Thủ tướng Slovenia Janez Jansa khẳng định nước này là quốc gia thành công nhất ở EU trong đối phó đại dịch COVID-19, rằng tình hình kiểm soát dịch bệnh đang thuận lợi và chính phủ sẽ tập trung vào các vấn đề kinh tế và phục hồi sau khủng hoảng.
Slovenia, với dân số khoảng 2 triệu người, đã ghi nhận ca mắc COVID-19 đầu tiên hôm 4/3. Tính đến 6 giờ sáng 17/5 (giờ Việt Nam), nước này đã xác định 1.465 ca mắc với 103 trường hợp thiệt mạng.
Kể từ ngày 20/4, chính phủ Slovenia đã dần gỡ bỏ các lệnh phong tỏa. Dự kiến, ngày 18/5, các trung tâm thương mại, mua sắm, các khách sạn, nhà trọ, cửa hàng cà phê và nhà hàng, cũng như các trường mẫu giáo và các lớp 1-4 thuộc cấp tiểu học sẽ được mở trở lại.
Ngày 16/5, Tây Ban Nha ghi nhận 104 ca tử vong vì COVID-19. Đây là số ca tử vong trong ngày thấp nhất mà quốc gia này ghi nhận từ giữa tháng 3.
Thông báo của Bộ Y tế Tây Ban Nha nêu rõ tổng số ca tử vong vì dịch bệnh của nước này hiện là 27.563 ca, trong khi tổng số ca mắc bệnh là 276.505 ca, tăng 2.138 ca so với một ngày trước đó. Tây Ban Nha là quốc gia thành viên EU chịu tác động mạnh nhất của dịch bệnh.
Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez ngày 16/5 cho biết, chính phủ của ông sẽ đề nghị Quốc hội cho phép gia hạn tình trạng khẩn cấp tại nước này thêm 4 tuần, bất chấp việc lệnh phong toả đã được gỡ bỏ và nới lỏng tại phần lớn lãnh thổ.
Trong khi đó, Italy, quốc gia từng là tâm dịch của châu Âu, đang dần mở cửa trở lại nền kinh tế sau thời gian phong tỏa để kiềm chế tốc độ lây lan dịch bệnh. Trong một nỗ lực nhằm sớm mở cửa nền kinh tế với bên ngoài, Chính phủ Italy vừa công bố sắc lệnh cho phép các du khách từ các quốc gia khác trong EU và Khu vực Schengen đến quốc gia này từ ngày 3/6 và dỡ bỏ những hạn chế về đi lại giữa các vùng của Italy vào cùng thời điểm này.
Bộ trưởng Tư pháp Bulgaria Danail Kirilov cho biết từ ngày 15/5, nước này sẽ chuyển sang chế độ tình hình dịch bệnh khẩn cấp tới ngày 14/6.
Dịch bệnh trên toàn thế giới vẫn đang có những diễn biến phức tạp
Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của LB Nga ngày 16/5 cho biết nước này đã ghi nhận 9.200 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại 83 chủ thể liên bang trong 24 giờ qua, thấp hơn so với một ngày trước đó, nâng tổng số người nhiễm tại LB Nga lên 272.043 ca. Đây là số ca nhiễm trong ngày thấp nhất kể từ ngày 2/5. Trong số các ca mới, có 44,8% bệnh nhân không có biểu hiện lâm sàng.
Trong 24 giờ qua, số ca tử vong đã tăng 119 ca lên 2.537 ca. Đây là số ca tử vong trong ngày cao nhất từ trước đến nay.
Ngày 16-5, Cơ quan y sinh LB Nga (FMBA) đã công bố kết quả một nghiên cứu mà cơ quan này phối hợp Viện nghiên cứu vi sinh Bộ Quốc phòng Nga thực hiện cho thấy, loại thuốc chống sốt rét Mefloquine có khả năng ức chế hoàn toàn hoạt động của virus SARS-CoV-2 trong vòng hai ngày.
Ngày 16/5, Chính phủ Ấn Độ thông báo tổng số ca mắc COVID-19 tại quốc gia này ở mức 85.940 ca, lần đầu tiên vượt số ca mắc bệnh Trung Quốc (82.941 ca), nơi dịch bệnh khởi phát.
Iran ngày 16/5 đã ghi nhận 35 ca tử vong do mắc COVID-19, nâng tổng số ca tử vong ở nước này lên thành 6.937 người. Đây là số ca tử vong thấp nhất trong ngày tại Iran kể từ ngày 7/3 vừa qua.
Đây là ngày mà Thái Lan không ghi nhận bất cứ ca mắc hay tử vong nào do dịch bệnh trong bối cảnh nước này bắt đầu mở cửa trở lại hoạt động kinh doanh và nới lỏng hạn chế. Từ ngày 17/5, Thái Lan sẽ cho phép các trung tâm thương mại và cửa hàng mua sắm được hoạt động trở lại. Nước này sẽ rút ngắn bớt 1 giờ lệnh giới nghiêm ban đêm, từ 23 giờ hôm trước tới 4 giờ sáng hôm sau, thay vì từ 22 giờ như trước đó. Đến nay Thái Lan ghi nhận tổng cộng 3.025 ca mắc và 56 người tử vong do dịch COVID-19.
Ngày 16/5, Bộ Y tế Campuchia thông báo bệnh nhân cuối cùng của nước này đã hồi phục và xuất viện. Dù không còn ca mắc COVID-19 nào nhưng Bộ Y tế Campuchia vẫn khuyến cáo người dân tiếp tục thận trọng. Campuchia ghi nhận tổng cộng 122 ca nhiễm virus và không có ca nào tử vong. Lần mới nhất quốc gia này ghi nhận ca nhiễm mới là ngày 12/4.
Ngày 16/5, Singapore, quốc gia đang là điểm nóng dịch bệnh của khu vực, thông báo ghi nhận thêm 465 trường hợp nhiễm virus, đưa tổng số ca mắc bệnh ở nước này lên 27.356 ca. Tính đến ngày 16/5, Indonesia ghi nhận tổng cộng 17.025 ca mắc bệnh và 1.089 ca tử vong.
Malaysia cũng thông báo tổng số ca mắc và tử vong vì dịch bệnh tại đây lần lượt là 6.872 và 113 ca. Trong khi đó, Philippines ghi nhận tổng cộng 12.305 ca nhiễm virus và 817 ca tử vong. Từ ngày 16/5, quốc gia này bắt đầu nới lỏng lệnh phong tỏa ở thủ đô Manila, tâm dịch của cả nước, và nhiều thành phố lớn khác cũng dần tái khởi động các hoạt động kinh tế sau thời gian trì trệ vì các biện pháp cách ly.
WHO điều tra hội chứng viêm lạ ở trẻ em
Đáng lưu ý, trong số các ca mắc COVID-19 ở trẻ em, có một số em xuất hiện hội chứng viêm lạ khiến Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phải điều tra.
WHO cho biết đang tìm hiểu mối liên hệ tiềm tàng giữa đại dịch COVID-19 với hội chứng viêm hiếm gặp đang khiến nhiều trẻ em ở châu Âu và Mỹ đổ bệnh, thậm chí tử vong. Phát biểu họp báo trực tuyến, Tổng Giám đốc WHO Tedros Ghebreyesus cho biết các báo cáo sơ bộ cho thấy hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em có thể liên quan đến COVID-19.
Chính vì thế, điều quan trọng là phải nhanh chóng và cẩn trọng tìm hiểu hội chứng lâm sàng, hiểu biết về nguyên nhân hậu quả cũng như các biện pháp can thiệp điều trị. Tuy nhiên, giới khoa học vẫn chưa thể xác định mối liên hệ rõ ràng giữa COVID-19 với hội chứng mới, do nhiều trẻ em mắc hội chứng mới lại không dương tính với virus SARS-CoV-2.
Cho đến nay các nước châu Âu và Mỹ đã ghi nhận hàng trăm ca bệnh nhi hiếm gặp như vậy. Trong diễn biến mới nhất, Pháp thông báo một bé trai 9 tuổi dương tính với virus SARS-CoV-2 đã qua đời do hội chứng mới. Trước đó, một trẻ em đã qua đời ở Anh.
Hội chứng đã ảnh hưởng tới 230 trẻ em ở châu Âu. Tới nay, dịch COVID-19 tác động xấu nhất tới người cao tuổi và những người mắc bệnh mãn tính, song những báo cáo về hội chứng ở trẻ nhỏ đã làm dấy lên quan ngại rằng nó có thể ảnh hưởng không nhỏ tới những người trẻ so với đánh giá ban đầu.
Mỹ-Trung sa vào cuộc khẩu chiến mới
Tuần qua, căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đã bị đẩy lên một nấc mới, liên quan đến tranh cãi về nguồn gốc đại dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) và sự hoài nghi về việc Bắc Kinh có tôn trọng cam kết trong thỏa thuận thương mại "Giai đoạn 1" hay không.
Ngày 14/5, phát biểu trên chương trình của kênh Fox News, Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ có thể cắt đứt hoàn toàn quan hệ ngoại giao với Trung Quốc và ngay lúc này ông “không muốn đối thoại” với người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình mặc dù mối quan hệ vẫn còn tốt.
Những phát biểu được đánh giá là cứng rắn này nhằm vào Trung Quốc được đưa ra hai ngày sau khi Chính quyền Washington chỉ đạo không đầu tư các khoản tài sản trợ cấp liên bang vào các thực thể của người Trung Quốc. Bên cạnh đó, Bộ Thương mại Mỹ thông báo sẽ sửa đổi một quy định xuất khẩu nhằm hạn chế hoạt động thu mua chất bán dẫn của Huawei. Ngày 14/5, Tổng thống Trump tuyên bố gia hạn lệnh cấm đối với Huawei đến tháng 5/2021, không cho phép các công ty Mỹ mua và sử dụng thiết bị viễn thông của tập đoàn công nghệ Trung Quốc này.
Trong một vài tháng trở lại đây, Tổng thống Trump và một số quan chức cấp cao Mỹ cáo buộc Trung Quốc đã không cảnh báo cho thế giới mức độ nghiêm trọng của dịch COVID-19 dẫn đến sự lây lan dịch bệnh trên toàn cầu và khiến kinh tế thế giới suy thoái. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 3/5 nói rằng Washington “có bằng chứng” cho thấy virus SARS-CoV-2 có nguồn gốc từ một phòng thí nghiệm ở thành phố Vũ Hán (Trung Quốc). Tuy nhiên, Trung Quốc đã bác bỏ các cáo buộc, khẳng định nước này luôn minh bạch thông tin.
Các nước lo ngại làn sóng dịch bệnh thứ hai
Thế giới đã trải qua một tuần chứng kiến các ca mới lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng tại một số quốc gia châu Á, báo hiệu nguy cơ về làn sóng dịch bệnh thứ hai và cho thấy tình huống khó xử của các chính phủ trên toàn thế giới khi vừa phải tìm cách khôi phục nền kinh tế đình trệ vừa phải kiểm soát đại dịch.
“Với một bộ phận người mắc bệnh không có triệu chứng, các ca mắc mới nảy sinh từ những nguồn không xác định. Việc tái mở xã hội dẫn tới nhiều các ca mắc mới xuất hiện là điều không thể tránh khỏi”, ông Nicholas Thomas – Phó Giáo sư chuyên về y tế cộng đồng tại Đại học Hong Kong (Trung Quốc) – nhận định.
Tại Hong Kong, một bệnh nhân 66 tuổi không có lịch sử đi về từ vùng dịch đã chấm dứt 23 ngày không có ca nhiễm trong cộng đồng của đặc khu kinh tế này.
Trong Trung Quốc, ổ dịch mới với trên 20 ca nhiễm tại Đông Bắc đã buộc giới chức áp đặt các biện pháp hạn chế di chuyển tại hai thành phố. Các trường học vừa mở lại cho học sinh đã một lần nữa cho đóng cửa ở ba thành phố với tổng dân số 13 triệu người. Phát hiện một ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng sau hơn một tháng tại Vũ Hán, lo sợ dịch quay trở lại, giới chức địa phương quyết định xét nghiệm toàn bộ dân cư thành phố 11 triệu dân.
Trong khi đó, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ngày 11/5 thông báo xem xét dỡ bỏ lệnh phong tỏa toàn quốc được áp dụng kéo dài 7 tuần, trong bối cảnh quốc gia Nam Á này ghi nhận số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 theo ngày ở mức cao kỷ lục.
Tại châu Âu – khu vực cho phép một số quốc gia nối lại một số hoạt động kinh tế và phần nào quay trở lại cuộc sống bình thường trước kia, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng cảnh báo về làn sóng mắc COVID-19 thứ hai. Trong cuộc trả lời phỏng vấn với tờ Telegraph ngày 14/5, Tiến sĩ Hans Kluge - Giám đốc khu vực châu Âu của WHO - nhấn mạnh rằng mặc dù số ca mắc COVID-19 tại một số nước như Anh, Pháp và Italy đã bắt đầu giảm, nhưng điều đó không có nghĩa là đại dịch đang đi đến hồi kết. Ông cảnh báo tâm dịch của châu Âu đang ở phía Đông, với số ca nhiễm SARS-CoV-2 gia tăng mạnh tại Nga, Ukraine, Belarus và Kazakhstan.
Trang Nguyễn