Sự kiện diễn ra ngày 13/4, đã thu hút sự tham gia của gần 200 khách mời, trong đó có sự hiện diện của nhiều chuyên gia nghiên cứu lịch sử, chính trị, ngoại giao, bạn bè Pháp yêu mến Việt Nam và đại diện bà con kiều bào sinh sống tại Pháp.
![Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: Anh Tuấn Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: Anh Tuấn](https://media.thuonghieucongluan.vn/uploads/2024/04/15/phap-2-1713151038.jpg)
Ông Taylan Coskun, Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Pháp (PCF) tham dự buổi lễ, cùng đông đảo các học giả, nhà nghiên cứu, nhà ngoại giao, bà con kiều bào và bạn bè Pháp.
Dưới sự phối hợp của Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, Đại học Paul-Valéry Montpellier 3 và Trung tâm Lưu trữ tư liệu Bộ Quốc phòng Pháp (ECPAD), buổi tọa đàm đã đề cập ba chủ đề, từ giới thiệu chiến dịch đến chia sẻ ký ức và cuối cùng là thông điệp hòa bình.
Các diễn giả là nhà báo, học giả, nhà nghiên cứu, đạo diễn phim và cả một cựu chiến binh hơn 90 tuổi từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ đã đưa ra những góc nhìn đa chiều về cuộc chiến, chia sẻ những kỷ niệm và ký ức, cũng như ước vọng về một sự hòa hợp và hòa bình.
Những thước phim tư liệu do Trung tâm ECPAD sản xuất đã đưa hơn 100 đại biểu tham dự trở về với ký ức hào hùng của quân và dân Việt Nam, nhưng cũng đầy đau thương đối với người dân Pháp.
![Giáo sư Pierre Journoud, giảng viên chuyên ngành Lịch sử đương đại, Đại học Paul-Valéry Montpellier 3. Ảnh: Anh Tuấn Giáo sư Pierre Journoud, giảng viên chuyên ngành Lịch sử đương đại, Đại học Paul-Valéry Montpellier 3. Ảnh: Anh Tuấn](https://media.thuonghieucongluan.vn/uploads/2024/04/15/phap-1-1713151054.jpg)
Theo PGS Éric Coudray, chiến thắng Điện Biên Phủ có thể coi là một sự chiến thắng vĩ đại đầu tiên của một dân tộc thuộc địa trước chế độ thực dân. Chính vì lẽ đó mà sự kiện này có một tác động mang tính toàn cầu, đem lại niềm hy vọng cho nhiều dân tộc khác đang bị áp bức trên thế giới.
Chia sẻ chung quan điểm, cựu phóng viên báo Nhân đạo thường trú tại Việt Nam Daniel Roussel cũng khẳng định, chiến thắng của Việt Nam trên trận địa Điện Biên Phủ đã mang lại những hy vọng cho các dân tộc thuộc địa. Và thực tế, sau chiến trường tại Việt Nam, quân đội của chế độ thực dân Pháp buộc phải rút lui khỏi các quốc gia như Algeria, Morocco và Tunisia.
Tham gia tọa đàm với tư cách là diễn giả Việt Nam duy nhất, một trong những tác giả của cuốn sách “Điện Biên Phủ vue d’en face: Paroles de bô dôi” (Điện Biên Phủ, nhìn từ phía đối diện: Lời của các Bộ đội” (Nhà xuất bản Nouveau Monde 2010), phiên bản rút gọn của cuốn “Chuyện những người làm nên lịch sử - Hồi ức Điện Biên Phủ 1954-2009” (Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, 2009), nhà báo Đào Thanh Huyền thay mặt các cựu chiến binh Việt Nam mang đến buổi tọa đàm tiếng nói của những anh bộ đội luôn mong muốn sống trong hòa bình. “Mặc dù các bác phải trải qua nhiều cuộc chiến, nhưng họ không hề muốn các thế hệ sau này phải chịu hoàn cảnh như họ. Hòa bình là mong ước của họ, cũng là thông điệp của tọa đàm”.
Ông Pierre Journoud, Giáo sư lịch sử đương đại tại Đại học Paul-Valéry Montpellier 3, người chủ trì buổi tọa đàm, cho biết không như các cuộc hội thảo mang tính học thuật khác, tọa đàm lần này là nơi gặp gỡ của cả người Pháp, người Việt và người Phi, vì chiến dịch này mang tầm vóc thế giới và có cả sự tham chiến của một phần các nước Châu Phi trong đội quân viễn chinh Pháp.
Ông Taylan Coskun cũng nhấn mạnh tinh thần đoàn kết, sẵn sàng hy sinh của nhân dân Việt Nam với “đội quân” hàng chục nghìn người từ khắp mọi miền của đất nước, từ thành thị đến nông thôn, từ nông dân, công dân cho đến sinh viên. Tất cả một lòng vì khát vọng tự do, hòa bình.
Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng nhấn mạnh, 70 năm trôi qua kể từ trận chiến, vết thương đã lành, thay thế bằng hòa bình và tình bạn, nhưng ký ức về Điện Biên Phủ vẫn còn sống mãi. 70 năm qua, dù quan điểm mỗi người khác nhau, thậm chí đối lập, góc nhìn chuyên môn khác nhau và sự nhận thức ở mỗi thời đại cũng có sự khác nhau, nhưng tất cả đều chia sẻ một giá trị chung: đó là khát vọng hòa bình, bảo tồn và củng cố hòa bình mãi mãi.
![Những thước phim tư liệu do Trung tâm ECPAD sản xuất đã đưa hơn 100 đại biểu tham dự trở về với ký ức hào hùng của quân và dân Việt Nam, nhưng cũng đầy đau thương đối với người dân Pháp. Những thước phim tư liệu do Trung tâm ECPAD sản xuất đã đưa hơn 100 đại biểu tham dự trở về với ký ức hào hùng của quân và dân Việt Nam, nhưng cũng đầy đau thương đối với người dân Pháp.](https://media.thuonghieucongluan.vn/uploads/2024/04/15/untitled-1713150880.png)
Đại sứ Đinh Toàn Thắng khẳng định, nhân dân Việt Nam luôn ý thức rằng "tình đoàn kết quốc tế, đặc biệt là sự ủng hộ to lớn mà nhân dân Pháp dành cho nhân dân Việt Nam trong công cuộc giành lại độc lập và hòa bình, là cơ sở vững chắc để xây dựng mối quan hệ hữu nghị và hợp tác gắn kết Pháp và Việt Nam ngày nay".
Cuộc tọa đàm đã đề cập mọi khía cạnh của cuộc chiến, không chỉ giới thiệu diễn biến chiến dịch mà còn nói về nỗi đau thất bại của những cựu chiến binh Pháp và cả sự hội nhập không hề dễ dàng của họ với cuộc sống đời thường sau khi trở về. Và, cũng là dịp để chia sẻ những ký ức về sự trở lại của những người lính Pháp ở chiến trường xưa, cũng như tình yêu mà họ dành cho đất nước này, cùng khát vọng xích lại gần nhau và hướng tới sự hòa hợp của hai dân tộc.
70 năm đã qua, chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn còn mãi vang dội. Những cảm xúc về sự hy sinh, sự đồng lòng của cả một dân tộc vẫn đồng hành cùng toàn thể những người con xứ Việt.
Hai dân tộc Việt Nam và Pháp đã cùng nhau nỗ lực vượt qua những thăng trầm của lịch sử, góp phần đưa quan hệ giữa 2 quốc gia ngày một vững chắc, cùng nhau hướng về tương lai tươi sáng.
Theo VOV.vn/baoquocte.vn