Các doanh nghiệp FDI mua hàng của doanh nghiệp trong nước ngày càng nhiều. Xu hướng này phản ánh sự phụ thuộc của doanh nghiệp FDI vào các doanh nghiệp tư nhân trong nước đã tăng dần qua các năm, đáng chú ý là mức từ 63,32% năm 2022 lên 75% năm 2023.

Ảnh internet.
Tin vui: Doanh nghiệp nước ngoài phụ thuộc vào nhà cung ứng Việt ngày một nhiều hơn. Ảnh internet.

Tổng Giám đốc phụ trách tài chính của Tập đoàn Samsung thông tin từ 25 doanh nghiệp vào năm 2014, đến nay, các doanh nghiệp Việt Nam cấp 1 và cấp 2 tham gia vào chuỗi cung ứng của Samsung đã tăng 12 lần, lên 309 doanh nghiệp.

Tại Việt Nam đã xuất hiện hầu hết doanh nghiệp lớn nhất của Hàn Quốc như: Samsung; LG Electronics; Hyundai; CJ; Lotte; SK; SHINHAN; Namyang, Hanwha… với những dự án khổng lồ. Hàn Quốc đang là nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam. Kỳ vọng làn sóng đầu tư mới của Hàn Quốc vào Việt Nam đang xuất hiện.

Khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) ghi nhận những dấu hiệu đáng khích lệ về vai trò ngày càng quan trọng của doanh nghiệp Việt Nam với tư cách là nhà cung cấp cho các doanh nghiệp FDI. Xu hướng này chỉ báo về khả năng hội nhập chuỗi cung ứng toàn cầu của doanh nghiệp trong nước, trở nên rõ nét hơn trong năm 2023.

Tin vui: Doanh nghiệp nước ngoài phụ thuộc vào nhà cung ứng Việt ngày một nhiều hơn
Tin vui: Doanh nghiệp nước ngoài phụ thuộc vào nhà cung ứng Việt ngày một nhiều hơn. Ảnh internet.

Có thể thấy, sự phụ thuộc của doanh nghiệp FDI vào các doanh nghiệp tư nhân trong nước đã tăng dần qua các năm, đáng chú ý là “mức từ 63,32% năm 2022 lên 75% năm 2023. Các nhà cung cấp là hộ kinh doanh cũng chiếm tỷ lệ tăng đáng kể, từ 13,42% năm 2022 lên 23,42% năm 2023”, VCCI cho biết.

Theo VCCI, xu hướng đáng khích lệ này một phần đến từ nỗ lực của chính quyền địa phương trong việc tạo thuận lợi cho doanh nghiệp FDI kết nối với ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước.

Tỷ lệ doanh nghiệp FDI sử dụng hàng hóa, dịch vụ đầu vào tự sản xuất tương đối ổn định trong vài năm gần đây. Đến năm 2023, tỷ lệ này tăng đáng kể lên 14,3%. “Sự phụ thuộc ngày càng tăng của doanh nghiệp FDI vào các nhà cung cấp nội bộ củng cố giả thuyết rằng các doanh nghiệp FDI đang chuyển hàng hóa đầu vào qua Việt Nam để giảm thiểu những tác động tiêu cực từ căng thẳng thương mại Mỹ-Trung”, VCCI đánh giá.

Mặc dù vậy, nhiều nhà đầu tư vẫn phản ánh, Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa trong việc phát triển chuỗi cung ứng. Ông Trương Thiệu Cường, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Thiết bị hiển thị Tomko (Trung Quốc), cho hay sản xuất tai nghe ở Trung Quốc có hệ sinh thái theo chuỗi hỗ trợ từ thiết kế, nguyên vật liệu, làm khuôn và sản xuất… Thế nên từ khi có ý tưởng ban đầu đến khi ra sản phẩm rất nhanh, chớp được cơ hội thị trường, đẩy nhanh tiến độ đưa sản phẩm ra thị trường nên giá trị của sản phẩm lớn hơn.

Trong khi đó, “Việt Nam dựa vào nhập khẩu nguyên vật liệu nhiều nên giá thành đội lên rất cao so với Trung Quốc”, ông Cường thẳng thắn nói. Tuy vậy, ông cũng nhìn nhận, làm chuỗi của Việt Nam có nhiều lợi thế như đất rộng, dân số đông, có nhiều cơ hội thu hút dòng sản xuất thông minh, nguồn tài nguyên đa dạng…

Tin vui: Doanh nghiệp nước ngoài phụ thuộc vào nhà cung ứng Việt ngày một nhiều hơn
Tin vui: Doanh nghiệp nước ngoài phụ thuộc vào nhà cung ứng Việt ngày một nhiều hơn. Ảnh internet.

Để hoàn thiện chuỗi cung ứng ở Việt Nam, ông Trương Thiệu Cường cho rằng đây là xu thế tất yếu. Chính phủ Việt Nam nên có nhiều chính sách để thu hút thêm nhiều nhà đầu tư nước ngoài vào cùng hoàn thiện chuỗi cung ứng đó. Bên cạnh đó, bồi dưỡng nhân tài để đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư.

Ông Lưu Văn Đại, Giám đốc công ty cổ phần Metal Heat Việt Nam (chuyên xử lý nhiệt các sản phẩm linh kiện ô tô, xe máy và chi tiết máy), cho biết sản phẩm vào chuỗi cung ứng phải đáp ứng được ít nhất 2 tiêu chí: chất lượng và giá thành. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải đưa ra công nghệ, tìm được phương thức sản xuất tốt để giảm chi phí sản xuất. Công nghệ tiên tiến, tối ưu sẽ tạo ra sản phẩm chất lượng tốt và giảm giá thành sản phẩm.

TS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, nhấn mạnh Việt Nam phải tiến tới làm chủ công nghệ, nhận chuyển giao công nghệ từ làn sóng đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, đối với những lĩnh vực công nghệ cao gắn với tương lai phát triển rộng mở.

Theo đó, Việt Nam cần có chính sách kết nối tốt hơn doanh nghiệp trong nước để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, cung ứng trong nước, với tư cách không chỉ chuỗi giá trị thấp mà tham gia vào chuỗi giá trị cao.

X.Hải (t/h)