THCLThủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu từng thành viên Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương khẩn trương chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết số 01/NQ-CP.  Đồng thời, tiếp tục trong năm nay việc xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động mạnh mẽ, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn. 

Thực hiện quyết liệt nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Nghị quyết số 01/NQ-CP - Hình 1

Tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1/2017 (Ảnh: Đoàn Huế)

Chiều 03/02, phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1/2017 đã diễn ra dưới sự đồng chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn.

Mở đầu phiên họp báo, nhân dịp đầu xuân mới Đinh Dậu 2017, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng gửi lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và thành công tới các phóng viên, các cơ quan báo chí.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, ngày 03/02, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2017, phiên họp đầu tiên của Chính phủ ngay sau kỳ nghỉ Tết Đinh Dậu và cũng là phiên họp thường kỳ Chính phủ đầu tiên trong năm 2017.

Phiên họp lần này, Chính phủ tập trung kiểm điểm tình hình dịp Tết Nguyên đán 2017; tình hình kinh tế-xã hội tháng 1 và triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán NSNN năm 2017.

Cũng tại phiên họp, các thành viên Chính phủ đã thảo luận về dự án Luật Bảo vệ và phát triển rừng; dự thảo Nghị định hàng hóa, dịch vụ, địa bàn thực hiện độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại; dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018; điều chỉnh Chương trình xây dựng luật năm 2017.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh: Tết cổ truyền Đinh Dậu 2017 được tổ chức đầm ấm, vui tươi, lành mạnh, an toàn; tạo không khí vui mừng, phấn khởi, tin tưởng trên khắp cả nước.

Công tác chuẩn bị phục vụ nhân dân đón Tết được chỉ đạo sớm và khá đồng bộ. Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã thăm, chúc Tết một số nơi và đi kiểm tra tình hình ứng trực tại một số địa bàn trọng điểm, làm việc với một số địa phương.

Các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người có công, gia đình chính sách, đồng bào vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn, hộ nghèo, bảo đảm an sinh xã hội… được Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương triển khai kịp thời, thiết thực (chuyển quà Tết đến hơn 2 triệu người có công với tổng số tiền 431 tỷ đồng; cấp phát trên 14.000 tấn gạo cứu đói cho gần 300.000 hộ; các địa phương đã trích ngân sách hơn 1000 tỷ đồng hỗ trợ đồng bào nhân dịp Tết). Nhiều tổ chức, cá nhân đã có những nghĩa cử tốt đẹp giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn (tổng số tiền ước tính 400 tỷ đồng).

Các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, thông tin truyền thông được tổ chức rộng khắp, phong phú, đáp ứng là “món ăn” tinh thần trong những ngày nghỉ Tết. Đây là năm đầu tiên không tổ chức bắn pháo hoa tại các địa phương nhưng có nhiều hoạt động lành mạnh 'bù đắp' tạo không khí vui tươi, phấn khởi. Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân được thực hiện tốt; bệnh viện tổ chức trực 24/24; làm tốt công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, không xảy ra vụ việc ngộ độc thực phẩm.

Thị trường hàng hóa Tết khá phong phú, bảo đảm chất lượng với giá cả ổn định; hàng Việt chiếm tỷ trọng cao; công tác chống buôn lậu được triển khai mạnh mẽ. Các dịch vụ tài chính, ngân hàng, cung ứng tiền mặt trước, trong và sau Tết được bảo đảm.

Tình hình sản xuất kinh doanh được duy trì; các ngành dịch vụ, điện, nước, giao thông hoạt động ổn định, bảo đảm phục vụ tốt nhân dân trong dịp Tết. Nhiều địa phương đã tranh thủ thời tiết thuận lợi để tổ chức sản xuất, canh tác theo mùa vụ, thậm chí ngay từ mùng 3, mùng 4 Tết..

An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; an ninh biên giới, vùng trời, vùng biển được giữ vững; số vụ cháy nổ giảm mạnh; đẩy mạnh tấn công, trấn áp tội phạm (số vụ phạm pháp hình sự giảm 7,63% so với cùng kỳ).

Về tình hình KTXH tháng đầu tiên của năm 2017: Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản ổn định. Không có dịch bệnh xảy ra, bảo đảm nguồn cung phục vụ nhu cầu trong dịp Tết Nguyên đán.

Đặc biệt trong nông nghiệp, một tín hiệu rất đáng chú ý trong tháng 1 và thời gian vừa qua là có nhiều doanh nghiệp, nhiều tập đoàn lớn đầu tư vào nông nghiệp, mở ra hướng đi mới, tạo khí thế mới, sức bật mới trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Trong ngày 02/02, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn nút khởi động sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ở huyện Ý Yên, tỉnh Hà Nam.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng nhẹ (0,7%) do nghỉ Tết Nguyên đán năm nay chủ yếu trong tháng 01/2017. Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 01/2017 tăng khoảng 9,9%. Số lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng tăng khá, đạt hơn 1 triệu lượt khách, tăng 12,3%. Tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đều tăng cao hơn so với cùng kỳ năm trước.

Kim ngạch xuất khẩu tháng 01/2017 ước đạt 14,6 tỷ USD, tăng 7,6%. Kim ngạch nhập khẩu tháng 01/2017 ước đạt 14,7 tỷ USD, tăng 15,8%. Nhập siêu tháng 01/2017 khoảng 100 triệu USD, bằng 0,68% tổng kim ngạch xuất khẩu. Mặc dù là tháng tết song chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 01/2017 tăng thấp 0,46%. 

Về tiền tệ, tín dụng: Mặt bằng lãi suất thị trường cơ bản được giữ ổn định. Cung cầu ngoại tệ được đảm bảo, cơ chế tỉ giá trung tâm tiếp tục phát huy hiệu quả giúp hạn chế các cú sốc bên ngoài và giảm găm giữ ngoại tệ, ổn định tỷ giá. 

Về đầu tư phát triển: Vốn đầu t­­ư trực tiếp nư­­ớc ngoài thực hiện tháng 01/2017 ước đạt 850 triệu USD, tăng 6,3%. Đặc biệt trong tháng 01/2017, có gần 9.000 DN thành lập mới, tăng 8,1% về số DN và 52,3% về vốn đăng ký và gần 5.600 DN hoạt động trở lại. Tuy nhiên, có gần 1.600 DN giải thể và 12.400 DN tạm ngừng hoạt động, cho thấy tình hình SXKD còn khó khăn.

Thủ tướng cũng lưu ý trong chăn nuôi, đáng chú ý là giá thịt lợn hơi bị giảm mạnh (chỉ còn 24.000-27.000 đồng/kg, thấp nhất trong 10 năm qua khiến người chăn nuôi bị thua lỗ nặng), trong khi giá thịt lại không giảm. Giá lúa cũng giảm, trong khi giá gạo không giảm. Như vậy, người trực tiếp chăn nuôi, trồng lúa bị thiệt thòi.

Tuy nhiên, Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận cũng còn những điểm cần rút kinh nghiệm để làm tốt hơn trong những năm tới, nhất là về ùn tắc và tai nạn giao thông (trong 7 ngày Tết đã xảy ra 368 vụ, làm chết 203 người, bị thương 417 người - tăng 84 vụ, 21 người chết và 142 người bị thương so với cùng kỳ năm ngoái).

Nạn đua xe trái phép, đốt pháo, cờ bạc, lãng phí vẫn còn xảy ra ở một số địa phương. Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, những địa phương làm quyết liệt thì những tệ nạn này giảm hẳn hoặc không xảy ra. Các địa phương còn để xảy ra tình trạng này cần nghiêm túc rút kinh nghiệm.

Kết luận về tình hình KTXH, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu từng thành viên Chính phủ, các Bộ ngành, địa phương khẩn trương chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết số 01/NQ-CP.  

Thủ tướng nhấn mạnh, qua 10 tháng hoạt động, Chính phủ nhiệm kỳ mới đã có được niềm tin của nhân dân, doanh nghiệp. Phải nhân niềm tin đó lên hơn nữa bằng các hành động cụ thể, đặc biệt phải tiếp tục trong năm nay việc xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động mạnh mẽ, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn. Phải bắt tay ngay vào việc ngay từ ngày đầu, tháng đầu của năm, không để tình trạng quý I đủng đỉnh, không để tồn tại tinh thần “tháng Giêng là tháng ăn chơi”.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương quán triệt cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật hành chính, kỷ luật lao động. Chấn chỉnh, xử lý nghiêm cán bộ, công chức đi lễ hội trong giờ hành chính, xử lý nghiêm các cơ quan dùng xe công đi hội. Thủ tướng đề nghị báo chí cùng kiểm tra, giám sát việc này, cũng như báo chí đã ủng hộ Chỉ thị của Thủ tướng yêu cầu địa phương không về Hà Nội chúc Tết...

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao cả về chủ trương, nguồn vốn, mô hình, cơ chế, chính sách... Trong những ngày tới, Thủ tướng Chính phủ sẽ chủ trì hội nghị của Chính phủ về phát triển ngành nuôi tôm chất lượng cao tại đồng bằng sông Cửu Long.

Thủ tướng cũng yêu cầu chuẩn bị triển khai tổ chức hội nghị Chính phủ với doanh nghiệp lần thứ hai. Đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, không để tiếp tục tình trạng cổ phần hóa nhưng tỷ lệ vốn nhà nước bán ra ở mức thấp…

T. Nguyên