; chỉnh trang cảnh quan môi trường; phát huy giá trị di tích, khoanh vùng bảo tồn kết hợp du lịch, tạo động lực phát triển KT-XH  

Chúng ta đang làm sống lại các truyền thống vốn có của văn hóa Huế, con người Huế thông qua chương trình tái hiện Hoàng cung Huế xưa qua công nghệ thực tế ảo; các hoạt động trình diễn, các lễ hội áo dài Huế đươc tổ chức từng đêm cho du khách; mặc trang phục áo dài vào thứ hai hằng tuần đối với các cán bộ công chức, viên chức; thực hiện Đề án “Huế - Kinh đô ẩm thực” bước đầu bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị vốn có của ẩm thực Huế với 1.700 món ăn/tổng số 2.400 món ăn của cả nước.

Thực hiện thay đổi diện mạo TP. Huế thông qua việc chỉnh trang 2 bờ sông Hương, khánh thành đường đi bộ trên sông Hương; hướng đến một môi trường xanh – sạch – sáng, thành phố văn minh hơn với điểm nhấn là phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” cùng với các chương trình “Huế - không tiếng còi xe”; “Nói không với sản phẩm nhựa dùng 1 lần”, “Huế - thành phố 4 mùa hoa”, “Làm sạch dòng Hương”...

Phát triển kinh tế ban đêm với việc đưa vào vận hành tuyến phố đi bộ Chu Văn An – Võ Thị Sáu – Phạm Ngũ Lão, dịch vụ du lịch bằng thuyền cao cấp trên sông Hương…, cùng các hoạt động, lễ hội khác bước đầu thay đổi thói quen đi ngủ sớm của người dân địa phương.

Người dân Huế còn được trao quyền giám sát, quản lý nhà nước thông qua Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh vào vận hành; CCHC thông qua việc xây dựng chính quyền điện tử. Liên tiếp trong những năm qua, Thừa Thiên Huế vinh dự là địa phương dẫn đầu toàn quốc về mức độ ứng dụng và sẵn sàng về CNTT, xây dựng một nền hành chính thân thiện, phục vụ, hiện đại, hiệu quả.

Điều quan trọng và tiên quyết nhất đó chính là việc thay đổi trong cách tư duy, cách làm của những người lãnh đạo, cán bộ, công chức, nhà đầu tư, doanh nghiệp và mọi người dân. Huế đang hướng đến đích cuối cùng đó là đạt được “Giấc mơ Huế” - một xứ sở của hạnh phúc.

Một mặt, tỉnh chăm lo giữ gìn các giá trị truyền thống không để mai một, mặt khác, luôn coi trọng công tác quy hoạch, tổ chức diện mạo thành phố một cách hợp lý, để cho cái cũ và cái mới tồn tại hài hòa, thân thiện và đó là cái cách để "Huế luôn luôn mới"!

Huế trên bước đường phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2025 như NQ54 của Bộ Chính trị, xin ông cho biết, những bước đi chính để “Giấc mơ Huế” trở thành hiện thực?

Con đường xây dựng Thừa Thiên Huế trực thuộc Trung ương, khác với các đô thị khác. Bởi Thừa Thiên Huế có đặc thù về di sản và được định hướng phát triển trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế.

Sự khác biệt đó thể hiện Thừa Thiên Huế sẽ không khuyến khích phát triển với mật độ dân cư cao, với những công trình xây dựng bề thế, không quá tập trung “nóng” vào KCN, CCN và ngành CN. Ngược lại, sẽ phát triển theo hướng hài hòa, lấy nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa làm trọng tâm, phi tập trung dân cư, lấy dịch vụ, du lịch và các thế mạnh của một trung tâm văn hóa, giáo dục, y tế, KH&CN… để phát triển.

Thực hiện NQ số 54-NQ/TW, NQ số 83/NQ-CP ngày 27/5/2020 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện NQ số 54-NQ/TW, Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 69-CTr/TU, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 60/KH-UBND về việc triển khai Chương trình hành động của Tỉnh ủy; tổ chức xây dựng các Đề án để sớm hoàn thành mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Đến nay, các đề án xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành phố trực thuộc Trung ương, cơ bản hoàn thành và trình Chính phủ xem xét trước khi trình UBTVQH thông qua.

Với tinh thần quyết tâm cao để sớm đạt được mục tiêu, thời gian tới, Thừa Thiên Huế tập trung một số nhiệm vụ sau.

Thứ nhất, thực hiện các DA lớn, trọng điểm, mang tính đột phá, như: Nâng cấp đường lăn, kéo dài đường cất hạ cánh tại cảng hàng không quốc tế Phú Bài, xây dựng nhà gia hàng hóa; DA NM điện khí LNG Chân Mây và DA NM điện tuabin khí chu trình hồn hợp và kho cảng LNG Phong Điền.

Thứ hai, tranh thủ nguồn vốn ngân sách trung ương cho các DA kết nối, có tác động liên vùng, giúp phát triển KT-XH nhanh, bền vững, như thực hiện giai đoạn 2 Đề án di dời dân cư, GPMB tại Di tích Kinh Thành Huế và trùng tu, tôn tạo một số di tích xuống cấp nghiêm trọng, DA cải thiện môi trường nước, DA Đường ven biển.

Thứ ba, phát huy nội lực thông qua việc thu hút đầu tư vào các DA lớn có ý nghĩa thúc đẩy phát triển KTXH địa phương, lấp đầy các KCN, CCN, tăng nguồn thu sử dụng đất.

Thứ tư, xây dựng một nền hành chính thân thiện, phục vụ, hiện đại, hiệu quả thông qua các giải pháp trong CCHC, cắt giảm TTHC, ứng dụng CNTT, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm tạo tính đột phá, xây dựng nền tảng vững chắc và động lực quan trọng để tỉnh phát triển mạnh mẽ, nhanh và bền vững trong giai đoạn mới.

Giấc mơ Huếkhông đơn thuần là xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, mà còn xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; là một trong những trung tâm lớn của cả nước về KH&CN, GD&ĐT  đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao...

Trân trọng cảm ơn Chủ tịch!

 Trần MinhTích(Thực hiện)