Đến dự Hội thảo có: Phó Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Trần Đức Đông; PGS. TS Lê Văn Truyền, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, chuyên gia cao cấp Dược học, Chủ tịch Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký thuốc, Bộ Y tế; Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP), Nguyễn Đăng Sinh; Giám đốc Trung tâm Công nghệ chống hàng giả Việt Nam, Nguyễn Minh Vỹ; Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ chống hàng giả Việt Nam, Phạm Văn Thọ; Phó Cục trưởng Cục nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường, Nguyễn Đức Lê; Chủ tịch Hiệp hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam, Nguyễn Mạnh Hùng; Phó Viện trưởng Viện phát triển doanh nghiệp (VCCI), Lê Thị Thu Thủy; Tổng Thư ký, Chánh Văn phòng Hiệp hội Doanh nghiệp Dược Việt Nam, Nguyễn Diệu Hà cùng đông đảo doanh nghiệp và các cơ quan báo chí.
Phát biểu tại Hội thảo, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP), Nguyễn Đăng Sinh cho biết: Vấn nạn hàng giả, hàng nhái, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ngày càng diễn biến phức tạp, cả về quy mô tính chất và địa bàn. Hàng giả là vấn nạn của xã hội, là kẻ thù của doanh nghiệp, ảnh hưởng tới uy tín, sức cạnh tranh, đến quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng.
Đảng, Nhà nước đã có nhiều chỉ đạo để đẩy lùi vấn nạn này. Trong những năm qua, các bộ, ngành, địa phương, cơ quan chức năng đã thực hiện nhiều kế hoạch để tăng cường, phát hiện, xử lý tình trạng hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại và đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần ổn định thị trường hàng hóa, bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp làm ăn chân chính và quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng.
Để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, Hiệp hội VATAP đã triển khai nhiều quy chế phối hợp với các lực lượng thực thi như: Quản lý thị trường, công an, hải quan, cảnh sát biển… tuyên truyền, đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, được các cấp và cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận, đánh giá cao.
“Cuộc đấu tranh chống sản xuất hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại, nhất là mặt hàng thuốc và thực phẩm chức năng không còn là trách nhiệm của một ngành mà là của cả hệ thống chính trị xã hội”, ông Nguyễn Đăng Sinh nhấn mạnh.
Theo bà Lê Thị Thu Thủy, Phó Viện trưởng Viện Phát triển doanh nghiệp (VCCI): Thời gian qua, tình hình làm giả thuốc và thực phẩm chức năng ngày một gia tăng, do các đối tượng đã lợi dụng kẽ hở đứt gãy chuỗi cung ứng, nhu cầu hàng hóa tăng cao.
Các thuốc và thực phẩm chức năng giả được làm ngày một tinh vi với công nghệ cao, rất khó phân biệt giữa thuốc thật và thuốc giả. Trong khi đó, các giải pháp chống lại vấn nạn này đến nay vẫn chưa có hiệu quả cao.
Tại Hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường, Nguyễn Đức Lê cho biết, với những mặt hàng giả nói chung ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng nhưng thuốc và thực phẩm chức năng đã để lại nhiều hệ lụy.
Với người tiêu dùng, thuốc và thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc ảnh hưởng trực tiếp tính mạng, sức khoẻ, quyền lợi người sử dụng.
Với những doanh nghiệp làm ăn chân chính, thực trạng thuốc và thực phẩm chức năng giả đã ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, hàng giả ảnh hưởng uy tín đất nước. Sự xuất hiện tràn lan của hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ sẽ khiến các doanh nghiệp uy tín trong ngành dược trên thế giới dè dặt khi đầu tư vào Việt Nam với tâm lý lo ngại không được bảo vệ quyền lợi tốt.
Theo ông Nguyễn Đức Lê, tính từ đầu năm 2022 đến nay, cơ quan quản lý thị trường đã kiểm tra 30.527 vụ vi phạm về hàng giả, gian lận thương mại, trong đó đã xử lý 17.000 vụ, 54 vụ chuyển cơ quan điều tra. Tuy nhiên, số liệu này chỉ là bề nổi; việc kiểm tra và xử lý còn gặp khó khăn do tình trạng cửa hàng phi thương mại - nhà thuốc trên mạng xuất hiện rất nhiều khiến việc kiểm soát kênh phân phối rất khó khăn.
Ông Nguyễn Đức Lê cũng chỉ ra nguyên nhân của thực trạng hàng giả tràn lan hiện nay, đó là:
Lợi nhuận của hành vi buôn bán hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ là rất lớn, nhất là với nhóm thuốc và thực phẩm chức năng; Ý thức của người tiêu dùng chưa cao. Người dân vẫn tự ý đi mua thuốc không theo kê đơn hoặc tại các chợ thuốc trên mạng; Nền tảng thương mại điện tử phát triển vượt bậc dẫn đến các đối tượng lợi dụng để buôn bán hàng hóa vi phạm; Việc giám định thuốc hoặc thực phẩm chức năng đòi hỏi cần có kinh phí lớn, thời gian dài để thẩm tra, xác minh; Việc vào cuộc của cơ quan chức năng còn chưa cao, chưa đồng bộ, thường xuyên; Lực lượng quản lý thị trường cần được đào tạo chuyên sâu về kiến thức liên quan đến thuốc và thực phẩm chức năng cũng như các thông tin kịp thời về những mặt hàng này.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã nêu rõ thực trạng hàng giả của mặt mặt thuốc và thực phẩm chức năng hiện nay cũng như đưa ra nhiều ý kiến đóng góp về giải pháp đấu tranh chống hàng giả nói chung và đối với mặt hàng thuốc và thực phẩm chức năng nói riêng.
Nguyễn Kiên