Ông Lê Trần Nguyên Hùng – Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Bảo tồn và Phát triển nguồn lợi thủy sản (Tổng cục Thủy sản –Bộ NN&PTNT), cho biết, tôm càng đỏ, tôm hùm đất là những loài ngoại lai vô cùng nguy hiểm. Chỉ cần phát tán ra ngoài môi trường sẽ đe dọa phá vỡ hệ sinh thái, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nên cần có biện pháp ngăn chặn, diệt trừ.

Tôm càng đỏ từng được nuôi thử nghiệm ở Việt Nam nguy hiểm ra sao? - Hình 1

Ông Lê Trần Nguyên Hùng – Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Bảo tồn và Phát triển nguồn lợi thủy sản

Đối với loài tôm càng đỏ, thực tế, từ tháng 5/2002, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I đã nhập và nuôi thử nghiệm tại Việt Nam nhưng kết quả cho thấy những tác hại khủng khiếp của chúng với đa dạng sinh học nên năm 2004, Bộ Thủy sản (nay là Bộ NNPTNT) đã cấm nuôi loài tôm này. Năm 2017, có một số hộ dân ở Đồng Tháp lén lút nuôi để xuất sang Trung Quốc, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo tiêu hủy và xử lý nghiêm.

Đối với loài tôm hùm nước ngọt (tôm hùm đất), năm 2006 loài này cũng được nhập về Việt Nam từ Trung Quốc để nuôi thử nghiệm diện hẹp. Tuy nhiên, kết quả cho thấy loài tôm này mặc dù có giá trị kinh tế nhưng ăn tạp và có tập tính đào hang sâu, nếu không được kiểm soát tốt sẽ ảnh hưởng rất lớn đến môi trường hệ sinh thái và sản xuất nông nghiệp nên việc nuôi loài tôm này dừng tại đó.

"Ở những nước đã từng nuôi loài tôm này, họ đều phải quy hoạch vùng nuôi khép kín, thực hiện các biện pháp để tôm không phát tán ra môi trường bên ngoài. Nhưng những báo cáo cho thấy, việc tác động đến môi trường của loài tôm này cực kỳ khủng khiếp. Trong điều kiện quy mô sản xuất của Việt Nam còn nhỏ lẻ, khó kiểm soát, việc để lọt đối tượng này ra môi trường có thể là một đại họa" - ông Hùng khẳng định.

Tôm càng đỏ từng được nuôi thử nghiệm ở Việt Nam nguy hiểm ra sao? - Hình 2

Tôm càng đỏ có thể đào hang sâu đến 2m, đe dọa các công trình thủy lợi, thủy sản, nông nghiệp

Tôm hùm đất được xác định là loài xâm hại nguy hiểm, chúng nhanh chóng thiết lập quần đàn trở thành một loài chính trong hệ sinh thái mà nó sinh sống; xâm lấn ảnh hưởng đến loài bản địa; lây bệnh dịch; làm giảm nguồn lợi thủy sản.

Do thích đào hang sâu nên có thể làm hỏng hệ thống tưới tiêu, đê bao, hồ chứa, kênh mương, phá hoại lúa (ghi nhận tại Trung Quốc, Nhật Bản, Ai Cập, Tây Ban Nha, Hoa Kỳ); nó có thể cắt lúa khi chúng đi qua.

Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Lào Cai, từ ngày 1/5 – 22/5, các lực lượng chức năng đã bắt giữ được 945kg tôm hùm nước ngọt. Cụ thể, ngày 12/5, Bộ đội biên phòng Lào Cai phối hợp với Hải quan cửa khẩu Lào Cai bắt được 300kg tôm hùm nước ngọt; tiếp đó, từ 13/5 đến 20/5, lực lượng chức năng bắt giữ được 645kg tôm, vận chuyển qua sông, đường mòn, trong đó chỉ có 75kg tôm có chủ, còn lại các đối tượng đều đã bỏ chạy.

Hiện nay, việc kinh doanh, tiêu thụ chủ yếu thông qua mạng xã hội nên việc phát hiện, xử lý gặp nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, điều ông Hùng lo ngại là con số nhập lậu tôm hùm vào Việt Nam thực tế có thể lớn hơn nhiều. Vì vậy, theo ông Hùng, giải pháp cần thiết lúc này là tăng mức xử phạt để đảm bảo tính răn đe. Vụ việc bắt giữ 75kg tôm càng đỏ nhập lậu, đối tượng bị bắt chỉ bị phạt hành chính 1,5 triệu đồng, con số quá ít ỏi.

Bên cạnh đó, cần tăng cường lực lượng kiểm soát việc nhập lậu qua biên giới; xây dựng kế hoạch kiểm soát, cô lập và diệt trừ; tăng cường kiểm soát tại các chợ. Tuyên truyền, phổ biến về cách phân biệt và tác hại của loài này với môi trường để người dân không sử dụng…

Hằng Vương (t/h)