Với chủ đề hoạt động năm 2022 là “Thúc đẩy chuyển đổi hải quan số bằng việc áp dụng văn hóa khai thác dữ liệu và xây dựng hệ sinh thái dữ liệu”, thông điệp đầu năm của Tổng Thư ký WCO khái quát mục tiêu trọng tâm và giải pháp thúc đẩy chuyển đổi “hải quan số” của cộng đồng Hải quan năm 2022.
Xin trích toàn văn thông điệp của Tổ chức Hải quan Thế giới năm 2022:
Theo WCO, đại dịch Covid -19 vẫn chưa thể kết thúc, vì vậy, các cơ quan Hải quan cần nhận định những thách thức về nguồn nhân lực và tận dụng các dữ liệu còn chưa được sử dụng tối đa hiện có. Bên cạnh đó, tuy xu hướng quản trị dựa trên dữ liệu là tất yếu, cơ quan Hải quan vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong các vấn đề kỹ thuật, pháp lý… để có thể triển khai các chính sách hướng đến việc sử dụng có hiệu quả hơn dữ liệu sẵn có. WCO cho rằng các cơ quan Hải quan có thể thực hiện chuyển đổi số theo các cách sau:
Xây dựng Hệ sinh thái dữ liệu dựa trên sự tin cậy
Hải quan là một bộ phận của hệ sinh thái dữ liệu (được định nghĩa là tập hợp cơ sở hạ tầng, hệ thống phân tích và các ứng dụng được sử dụng để nhận và phân tích dữ liệu) mà các bên tham gia gồm người dân, các cơ quan chính phủ, các doanh nghiệp trong nước và liên quốc gia… Các chủ thể này là các đối tượng cung cấp và thu thập số lượng lớn các dữ liệu. Nhờ có sự phát triển của công nghệ số, cơ quan hải quan có thể tiếp cận dữ liệu từ các cơ quan chính phủ khác, các dữ liệu phải trả phí, nguồn dữ liệu mở, các nguồn thông tin bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau trên thế giới.
Dữ liệu hải quan có mối quan hệ mật thiết với các chức năng của cơ quan hải quan, dữ liệu được sử dụng để xây dựng chiến lược, nâng cao chất lượng hoạt động chống buôn lậu, thu thuế, tối đa hóa nguồn lực tại các cửa khẩu và các đơn vị hải quan. Mức độ hiệu quả của việc sử dụng dữ liệu phụ thuộc vào nhiều yếu tố liên quan tới “đạo đức dữ liệu”, bao gồm việc bảo mật, bí mật thương mại, các vấn đề pháp lý liên quan đến việc sử dụng dữ liệu bởi các cơ quan thuế, hải quan và tầm quan trọng của cải cách trong lĩnh vực hành chính công.
Đối với nội dung này, WCO khuyến nghị các việc cần làm sau:
Thiết lập cơ chế quản trị dữ liệu chính thống để đảm bảo tính liên quan, chính xác và kịp thời của dữ liệu;
Sử dụng các tiêu chuẩn do WCO và các tổ chức khác phát triển về định dạng dữ liệu và trao đổi dữ liệu;
Đảm bảo việc quản lý dữ liệu phù hợp để đảm bảo đúng đối tượng có quyền truy cập vào đúng loại dữ liệu và các quy định về bảo vệ dữ liệu được tôn trọng;
Áp dụng các phương pháp tiếp cận tiên tiến, chẳng hạn như phân tích dữ liệu, để thu thập và khai thác thành công dữ liệu nhằm thúc đẩy quá trình ra quyết định.
Áp dụng Văn hóa khai thác dữ liệu để lấp đầy các lỗ hổng về nhân lực
Trở ngại lớn nhất đối với mỗi tổ chức đặt ưu tiên thực hiện ra quyết định dựa trên dữ liệu không phải là kỹ thuật mà là văn hóa. Văn hóa khai thác dữ liệu là khi tất cả các thành viên trong tổ chức đều được truy cập vào hệ thống phân tích dữ liệu có kiến thức cần thiết để tận dụng dữ liệu phục vụ công việc. Để có thể tạo lập và duy trì văn hóa dữ liệu bền vững, các chuyên gia nhấn mạnh việc cán bộ quản lý cấp cao cần đưa ra kỳ vọng nhất định về việc ra quyết định dựa trên cơ sở dữ liệu.
Văn hóa khai thác dữ liệu sẽ cho phép mọi người đặt câu hỏi, nêu phản biện đối với các sáng kiến và ra quyết định dựa trên căn cứ cụ thể chứ không phải dựa trên cảm tính.
Để nuôi dưỡng được văn hóa khai thác dữ liệu, các cơ quan hải quan cần tăng cường kỹ năng cần thiết của nhân viên, có khả năng đọc và phân tích dữ liệu một cách chính xác. Cơ quan hải quan cần đưa tiêu chí về kỹ năng tích hợp dữ liệu vào yêu cầu đối với cán bộ được tuyển dụng mới và cho họ tham gia xây dựng các khóa học trực tuyến để làm quen với việc thu thập và phân tích dữ liệu nhằm tăng cường văn hóa dữ liệu. Bên cạnh việc đào tạo, cơ quan hải quan cần xây dựng chiến lược hiệu quả nhằm giữ chân các cán bộ có năng lựctrong lĩnh vực này. Các cán bộ hải quan cũng cần có cái nhìn rộng hơn về ảnh hưởng của cơ quan hải quan trong các lĩnh vực bảo vệ xã hội, tạo thuận lợi thương mại và thu thuế công bằng.
Thúc đẩy hợp tác giữa các cơ quan hải quan
Các cơ quan hải quan được khuyến khích tận dụng các dữ liệu trong mối quan hệ với các bên khác trong chuỗi cung ứng quốc tế, cũng như cung cấp dữ liệu cho công chúng và giới nghiên cứu như một công cụ nhằm tăng cường tính minh bạch, thúc đẩy chia sẻ tri thức và đối thoại với cộng đồng.
Chia sẻ dữ liệu với các cơ quan chính phủ khác nhằm tăng cường vai trò của cơ quan hải quan trong quá trình ra quyết định và các nguồn lực cần thiết bao gồm tìm kiếm nguồn tài trợ. Việc để cho thông tin và dữ liệu hải quan được tiếp cận một cách thuận tiện cũng là một phần cách thức chính phủ đáp ứng với yêu cầu chung về việc quản trị mở.
Các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Quỹ tiền tệ quốc tế, Cơ quan hợp tác và phát triển kinh tế OECD, Văn phòng của Liên hợp quốc về Tội phạm và Ma túy UNODC hoặc Trung tâm thương mại quốc tế (ITC) cũng muốn tìm kiếm dữ liệu hải quan nhằm định hướng việc phân bổ nguồn lực và đánh giá hiệu quả của các dự án hiện đại hóa. Các doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân chuyên về lĩnh vực ứng dụng dữ liệu cũng hết sức mong chờ được thúc đẩy việc sử dụng dữ liệu và các công cụ liên quan trong khu vực hành chính công.
Để hỗ trợ các cơ quan thành viên, WCO đã và đang đưa các chủ đề liên quan tới dữ liệu vào chương trình nghị sự của các phiên họp Ủy ban, các Nhóm làm việc, tổ chức các buổi hội thảo nâng cao nhận thức, xây dựng các cấu phần đào tạo trực tuyến, xây dựng Khung xây dựng năng lực về Phân tích dữ liệu… Cùng với đó, WCO đã thành lập một nhóm chuyên gia về phân tích dữ liệu hải quan (BACUDA) gồm các nhà khoa học dữ liệu nhằm xây dựng phương pháp luận về phân tích dữ liệu. Hiện Ban Thư ký WCO đang nghiên cứu xây dựng Chiến lược dữ liệu của WCO với tham vọng để dữ liệu sẽ là ngôn ngữ chung giữa các cơ quan hải quan và giữa Ban Thư ký WCO và các thành viên.
Minh Anh