Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Theo đó, Bộ LĐ-TB&XH yêu cầu các địa phương khẩn trương yêu cầu các doanh nghiệp phối hợp với công đoàn cơ sở, rà soát lại hợp đồng lao động, thoả ước lao động tập thể, quy chế trả lương, tiền thưởng theo thoả thuận và xây dựng phương án thưởng theo kết quả sản xuất, kinh doanh năm 2019 theo Điều 103 Luật Lao động 2012.

Cụ thể, Bộ LĐ-TB&XH lưu ý các địa phương chủ trì, phối hợp với Ban quản lý các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất nắm tình hình nợ lương 2019, tiền lương và kế hoạch thưởng theo kết quả sản xuất kinh doanh trong dịp Tết dương lịch 2020 và Tết Nguyên Đán Canh Tý cho người lao động ở các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất.

Việc thống kê gồm 4 nhóm doanh nghiệp chính trong nền kinh tế gồm: Công ty TNHH 1 thành viên do Nhà nước là chủ sở hữu, doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp FDI. Do Tết Nguyên đán năm 2020 về sớm hơn mọi năm nên hạn gửi báo cáo là ngày 20/12.

Về tình hình nợ lương năm 2019, Bộ LĐ-TB&XH yêu cầu các địa phương tập trung vào lao động thuộc 4 nhóm: Dệt may, da giày, chế biến thủy sản và chế biến gỗ. Đặc biệt phân tách rõ các nguyên nhân gây nợ lương như: Chủ doanh nghiệp bỏ trốn, doanh nghiệp đóng cửa, doanh nghiệp khó khăn.

Về thưởng Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, mức thưởng bình quân là 1,420 triệu đồng/người, tăng 23,3% so với năm 2018; Mức thưởng bình quân bằng khoảng 01 tháng lương (6,310 triệu đồng/người), tăng 11,4% so với năm 2018.

Thực tế, theo quy định của Bộ luật Lao động thì tiền thưởng cuối năm cho người lao động do doanh nghiệp quyết định, căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động và quy chế thưởng của doanh nghiệp.

Do đó, tiền thưởng không phải là khoản tiền mà doanh nghiệp bắt buộc phải trả cho người lao động. Tuy nhiên, đến nay hầu hết các doanh nghiệp đều có tiền thưởng Tết cho người lao động, chỉ trừ một số trường hợp cực kỳ khó khăn.

Ngọc Lan