(THCL) _ Bắt đầu từ ngày 1/12, các DN sản xuất, kinh doanh sữa bột dành cho trẻ em dưới 6 tuổi sẽ không phải thực hiện đăng ký giá mà chuyển sang thực hiện kê khai giá. Tuy nhiên, Bộ Tài chính khẳng định, các DN vẫn phải thực hiện việc áp giá trần đối với mặt hàng này đến hết tháng 5/2015.

Doanh nghiệp sẽ phải kê khai giá

Sau gần 6 tháng thực hiện việc bình ổn giá, thị trường sữa bột dành cho trẻ em dưới 6 tuổi đã có những tín hiệu tốt, nhiều sản phẩm sữa giảm giá bán đáng kể. Bởi vậy, mới đây, Bộ Tài chính cho biết sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tiếp tục áp dụng biện pháp quy định giá tối đa đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi theo chủ trương của Chính phủ với kỳ vọng thị trường sữa dành cho trẻ em sẽ ổn định hơn, quyền lợi của người tiêu dùng sẽ được bảo vệ.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho hay, thời gian qua, có 582 dòng sản phẩm sữa bột dành cho trẻ em đã áp giá trần và giảm giá từ 0,1 – 34% tùy từng dòng sản phẩm, so với trước khi áp giá trần. Đây là dấu hiệu tích cực trên thị trường sữa, tác động đến người tiêu dùng. Tuy nhiên, vẫn cần tiếp tục theo dõi diễn biến giá cả, các yếu tố đầu vào để có các biện pháp tiếp theo.

Thời gian qua, Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, ngành chức năng xác định giá trần tối đa cho mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi và thực hiện đăng ký giá 6 tháng (tính từ 1/6/2014 và cho đến hết 30/11). Đến nay, điều kiện áp dụng đăng ký giá hết hiệu lực và DN sẽ chuyển sang kê khai giá.

Thông tin trên khiến nhiều người lo ngại, việc kê khai giá sẽ khiến DN tìm cách lách để nâng giá thành sản phẩm. Tuy nhiên, ông Nguyễn Anh Tuấn cho rằng: Điều này sẽ không ảnh hưởng đến mặt bằng giá cả. Vì kê khai giá gì đi chăng nữa thì các DN vẫn phải thực hiện theo giá trần tối đa đã xác định trước đó và hiệu lực của giá trần tối đa sẽ áp dụng tiếp cho đến hết tháng 5/2015.

Sẽ tham vấn giá trong trường hợp cần thiết

Để công tác quản lý giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi tiếp tục đạt hiệu quả, năm 2015, Bộ Tài chính cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương theo dõi, rà soát, kiểm tra giá nhập khẩu nguyên liệu và thành phẩm sữa để có biện pháp quản lý, điều tiết phù hợp. Đồng thời, các cơ quan chức năng tiếp nhận, rà soát hồ sơ kê khai giá của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi theo phân cấp quản lý giá hiện hành, bảo đảm mức giá kê khai không vượt quá mức giá tối đa đang áp dụng hiện nay.

Lãnh đạo Bộ Tài chính khẳng định, trong trường hợp cần thiết, Bộ sẽ tham vấn giá nhập khẩu mặt hàng sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi khai giá cao hơn mặt bằng sản phẩm cùng loại tại nước xuất khẩu và các nước trong khu vực. Việc làm này nhằm kiểm soát tình trạng tăng giá nhập khẩu đầu vào làm tăng giá bán trong nước của các DN phân phối sữa.

Ngoài ra, để việc quản lý giá mặt hàng sữa bột dành cho trẻ em dưới 6 tuổi có hiệu quả, Bộ cũng khẳng định sẽ phối hợp trao đổi thông tin với hải quan các nước về giá các sản phẩm sữa cùng loại, tiến hành điều tra, xác định các công ty có dấu hiệu giao dịch liên kết.

Hiện nay, thị trường sữa nguyên liệu trên thế giới lên – xuống thất thường, song các DN trong nước thường “nhạy cảm” khi giá tăng, nhưng lại “thờ ơ” khi giá giảm. Vì vậy, Việc theo dõi giá sữa thành phẩm và giá sữa nguyên liệu để thực hiện các biện pháp quản lý về giá là rất quan trọng.

Ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết, qua thông tin số liệu của cơ quan hải quan cung cấp thì từ tháng 6 đến tháng 9, một số nguyên liệu sữa nhập vào Việt Nam hầu như không giảm (duy nhất có một mặt hàng giảm 2,57%). Đối với các mặt hàng thành phẩm, qua số liệu thống kê cũng không thấy xu hướng giảm. Chúng tôi luôn bám sát giá sữa thông qua thông tin của cơ quan hải quan để xem xét quản lý giá trong nước.

Trước khi hết thời hạn áp dụng biện pháp giá trần (hết ngày 31/5/2015), Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Y tế, các địa phương và các cơ quan liên quan tổng kết đánh giá kết quả thực hiện biện pháp bình ổn giá và đề xuất biện pháp áp dụng cho thời gian tiếp theo.

Thanh Hoa