Cụ thể, VNR đã thoái thành công toàn bộ 7.425.511 cổ phiếu tại Công ty cổ phần Tổng công ty Công trình đường sắt (RCC) theo phương án khớp lệnh trên sàn giao dịch chứng khoán. Với giá bán bình quân 23.000 đồng/cổ phiếu, VNR đã thu về 170,7 tỷ đồng từ đợt thoái vốn này. Đây là thành công ngoài dự kiến của chính lãnh đạo VNR, cho dù RCC là đơn vị được đánh giá có quy mô vốn, năng lực thi công hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực xây lắp hạ tầng đường sắt.
VNR cho biết, đã xuất hiện thêm yếu tố khách quan khiến tiến độ thoái vốn tại 15 đầu mối không đạt như kỳ vọng
Cần phải nói thêm rằng, RCC hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ năm 2005, với số vốn điều lệ 154,5 tỷ đồng, trong đó VNR nắm 48,04%. Mặc dù, đơn vị đã niêm yết trên sàn giao dịch UPCoM từ cuối tháng 12/2016, nhưng quá trình thoái vốn RCC qua sàn UPCoM không thuận như VNR kỳ vọng.
Theo báo cáo của VNR, từ tháng 12/2016 đến đầu tháng 4/2017, sau 81 phiên, tổng số cổ phiếu RCC được khớp lệnh không vượt quá 300.000. Bên cạnh đó, giá trị giao dịch bình quân của cổ phiếu RCC chỉ là 16.667 đồng/cổ phần, thấp hơn giá trị sổ sách kế toán tại thời điểm 31/12/2016 là 22.060 đồng/cổ phần.
Mặc dù được triển khai cùng đợt thoái vốn với RCC nhưng lô 1.973.918 cổ phiếu của VNR tại Công ty cổ phần Đầu tư đường sắt 3 bị ế rất sâu. Ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng Thành viên VNR trong báo cáo gửi Bộ Giao thông - Vận tải vào đầu tháng 7/2018 cho biết, VNR thoái không thành công do giá giao dịch trên sàn đăng ký bán thấp hơn giá bán tối thiểu mà Tổng công ty này kỳ vọng.
Như vậy, ngoại trừ RCC, VNR vẫn còn đọng vốn tại 14/15 doanh nghiệp có vốn góp là: Công ty cổ phần Đầu tư đường sắt 3; Công ty cổ phần Viễn thông - Tín hiệu đường sắt; Công ty cổ phần Xây dựng công trình Đà Nẵng; Công ty cổ phần In đường sắt Sài Gòn; Công ty cổ phần Hải Vân Nam; Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư và xây dựng công trình 1; Công ty cổ phần Đầu tư phát triển hạ tầng và đô thị đường sắt; Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư và xây dựng đường sắt; Công ty cổ phần Đầu tư và Giao thông vận tải; Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Giao thông vận tải; Công ty cổ phần Công trình 6; Công ty cổ phần Đá Đồng Mỏ, Công ty cổ phần Đá Mỹ Trang; Công ty cổ phần Vĩnh Nguyên.
Trong văn bản gửi Bộ Giao thông - Vận tải để giải trình sự chậm trễ, VNR cho biết là đã xuất hiện thêm yếu tố khách quan khiến tiến độ thoái vốn tại 15 đầu mối không đạt như kỳ vọng.
Cụ thể, từ ngày 8/3/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 32/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp có nhiều điểm liên quan đến thoái vốn nhà nước.
Theo đó, kể từ ngày 1/5/2018, thời gian thoái vốn góp tại các công ty cổ phần phải nằm trong thời gian chứng thư thẩm định giá còn hiệu lực. Tuy nhiên, toàn bộ chứng thư thẩm định giá của 14 lô cổ phần mà VNR định thoái đều sẽ hết hiệu lực vào ngày 12/4/2018.
“Tổng công ty đã cân nhắc, xem xét thực hiện thoái vốn tại các doanh nghiệp này sau khi Nghị định số 32/2018/NĐ-CP có hiệu lực, nhằm đảm bảo lợi ích cao nhất cho Nhà nước”, ông Minh giải thích.
Lãnh đạo VNR cũng thừa nhận, quá trình thoái vốn tại 14 doanh nghiệp bị tồn này sẽ rất khó khăn, do tỷ lệ vốn chủ sở hữu của Tổng công ty tại nhiều công ty có khối lượng nhỏ. Tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp này trong vài năm trở lại đây gặp rất nhiều khó khăn, nên khả năng thoái vốn thành công của VNR là không cao.
“Trong số này, tại một số công ty cổ phần, VNR đã tiến hành thoái, nhưng không có nhà đầu tư tham gia hoặc nhà đầu tư bỏ cọc toàn bộ không mua, đó là: Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư và xây dựng đường sắt; Công ty cổ phần Đầu tư đường sắt 3; Công ty cổ phần Công trình 6”, lãnh đạo VNR cho biết.
"Quá trình thoái vốn của VNR tại 14 doanh nghiệp bị tồn sẽ rất khó khăn, do tỷ lệ vốn chủ sở hữu của Tổng công ty tại nhiều công ty có khối lượng nhỏ"
Bảo Ngọc T/h