Tại Họp báo thường kỳ quý I/2024 của Bộ Tài chính chiều 29/3, ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết: Thủ tướng Chính phủ đang chỉ đạo các bộ, ngành chủ động, phối hợp triển khai công tác nghiên cứu, làm rõ bản chất, khái niệm của tài sản mã hóa, tài sản ảo tiền ào và kinh nghiệm quốc tế nhằm đề xuất phương án quản lý, xử lý thích hợp với các hoạt động liên quan đến tài sản mã hóa, tài sản ảo, tiền ảo.

Sau khi thống nhất bản chất, khái niệm của tài sản mã hóa, tài sản ảo, tiền ảo, các bộ, ngành trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ sẽ hoàn thiện khung pháp lý cho sản phẩm này (nếu có).

Tuy nhiên, ông Sơn cho rằng tài sản mã hóa, tài sản ảo, tiền ảo là những sản phẩm của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ứng dụng các công nghệ tiên tiến, bao gồm đa dạng các sản phẩm, được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau. Các hoạt động liên quan đến tài sản mã hóa, tài sản ảo, tiền ảo cũng không ngừng biến đổi, phát triển ngày càng đa dạng. Kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy, các nước vẫn đang có cách cách tiếp cận khác nhau đối với hoạt động này.

Việc nghiên cứu, đề xuất phương thức quản lý hoạt động liên quan đến tài sản mã hóa, tài sản ảo, tiền ảo là một nhiệm vụ khó khăn, đòi hỏi nguồn nhân lực, thời gian.

Ngoài ra, việc đề xuất phương án quản lý đối với tài sản mã hóa, tài sản ảo, tiền ảo cũng đòi hỏi phải đánh giá kỹ lưỡng khả năng quản lý, giám sát của cơ quan quản lý tại Việt Nam do các sản phẩm này chỉ tồn tại trên môi trường kỹ thuật số; công tác quản lý, giám sát các hoạt động liên quan cũng đòi hỏi một hạ tầng công nghệ thông tin tiên tiến, trình độ cao.

Do đó, trong giai đoạn này, các bộ, ngành đã cảnh báo trên phương tiện thông tin đại chúng về rủi ro liên quan đến các hoạt động đầu tư vào tài sản mã hóa, tài sản ảo, tiền ảo, khuyến cáo các nhà đầu tư thận trọng khi tham gia đầu tư các sản phẩm này.

Phát biểu tại Hội thảo khoa học Góp ý Xây dựng Khung pháp lý Quản lý Tài sản ảo, được tổ chức mới đây, ông Nguyễn Đoan Hùng, Phó chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) cho rằng, lúc này đang là thời điểm đặc biệt đối với các tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản ảo (VASP) đang hoạt động ở thị trường Việt Nam nhờ có cơ hội được tham gia vào quá trình xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý dành cho hoạt động của chính của mình.

"Tuy nhiên, từ kế hoạch tới thực tiễn là một quãng đường dài và cũng có rất nhiều thách thức. Nguyên nhân là bởi, dù thừa nhận hay không, việc cấm hay điều chỉnh quản lý tài sản ảo cũng đều sẽ đặt ra những xung đột lợi ích giữa nhóm đối tượng đầu tư, kinh doanh truyền thống như bất động sản, cổ phiếu, trái phiếu và những người theo đuổi lĩnh vực kinh tế số như blockchain, AI, IoT...", ông Hùng cho biết.

Ngày 23/2 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký Quyết định số 194/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt nhằm đưa Việt Nam ra khỏi danh sách Xám của Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF).

Cụ thể, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì nghiên cứu, xây dựng khung pháp lý để cấm hoặc điều chỉnh đối với tài sản ảo (VA) và VASPs, đồng thời chứng minh việc thực thi khung pháp lý đó, bao gồm các biện pháp đảm bảo tuân thủ và biện pháp xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, thời hạn cụ thể là tháng 5/2025.

Thu Trang