Tháng 8 tới đây, khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) đi vào thực thi, đồng nghĩa với việc Việt Nam phải mở cửa thị trường cho hàng hóa, dịch vụ đến từ các nước đối tác thuộc EVFTA. Ngoài những cơ hội thuận lợi, thị trường nội địa và các doanh nghiệp (DN) phân phối trong nước có khả năng dễ bị thâu tóm, chiếm lĩnh thị phần bởi các doanh nghiệp nước ngoài.
Thực tế hiện nay, năng lực và sức cạnh tranh của các DN Việt Nam còn yếu, khả hấp thụ công nghệ còn hạn chế, thường gặp nhiều khó khăn trong việc tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Thực tế này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát huy tác động lan tỏa về năng suất, công nghệ khi thu hút đầu tư từ EU. Trong khi đó, việc mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ và đầu tư, tạo cơ hội để các nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận rộng rãi hơn với thị trường Việt Nam, cũng sẽ đặt các DN Việt Nam trước sức ép cạnh tranh lớn hơn ngay tại thị trường trong nước.
Theo Bộ Công Thương, thị trường phân phối Việt Nam hiện nay có nhiều tiềm năng phát triển do quy mô dân số lớn (khoảng 96 triệu người); cơ cấu dân số trẻ (60% dân số ở độ tuổi 18-50). Dự báo, chi tiêu hộ gia đình tăng trung bình 10,5%/năm và sẽ lên mức 714 USD/tháng vào năm 2020. Trong khi đó, làn sóng vốn trong nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục "đổ" vào ngành bán lẻ Việt Nam.
EVFTA sẽ tạo ta cuộc đua giành thị phần trong lĩnh vực bán lẻ ngày càng gay gắt |
Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) nhận định, trong tương lai gần, khi hiệp định EVFTA có hiệu lực thực thi, cam kết mở cửa thị trường dịch vụ, đầu tư, phân phối cũng là nguyên nhân khiến các DN lớn của các quốc gia thành viên EU đẩy mạnh đầu tư vào ngành phân phối, bán lẻ của Việt Nam.
Trong khi đó, phần lớn các DN Việt Nam là các DN nhỏ và vừa với nguồn lực hạn chế. Chỉ có một số ít DN lớn như Saigon Co.op, VinCommerce, Thegioididong, Bách hóa Xanh, Satra, BRG Retail… mới đủ năng lực để cạnh tranh, khẳng định vị thế của mình trên thị trường bán lẻ. “Điều này cho thấy tiềm năng thị trường bán lẻ Việt Nam là rất lớn nhưng cuộc đua giành thị phần trong lĩnh vực này cũng ngày càng gay gắt”, Đại diện Vụ Thị trường trong nước lưu ý.
Phân tích và đánh giá sâu về EVFTA, Vụ Thị trường trong nước chỉ rõ, thị trường phân phối của Việt Nam chắc chắn sẽ gặp nhiều thách thức và chịu nhiều tác động từ quá trình mở cửa theo cam kết, khi hệ thống chính sách, pháp luật có thể không theo kịp biến động của thị trường.
Mặt khác, cơ sở hạ tầng và pháp luật quản lý đối với thương mại điện tử có sự chênh lệch với các nước; Vấn đề vệ sinh ATTP trong lưu thông hàng hóa nhập khẩu trên thị trường nội địa, khó khăn trong việc cân đối giữa phát triển kinh tế, thương mại, phát triển xã hội và bảo vệ môi trường.
“Sẽ có sự cạnh tranh gay gắt giữa các DN phân phối trong nước với năng lực hạn chế hơn so với các DN phân phối lớn đến từ các nước thuộc EU vốn đã có tiềm lực rất mạnh. Điều này có thể dẫn đến khả năng các DN phân phối trong nước dễ bị thâu tóm, chiếm lĩnh thị phần bởi các doanh nghiệp nước ngoài”, Vụ Thị trường trong nước cảnh báo.
Đại diện Vụ Thị trường trong nước cho hay, thời gian để triển khai và thực thi các cam kết tại các FTA thế hệ mới nói chung và EVFTA nói riêng đang là lực cản lớn đối với Việt Nam. Bởi với các FTA thông thường, tổng thời gian thực thi tất cả các cam kết kéo dài 10 năm. Nhưng với EVFTA, Việt Nam sẽ phải thực hiện các cam kết chỉ trong 5 - 7 năm, trong đó nhiều điều khoản sẽ phải thực hiện ngay sau khi hiệp định có hiệu lực, nhiều thỏa thuận sẽ phải thực hiện sau 2 - 3 năm.
“Trình độ phát triển của Việt Nam vẫn đang ở mức trung bình và thấp. Do đó, việc thực thi các cam kết EVFTA cũng đồng nghĩa với việc Việt Nam phải mở cửa thị trường cho hàng hóa, dịch vụ đến từ các nước đối tác thuộc EVFTA, lúc đó sẽ không còn khái niệm “sân nhà”. Đặc biệt, đối với những nhóm ngành hàng mà Việt Nam có sức cạnh tranh yếu như nông nghiệp, chăn nuôi, thủy sản và một số ngành dịch vụ sẽ gặp không ít những thách thức”, đại diện Vụ thị trường trong nước chỉ rõ.
Cũng theo Vụ Thị trường trong nước, với sự kết nối giữa các DN FDI và các DN cung ứng hàng hóa trong nước còn yếu, khu vực FDI có thể sẽ hoạt động riêng lẻ thay vì đóng vai trò chung làm xúc tác tăng trưởng...
Theo một số chuyên gia, mặc dù EVFTA sẽ tạo ra sức ép lớn đối với thị trường nội địa cũng như hệ thống phân phối, tuy nhiên, đây là sức ép cạnh tranh lành mạnh, có chọn lọc và theo lộ trình phù hợp. Quan trọng hơn, do cơ cấu kinh tế của EU và Việt Nam mang tính bổ sung rất cao, nên dự kiến sức ép cạnh tranh sẽ không lớn.
Ngoài ra, cam kết mở cửa của Việt Nam là có lộ trình, đặc biệt đối với những nhóm sản phẩm nhạy cảm, nên EVFTA cũng là cơ hội, sức ép hợp lý để các DN Việt Nam điều chỉnh, thay đổi phương thức kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của mình.
Đinh Hiền(Nguồn VOV.VN)