Nền kinh tế đang bắt đầu có những chuyển biến đáng kể. Với mục tiêu kích cầu du lịch nội địa, đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách sau khi dịch Covid-19, các hãng hàng không thuộc Vietnam Airlines Group (gồm Vietnam Airlines, Jetstar Pacific và VASCO) thông báo tiếp tục có kế hoạch tăng tần suất và khai thác trở lại các đường bay trong nước tiến tới phục hồi toàn bộ mạng lưới đường bay nội địa từ tháng 6/2020.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong dịch Covid-19, đến nay nhiều DN đã sớm lấy lại tâm thế và có chiến lược sản xuất kinh doanh trong tình hình mới. Các công ty may thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam như: May 10, May Chiến Thắng, May Thái Nguyên… đã chuyển đổi một số dây chuyền sang may bộ quần áo bảo hộ y tế phòng, chống dịch Covid-19 theo đặt hàng của Bộ Y tế cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước.Tại Việt Nam, với những chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ và Thủ tướng, dịch Covid-19 về cơ bản đã được khống chế, nhờ đó có mức tăng trưởng được đánh giá là tốt nhất ở châu Á
Các đơn vị sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam như Honda, TC Motor, Vĩnh Phát Motor… quay trở lại sản xuất. Nhiều DN khôi phục sản xuất, kinh doanh trên cơ sở dịch Covid-19 ở Việt Nam đang được kiểm soát tốt. Các ngành như ăn uống, thương mại, dịch vụ phục hồi khi dịch bệnh kết thúc, người tiêu dùng nhanh chóng trở lại nhịp sinh hoạt bình thường sau nhiều tháng bị cách ly xã hội… Theo Yahoo Finance, một thế giới mới đang bắt đầu nổi lên, với những chỉ báo sớm cho thấy các DN đang dần hồi phục.
Đánh giá về triển vọng phục hồi kinh tế hậu dịch Covid-19, nhà báo David Hutt cho rằng, với những kết quả chống Covid-19 như hiện nay, “Việt Nam có thể đạt được một trong những thành tựu tốt nhất, hơn bất kỳ nước nào ở châu Á”. Nhà báo này còn cho rằng Việt Nam có thể hồi phục nhanh hơn hầu hết các nền kinh tế Đông Nam Á khác.
Không chỉ hấp dẫn bởi môi trường chính trị an toàn và chính sách khuyến khích đầu tư thông thoáng, thành công của Việt Nam trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 cũng đang tạo ấn tượng tốt đối với nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Một làn sóng đầu tư nước ngoài (FDI) được dự báo sẽ tiếp tục chảy vào Việt Nam trong thời gian tới.
Theo tờ báo chuyên về kinh tế ChosunBiz của Tập đoàn truyền thông nổi tiếng Chosun (Hàn Quốc), quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong quá trình chống dịch đã sớm nhận được sự tin tưởng mạnh mẽ từ các nhà đầu tư toàn cầu. Công ty điện tử Samsung đã phải đồng loạt dừng hoạt động ở nhiều nhà máy của công ty trên toàn thế giới nhưng vẫn có thể duy trì sản xuất ở Việt Nam.
Trưởng đại diện IMF tại Việt Nam, Francois Painchaud cho biết, thời gian qua, Việt Nam cũng như các quốc gia khác đã áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội nhằm ngăn chặn lây lan dịch Covid-19. Xu hướng suy thoái kinh tế toàn cầu và sự sụt giảm nhu cầu tiêu dùng nội địa là các yếu tố được dự đoán sẽ làm chậm mức tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2020, so mức trung bình khoảng 7% trong năm 2018 và 2019. IMF nhận định, trong năm 2020, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ chậm lại còn 2,7%. Tuy nhiên đà tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ phục hồi và kỳ vọng đạt 7% vào năm 2021.
PV