Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết: Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 3,9 tỷ USD, tăng 4% so với 2020. Sóc Trăng và Cà Mau là hai địa phương có kim ngạch xuất khẩu tôm cao nhất cả nước.
Hiện nay, Việt Nam có hơn 500 doanh nghiệp xuất khẩu tôm sang 103 thị trường. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu có đến 97% tập trung vào 8 thị trường chính là Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, EU, Anh…
Theo ông Trương Đình Hòe, điểm đáng mừng là lần đầu tiên tôm Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ đạt kim ngạch hơn 1 tỷ USD, với gần 90.000 tấn, tăng 20% so với năm trước.
Theo đánh giá, năm 2022 Mỹ vẫn sẽ là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam. Với sự hồi phục nhu cầu của chuỗi HORECA và thế mạnh tôm chế biến, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ năm 2022 sẽ tiếp tục tăng.
Trong khi đó, đối với thị trường Châu Âu, năm 2022 nhu cầu tiêu thụ tôm bắt đầu tăng trở lại, đặc biệt tại Anh, Đức, Hà Lan, Bỉ… Tuy nhiên, mức tiêu thụ tại châu Âu sẽ bị tác động bởi xung đột Nga - Ukraine nên phần nào ảnh hưởng đến nhu cầu và kế hoạch kinh doanh trong tương lai.
Về nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu, theo ông Trương Đình Hòe, năm 2022 nguyên liệu tôm đủ cho chế biến, nhưng khả năng giá có thể tăng hơn do các yếu tố đầu vào biến động phức tạp.
Lãnh đạo VASEP cũng nhận định khả năng lạm phát sẽ làm giá thành sản xuất tăng, kéo theo tăng giá bán và làm suy yếu tốc độ tăng đơn hàng. Xung đột Nga - Ukraine tác động mạnh đến chi phí cũng như hoạt động logistics. Đây là một thách thức không nhỏ cho tăng trưởng xuất khẩu tôm.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kế hoạch sản xuất tôm năm 2022 với nhu cầu tôm bố mẹ cần khoảng 260.000 - 270.000 con, trong đó tôm giống khoảng 140 - 150 tỉ con và diện tích nuôi tôm đạt 750.000 ha, sản lượng tôm các loại 980.000 tấn; kim ngạch xuất khẩu trên 4 tỷ USD, tăng 2,56% so năm 2021.
Thứ trưởng Bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các doanh nghiệp, hộ nuôi tôm thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về nuôi trồng thủy sản, về an toàn thực phẩm, về thú y; xây dựng kế hoạch để chủ động sản xuất trong điều kiện bình thường mới, thích ứng linh hoạt với dịch Covid-19; nâng cao chất lượng sản phẩm, hợp tác liên kết sản xuất theo chuỗi; tuân thủ các quy định về sử dụng chất cấm, thuốc, hóa chất trong nuôi tôm…
Để đạt được các kế hoạch sản xuất và xuất khẩu tôm theo kế hoạch, tại hội nghị xuất khẩu tôm được tổ chức tại Sóc Trăng mới đây, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đề nghị cần tổ chức liên kết giữa các địa phương tham gia chuỗi tôm, đảm bảo chuỗi sản xuất tôm vận hành liên hoàn, thích ứng với điều kiện dịch bệnh Covid-19, kịp thời xử lý các tình huống phát sinh do dịch bệnh gây ra; đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, vệ sinh an toàn thực phẩm trong nuôi trồng thủy sản, nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm phục vụ chế biến, tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; thực hiện quy chế quản lý tôm nước lợ; quan trắc cảnh báo môi trường để kịp thời khuyến cáo, cảnh báo cho người nuôi.
Các công ty xuất khẩu tôm sang Nga đứng đầu như Công ty cổ phần Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú, Công ty cổ phần Chế biến Thủy sản Xuất Nhập Khẩu Kiên Cường, Công ty cổ phần Thủy sản Minh Hải, Công ty cổ phần Camimex...
Những ngày gần đây, xuất khẩu tôm sang Nga đã bị ảnh hưởng bởi chiến sự giữa Nga và Ukraine. Các lô hàng đi Nga đã xuất nhưng chưa biết có được thông quan hay không và hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu tôm sang Nga hiện đang gặp khó khăn về khâu thanh toán qua ngân hàng.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, căng thẳng Nga – Ukraine khiến thương mại nông nghiệp Việt Nam với Nga và Ucraine có thể bị suy giảm đáng kể. Những tác động đó đến từ việc ngắt hệ thống thanh toán quốc tế (SWIFT) các ngân hàng quốc tế lớn của Nga; phong tỏa tài sản của các ngân hàng tập đoàn lớn; ngăn cản xuất nhập khẩu; ngừng cung cấp tín dụng; đứt gãy chuỗi cung ứng, sự mất giá của đồng rúp, tăng lạm phát, bất ổn thị trường chứng khoán toàn cầu…
Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi các rủi ro về thanh toán quốc tế, đứt gãy chuỗi cung ứng trong xuất nhập khẩu bởi các hãng tàu lớn đã tuyên bố không vận chuyển đi và đến Nga dẫn đến tăng chi phí vận chuyển; tăng chi phí đầu vào nhập khẩu đối với hàng hóa cơ bản; nhu cầu suy giảm ở Nga, Ukraine và các nước liên quan.
Trước thực tế trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các doanh nghiệp theo dõi sát tình hình, phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội Ngành hàng và Ngân hàng Nhà nước để hỗ trợ trong việc thanh toán khi có hàng xuất khẩu đi Nga nhưng giao dịch tài chính đang bị đình trệ.
Sẽ hướng đến giải pháp xử lý khó khăn trước mắt do ngưng trệ thị trường Nga và Ukraine; Giải pháp đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, kể cả các thị trường trước đây có lượng nhập khẩu khá lớn (EU, Trung Quốc, Trung Đông,…) từ Nga, Ukraine đối với các mặt hàng trong đó có thủy sản.
Với tình hình thực tế trên, cùng với lợi thế xuất khẩu tôm sang Mỹ, VASEP dự kiến xuất khẩu tôm Việt Nam năm 2022 tăng từ 10 - 12%, kim ngạch xuất khẩu vượt mốc 4 tỷ USD. Trong đó, tăng trưởng do yếu tố giá 7 - 10%, tăng trưởng do tăng sản lượng 2 - 5%. Đây cũng là mảng thị trường tiềm năng khi xu hướng tiêu dùng thủy sản tại nhà của Mỹ ngày càng tăng.
Lê Pháp (T/h)