Trong 24 giờ qua, các nước ghi nhận 100.424 người mắc bệnh và 5.069 người tử vong. Trong đó, Brazil, Mỹ, Nga, Ấn Độ có nhiều ca mắc mới nhất. Brazil đã vượt Mỹ trở thành nước có ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới. Brazil ghi nhận 19.461 ca mắc, trong khi Mỹ có 18.642 ca tính tới 6 giờ sáng 28/5 (giờ Việt Nam).

Pháp chính thức cấm dùng thuốc sốt rét hydroxychloroquine để trị COVID-19: Trang thống kê Worldometer đến tối ngày 27-5 (giờ Việt Nam) cho biết Pháp trong 24 giờ qua không ghi nhận thêm ca nhiễm mới COVID-19 nào, tổng số bệnh nhân vẫn dừng ở 182.722. Trong khi đó, số ca tử vong vẫn tăng thêm 98 trường hợp, lên 28.530.
Đáng chú ý, đài DW cùng ngày đưa tin chính phủ Pháp đã ra quyết định cấm bác sĩ Pháp sử dụng thuốc sốt rét hydroxychloroquine để điều trị cho bệnh nhân COVID-19.
Theo đó, tổ chuyên gia tư vấn chính phủ cho rằng loại thuốc trên gây tác dụng phụ làm ảnh hưởng đến sức khoẻ của người bệnh trong khi hiệu quả rất hạn chế.

Mỹ Latinh đang trở thành điểm nóng của thế giớiMỹ Latinh đang trở thành điểm nóng của thế giới
Trước đây, Pháp là một trong những quốc gia châu Âu tiên phong ứng dụng hydroxychloroquine để điều trị COVID-19. Tổng thống Emmanuel Macron cũng từng đích thân đi thăm các bệnh viện sử dụng loại thuốc này để thị sát tình hình. Ngoài Pháp thì Mỹ cũng là nước sử dụng hydroxychloroquine trong điều trị, Tổng thống Donald Trump cũng nhiều lên tiếng ủng hộ.
Chuyên gia COVID-19 Thuỵ Điển bị doạ giết vì đề xuất miễn dịch cộng đồng: Đến tối 27-5 (giờ Việt Nam), trang thống kê Worldometer ghi nhận Thuỵ Điển trong 24 giờ qua có thêm 648 ca nhiễm COVID-19 mới, nâng tổng số bệnh nhân lên 35.088. Số ca tử vong cũng tăng 95 người, lên 4.220.
Hiện Thuỵ Điển là một trong số ít những quốc gia trên thế giới công khai tuyên bố theo đuổi chiến lược chống dịch COVID-19 thông qua xây dựng miễn dịch cộng đồng. Người đứng đầu công tác phòng ngừa dịch ở nước này là chuyên gia dịch tễ học hàng đầu Thuỵ Điển - ông Anders Tegnell.
Tuy nhiên, chính vì bản chất gây tranh cãi của chiến lược xây dựng miễn dịch cộng đồng mà ông Tegnell thời gian qua đã liên tiếp nhận được nhiều thư nặc danh khủng bố, đe doạ tính mạng, tờ The National ngày 27-5 cho biết.
Cụ thể, từ ngày 19-3, ông Tegnell đã nhận được nhiều email gửi đến hòm thư công việc của mình với những lời đe dọa đáng sợ từ doạ giết đến đe doạ nhờ băng nhóm "trừ khử". Người thân và bạn bè của chuyên gia này cũng nhận được email tương tự.
Cảnh sát Thuỵ Điển cho biết đang nỗ lực truy tìm nghi phạm nhưng đến nay vẫn chưa xác định được nghi phạm chính do hung thủ không để lại dấu vết.
Chia sẻ về vụ việc, chuyên gia Anders Tegnell nói ông tin tưởng vào khả năng điều tra của an ninh Thuỵ Điển nhưng mọi chuyện khá nghiêm trọng do nó có liên quan đến người thân.
Nga phát hiện trường hợp mèo nhiễm COVID-19: Tờ The Moscow Times đến sáng 27-5 (giờ Việt Nam) ghi nhận Nga trong 24 giờ qua có thêm 8.338 ca nhiễm mới, nâng tổng số bệnh nhân lên 370.680. Đến nay, Nga là nước có số bệnh nhân COVID-19 cao thứ ba thế giới, sau Mỹ và Brazil.
Số người chết vì COVID-19 ở Nga trong 24 giờ qua cũng tăng 161 người, lên 3.968 người.
Thủ đô Moscow vẫn là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch với tổng cộng 171.443 bệnh nhân và 2.183 trường hợp tử vong tính đến nay.
Cùng ngày, trang tin Outbreak News Today dẫn lời Phó Giám đốc Cơ quan Giám sát Thú y và Kiểm dịch Động vật Nga Nikolai Vlasov cho biết một con mèo ở Moscow xét nghiệm đã được xác nhận dương tính với COVID-19. Hiện các chuyên gia khác vẫn đang nghiên cứu thêm về trường hợp này.
Hiện con mèo nói trên đang được cách ly tại nhà của chủ. Tuy nhiên, ông Vlasov cũng nhấn mạnh đến nay chưa có bằng chứng chứng minh vật nuôi trong nhà có thể lây COVID-19 cho người.
Theo Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy, trong ngày 27/5, nước này ghi nhận thêm 584 ca nhiễm SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại nước này lên 231.139 trường hợp.
Trong vòng 24 giờ qua, số ca tử vong do COVID-19 tại Italy đã tăng 117 ca lên 33.072 trường hợp, trong khi có thêm 2.443 ca hồi phục, nâng tổng số bệnh nhân xuất viện lên 147.101 người. Số ca phải điều trị tích cực tiếp tục giảm 16 ca xuống còn 505 ca. Tổng số ca phải nhập viện tại Italy hiện còn 7.729 ca trong tổng số ca bệnh hiện tại 50.966 người.
Ngày 27/5, Bộ Y tế Ai Cập cho biết, nước này đã phát hiện thêm 910 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm ở quốc gia này lên 19.666 người. Đây là con số cao nhất được ghi nhận trong một ngày kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát ở Ai Cập cho đến nay.
Theo bộ trên, tổng số bệnh nhân tử vong do COVID-19 ở Ai Cập hiện đã lên đến 816 người, sau khi có 19 trường hợp tử vong mới được ghi nhận trong ngày 27/5. Theo người phát ngôn Bộ Y tế Ai Cập Khaled Megahed, có thêm 178 bệnh nhân đã bình phục hoàn toàn và được ra viện, nâng tổng số người khỏi bệnh lên 5.205.
Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) dự báo khu vực Mỹ Latinh - "tâm chấn" mới của dịch COVID-19, sắp trải qua những tuần lễ cực kỳ khó khăn về diễn biến tình hình dịch bệnh.
Phát biểu họp báo trực tuyến, Phó Giám đốc PAHO Jarbas Barbosa cảnh báo đây không phải là lúc có thể nới lỏng những hạn chế được áp dụng để kiểm soát virus SARS-CoV-2 như chính phủ các nước Brazil, Mexico và Peru đang làm, khi các nước này cũng là những nước có số ca mắc cao nhất khu vực.
Giám đốc bộ phận Bệnh truyền nhiễm của PAHO Marcos Espinal nhận định tình hình dịch bệnh tại Brazil - quốc gia bị tác động nặng nề nhất do dịch bệnh tại khu vực, sẽ chưa thuyên giảm vào tuần tới và vẫn còn cả một chặng đường dài cần vượt qua.

Trong khi đó, tỷ lệ mắc bệnh cũng liên tiếp tăng cao ở Chile, Peru, Ecuador, và Venezuela. Đây là dấu hiệu cho thấy quá trình lây lan của đại dịch COVID-19 đang tăng tốc. PAHO dự báo tại Nam Mỹ chỉ có Bolivia và Paraguay có thể sẽ ghi nhận mức sụt giảm nhẹ về số ca dương tính với virus SARS-CoV-2.
Ông Espinal cũng cho rằng phần lớn các nước Nam Mỹ hiện không thực hiện đủ xét nghiệm để phát hiện người bệnh. Chính vì thế, ông đề nghị tăng cường xét nghiệm trên diện rộng là cách duy nhất để có một bức tranh rõ ràng về diễn biến của dịch.
Số ca mắc bệnh COVID-19 đều giảm tại Australia và New Zealand đã giúp hai nước nới lỏng các biện pháp hạn chế đi lại với nhau.
Tại Australia, số ca mắc COVID-19 đã giảm xuống dưới 500 người, trong khi bệnh nhân mắc COVID-19 cuối cùng tại New Zealand cũng vừa xuất viện ngày 27/5. Do đó, giới chức y tế Australia khẳng định hoàn toàn có khả năng nước này và New Zealand sẽ cho phép người dân hai nước đi lại lẫn nhau.
Trong tuần này, các quan chức y tế cấp cao hai nước đã đàm phán sơ bộ và chuẩn bị trình khuyến cáo lên chính phủ trong những tuần tới về cách thức nối lại việc đi lại an toàn.
Australia đã ghi nhận 7.144 ca mắc COVID-19, trong đó có 103 trường hợp tử vong. Trong khi đó, New Zealand đã trải qua 5 ngày mà không có ca mắc COVID-19 nào mới. Tính đến nay, nước này ghi nhận 1.504 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 21 người tử vong.
Tuy nhiên, theo một kết quả khảo sát, do Đại học Monash của Australia tiến hành đối với 1.000 phòng khám địa phương, các bệnh viện tại nước này đang đối mặt với nguy cơ phải tiếp nhận làn sóng bệnh nhân thứ 2 và thứ 3 do dịch COVID-19 trong giai đoạn từ nay đến Giáng sinh.

Trang Nguyễn (t/h)