Bài 4: Bắc Giang giữ vị trí số 4
Thông qua phân tích 10 chỉ số thành phần PCI, Bắc Giang có chỉ số thiết chế pháp lý và an ninh trật tự đạt số điểm cao nhất với 7,90 điểm; có 3 chỉ số tăng điểm: Gia nhập thị trường (7,05 điểm); Chi phí thời gian (7,71 điểm); Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (7,24 điểm).
Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp
Để đạt được kết quả trên, năm 2023, Bắc Giang đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; cải cách thủ tục hành chính; đồng thời thường xuyên đối thoại, lắng nghe ý kiến phản ánh của người dân, doanh nghiệp để giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc.
Năm 2023, cùng với cả nước, tỉnh Bắc Giang tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức khi cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; tình hình an ninh chính trị thế giới diễn biến phức tạp; giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu leo thang, đã ảnh hưởng lớn đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống Nhân dân.
Song, với quyết tâm đẩy nhanh quá trình phục hồi phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, tạo đà cho thực hiện thắng lợi các mục tiêu cả giai đoạn 2021 - 2025 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, lãnh đạo UBND tỉnh đã chủ động bám sát chỉ đạo của Chính phủ, tỉnh ủy, HĐND tỉnh.
Đồng thời, lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo triển khai quyết liệt, bài bản, sáng tạo, có trọng tâm, trọng điểm, bám sát tình hình thực tiễn, tập trung xử lý những vấn đề tồn đọng kéo dài và giải quyết ứng phó kịp thời những vấn đề mới phát sinh.
Nhờ sự vào cuộc quyết liệt, lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời, chủ động của Đảng bộ và chính quyền các cấp, sự ủng hộ, tham gia tích cực của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, Bắc Giang đã nhanh chóng vượt qua khó khăn, tận dụng tốt các cơ hội để bứt phá. Theo đó, tình hình kinh tế xã hội năm 2023 của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, toàn diện trên các lĩnh vực; vị thế, uy tín của tỉnh ngày càng được nâng lên.
Nổi bật trong bức tranh tổng thể phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 của Bắc Giang đó là tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) tiếp tục là điểm sáng của cả nước, đạt 13,45% - đứng đầu cả nước.
Đến năm 2030, xây dựng đô thị Bắc Giang trở thành đô thị loại I
Trong đó, ngành công nghiệp - xây dựng tăng 17,25% (riêng công nghiệp tăng 18,56%); nông - lâm nghiệp - thủy sản tăng 2,63%; dịch vụ tăng 6,56%; thuế sản phẩm tăng 7,14%.
Đặc biệt, trong lĩnh vực công nghiệp, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhất là những khó khăn về vốn, thị trường, lưu thông hàng hóa, thủ tục hành chính…
Nhờ đó, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) cả năm tăng 20,2%.
Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư
Thêm một thành công lớn của Bắc Giang trong năm qua: Công tác thu hút đầu tư, nhất là thu hút nguồn vốn FDI có kết quả ấn tượng. Tính đến ngày 30/11/2023, toàn tỉnh đã thu hút trên 3,2 tỷ USD vốn đầu tư quy đổi, gấp 3,2 lần so cùng kỳ 2022, đạt kỷ lục từ trước đến nay.
Bắc Giang có 5 khu công nghiệp (chiếm khoảng 1.063 ha tổng diện tích thu hoạch đang hoạt động), nằm ở các vị trí giao thông thuận lợi, bao gồm Đình Trám, Song Khê – Nội Hoàng, Quang Châu, Vân Trung, Châu Minh
Tính riêng thu hút vốn cấp mới FDI (không bao gồm điều chỉnh), Bắc Giang đứng thứ 2 (sau Quảng Ninh); tổng vốn FDI thu hút cả cấp mới và điều chỉnh, Bắc Giang xếp thứ 4 cả nước (sau Quảng Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh và Hải Phòng) với trên 2,9 tỷ USD).
Chất lượng các dự án thu hút mới, ngày càng được cải thiện; nhiều dự án có quy mô khá lớn, tập trung chủ yếu ở lĩnh vực sản xuất công nghiệp (linh kiện điện tử), vốn đầu tư trung bình đạt khoảng 150 triệu USD. Điển hình như Dự án Nhà máy công nghệ chính xác Fulian, của Công ty TNHH Precision Technology Component Fulian với số vốn đăng ký 621 triệu USD.
Đặc biệt, tháng 9/2023, Công ty TNHH Hana Micron Vina (Hàn Quốc) đã khánh thành Dự án Nhà máy sản xuất chất bán dẫn Hana Microon, tại Khu công nghiệp Vân Trung, huyện Việt Yên (tỉnh Bắc Giang) - nhà máy sản xuất chất bán dẫn đầu tiên tại miền Bắc.
Việc triển khai, thực hiện hiệu quả dự án, sẽ tạo nền tảng cho định hướng phát triển hệ sinh thái sản xuất chất bán dẫn trong tỉnh Bắc Giang nói riêng và tại miền Bắc nói chung. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để tỉnh Bắc Giang thu hút nhiều hơn nữa các dự án công nghệ cao phù hợp với chủ trương, chiến lược thu hút đầu tư của Chính phủ và định hướng phát triển của tỉnh trong thời gian tới.
Danh sách 9 khu công nghiệp đã được tỉnh Bắc Giang quy hoạch, nằm dọc theo Quốc lộ 1A mới Hà Nội – Lạng Sơn, Tỉnh lộ 295, gần với các đô thị lớn, thuận lợi cả về đường bộ, đường sông, đường sắt, đường hàng không và các cảng sông, cảng biển (Nguồn: https://bqlkcn.bacgiang.gov.vn/tongquan-cac-khu-cong-nghiep-tinh-bac-giang)
Để có kết quả ấn tượng trong tăng trưởng kinh tế và thu hút đầu tư, có được niềm tin của các doanh nghiệp, từ nhiều năm qua, Bắc Giang luôn chú trọng đến cải thiện môi trường đầu tư và tăng cường các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 105-NQTU ngày 28/4/2021 về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025.
Bắc Giang tranh thủ tối đa sự giúp đỡ của Chính phủ, các bộ, ngành nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn, tạo điều kiện cho Bắc Giang sớm khôi phục phát triển kinh tế xã hội như Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 được phê duyệt sớm nhất cả nước; đồng ý cho Bắc Giang sử dụng ngân sách địa phương đầu tư xây dựng mở rộng cầu Như Nguyệt; thành lập mới và mở rộng một số khu công nghiệp…
Cùng với đó, Bắc Giang đã tập trung cao độ đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, huy động sử dụng hiệu quả các nguồn lực vào việc xây dựng và phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật khu, cụm công nghiệp và hạ tầng xã hội đi kèm, từ đó tạo ra bứt phá trong thu hút đầu tư và phát triển kinh tế của tỉnh.
Hiện nay, các khu công nghiệp đã thu hút nhiều doanh nghiệp lớn đến đầu tư, sản xuất và kinh doanh như Samsung Display, Foxconn, Luxshare Precision, Jasan Vietnam, PHA Viet Nam, Keytronic EMS, Tien Son Thanh Hoa, Nippon Pakaging Vietnam…
Những thành quả trong phát triển kinh tế - xã hội và thu hút đầu tư năm 2023, đã khẳng định niềm tin đúng đắn của các nhà đầu tư với tỉnh Bắc Giang - một điểm đến hấp dẫn, tin cậy, an toàn. Đây là sẽ tiền đề quan trọng để trong giai đoạn sắp tới, Bắc Giang sẽ phát triển nhanh và vươn lên tầm cao mới.
Duy trì được tốc độ tăng trưởng đứng đầu cả nước
Trong quý I/2024, Bắc Giang tiếp tục là một trong những tỉnh duy trì được tốc độ tăng trưởng đứng đầu cả nước với GRDP ước đạt 14,18%, vượt kịch bản dự tính (kịch bản dự tính quý I/2024 là 11,79%). Tốc độ phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh tăng nhanh là do, tốc độ tăng trưởng công nghiệp, kéo theo các ngành thương mại dịch vụ khác phát triển theo,
Số liệu của Cục Thống kê, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 3/2024, ước tăng 23,89% so cùng kỳ 2023; ngành khai khoáng, ước tăng 24,95%; ngành công nghiệp chế biến - chế tạo tăng 24,03% và ngành sản xuất, ngành phân phối điện ước tăng 15,65%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, ước tăng 7,03%.
Doanh nghiệp tỉnh Bắc Giang
Dự tính, giá trị sản xuất công nghiệp (giá thực tế) cộng dồn 3 tháng đầu năm 2024, ước đạt 153.513 tỷ đồng; tăng 24,9% so cùng kỳ 2023 và đạt 23,1% so Kế hoạch năm. Trong đó, tháng 3/2024, ước đạt 52.716 tỷ đồng, tăng 21,4% so tháng trước và tăng 24,9% so cùng kỳ. Nguyên nhân khiến chỉ số sản xuất công nghiệp tỉnh Bắc Giang tăng cao, chủ yếu do một số doanh nghiệp lớn trên địa bàn tỉnh mở rộng sản xuất và hoạt động ổn định từ cuối quý III/2023 đến nay.
Đây là mức tăng cao nhất trong 3 năm trở lại đây (năm 2022 tăng 23,63%, năm 2023 tăng 10,45%), đã phản ánh hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh, cơ bản đã phục hồi hoàn toàn.
Hoạt động thương mại và dịch vụ trên địa bàn tỉnh, tháng 3/2024, tiếp tục diễn ra sôi động. Doanh thu của các ngành trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, nhìn chung tăng trưởng so cùng kỳ năm trước. Hàng hóa phong phú, mẫu mã đa dạng, chất lượng đảm bảo, giá cả ổn định, đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 3, ước đạt 5.210 tỷ đồng, tăng 1,1% so tháng trước; tăng 14,2% so 2023 cùng kỳ. Trong đó: Tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 3, ước đạt 3.819,2 tỷ đồng, tăng nhẹ so tháng trước, tăng 0,72% và tăng 18,9% so cùng kỳ năm trước; doanh thu dịch vụ tháng 3 ước đạt 1.391 tỷ đồng, tăng 2,3% so tháng trước; tăng 6,9% so tháng cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 3 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ, ước đạt trên 11.624,2 tỷ đồng, tăng 17,1% so cùng kỳ năm trước.
Kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tỉnh, tháng 3, ước đạt 1.822,5 triệu USD, tăng 8,9% so tháng trước; tăng 19,7% so cùng kỳ 2023. Thị trường xuất khẩu lớn nhất của tỉnh là Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Tây Ban Nha và một số nước khác. Các sản phẩm xuất khẩu gồm hàng dệt may, da giày, máy tính, sản phẩm điện tử, điện thoại và linh kiện các loại, thiết bị điện; sản phẩm từ chất dẻo...
Kim ngạch nhập khẩu trên địa bàn tỉnh, tháng 3, ước đạt 1.447,2 triệu USD, tăng 8,3% so tháng trước; tăng 0,5% so cùng kỳ 2023. Thị trường nhập khẩu lớn nhất của tỉnh là Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản và một số nước khác.
Các sản phẩm nhập khẩu, gồm nguyên liệu cho sản xuất - xuất khẩu, gia công hàng xuất khẩu (nguyên phụ liệu may mặc, sản xuất linh kiện điện tử, nguyên liệu sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời, máy móc thiết bị...).
Mục tiêu và các nhiệm vụ - giải pháp trọng tâm
Năm 2024, Bắc Giang đặt ra một số mục tiêu quan trọng về kinh tế: Giá trị sản xuất công nghiệp (giá thực tế) đạt khoảng 665,76 nghìn tỷ đồng, tăng 23%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 64 nghìn tỷ đồng, tăng 13,3%; kim ngạch xuất khẩu đạt 33 tỷ USD, tăng 20,4%; kim ngạch nhập khẩu đạt 27 tỷ USD, tăng 8,1% so 2023.
Để giữ được tốc độ phát triển, tăng trưởng, hoàn thành các mục tiêu đã đề ra, Bắc Giang cần tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ và giải pháp cụ thể sau:
Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, xây dựng kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; tiếp tục kiểm tra, đôn đốc các địa phương, chủ đầu tư, các ngành liên quan tập trung đẩy nhanh tiến độ công việc, tích cực phối hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, phấn đấu hoàn thành công việc theo kế hoạch đề ra, hướng dẫn các đơn vị kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp tăng cường đầu tư hạ tầng;
Đầu tư xây dựng hệ thống nước thải tập trung; ưu tiên dành quỹ đất để thu hút các nhà đầu tư chiến lược thực hiện các dự án đầu tư có quy mô lớn, lĩnh vực đặc thù trong đó có ngành công nghiệp bán dẫn; tăng cường thu hút các dự án đầu tư trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ;
Rà soát, nghiên cứu, sửa đổi hoặc ban hành các cơ chế, chính sách trên các lĩnh vực để thu hút các nguồn lực cho phát triển, nhất là cơ chế chính sách thu hút nhà đầu tư lớn;
Phát triển các ngành sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, phát triển khoa học - công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao; nghiên cứu cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư, sản xuất, kinh doanh gắn với đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, hướng tới phát triển bền vững;
Rà soát, hoàn thiện các tiêu chí về đầu tư để lựa chọn chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các nhà đầu tư thứ cấp với các quy định rõ ràng, chi tiết, bảo đảm tính công khai, minh bạch, để lựa chọn, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các dự án lớn, dự án công nghệ cao, tạo giá trị gia tăng lớn, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái;
Triển khai sâu rộng các hoạt động cung cấp thông tin, kết nối, mở rộng thị trường cho doanh nghiệp trong tỉnh; chú trọng tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại đến các thị trường xuất khẩu, trong đó ưu tiên gắn kết cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành phố trên cả nước với cơ quan thương vụ các nước;
Thường xuyên tổ chức các hội nghị, hội thảo, tuyên truyền, phổ biến các nội dung về các hàng rào kỹ thuật, các biện pháp phòng vệ thương mại trong thương mại quốc tế; phối hợp với cơ quan trung ương để hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ động nắm bắt, ứng phó kịp thời với các vụ việc phòng vệ thương mại do nước ngoài điều tra đối với hàng hóa xuất khẩu;
Chủ động xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về ngành hàng, thị trường, quy định, tiêu chuẩn, điều kiện nhập khẩu của các nước và các cam kết theo các hiệp định thương mại tự do và các cam kết quốc tế khác; thực hiện hỗ trợ miễn phí các thông tin này cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; tiếp tục theo dõi diễn biến tình hình cung - cầu, giá cả hàng hóa trên thị trường gắn triển khai thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”;
Chủ động có phương án, tham mưu - đề xuất báo cáo UBND tỉnh, Bộ Công Thương, chỉ đạo thực hiện các giải pháp nhằm bình ổn thị trường, không để xảy ra mất cân đối cung - cầu, gây đột biến giá cả; nhất là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu để cung ứng cho người dân ở các vùng nông thôn, đồng bào dân tộc, miền núi…
Xác định 3 đột phá nhằm khai thông điểm nghẽn
2024 là năm dự báo tiếp tục còn gặp rất nhiều khó khăn, do bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị thế giới và trong khu vực còn nhiều bất ổn; trong khi tiềm lực của tỉnh Bắc Giang vẫn còn hạn chế do độ mở lớn, mặc dù kinh tế đứng đầu cả nước về GRDP.
Bắc Giang đã sớm nhận diện khó khăn, trở ngại; dự báo sát tình hình, chỉ rõ những thuận lợi và cả khó khăn, bất lợi để phấn đấu cho mục tiêu cao nhất là tăng trưởng kinh tế, vì đây là chỉ tiêu tổng hợp.
Tỉnh xác định khâu đột phá, tạo ra động lực chủ yếu cho tăng trưởng đó là thu hút đầu tư phát triển công nghiệp. Đây là lĩnh vực tạo ra nhiều việc làm, nhiều giá trị gia tăng nhất và cũng là thế mạnh, lợi thế của tỉnh.
Đồng thời, tỉnh tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; thu hút đầu tư, đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, theo hướng đồng bộ, hiện đại; đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế, khẳng định vị thế của Bắc Giang.
Song song đó, Bắc Giang gắn kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với củng cố, bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Trong thời gian tới, để đạt được mục tiêu cao nhất - Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra, Bắc Giang xác định 3 đột phá, nhằm khai thông điểm nghẽn, tạo động lực, bứt phá, không gian mới cho phát triển.
Bắc Giang phấn đấu đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng GDP ngành nông lâm thủy sản bình quân đạt 2 - 3%/năm
Thứ nhất, hoàn thiện cơ chế, chính sách và cải cách hành chính (đây chính là khâu cần tập trung và là vấn đề đặt ra đối với tỉnh hiện nay). Trong đó, tập trung vào việc nghiên cứu, ban hành hoặc đề xuất ban hành các cơ chế, chính sách liên quan đến việc xác định vùng động lực, sản phẩm chủ lực; kết cấu hạ tầng, thu hút nhà đầu tư lớn, sản xuất công nghiệp phụ trợ, cung cấp nguyên liệu đầu vào; chính sách hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu lao động…
Thứ hai, tập trung xây dựng, tạo bước đột phá về hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế đáp ứng yêu cầu phát triển, trong đó, tập trung vào hạ tầng giao thông với các tuyến đối ngoại, vành đai kết nối với các địa phương lân cận, kết nối với hệ thống cảng biển, sân bay, kết nối giữa các tuyến tỉnh lộ với các tuyến cao tốc, quốc lộ, đường vành đai;
Vải thiều Bắc Giang
Hạ tầng phát triển công nghiệp đồng bộ để thu hút đầu tư; phát triển hạ tầng đô thị để đẩy mạnh phát triển dịch vụ và là trung tâm phát triển các khu vực, tiểu vùng; phát triển hạ tầng công nghệ thông tin để hướng tới mục tiêu xây dựng nền kinh tế số, xã hội số; phát triển hạ tầng xã hội đảm bảo nhu cầu xã hội và đẩy mạnh phát triển dịch vụ xã hội.
Thứ ba, phát triển toàn diện nguồn nhân lực, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với khơi dậy khát vọng cống hiến, vươn lên; phát huy giá trị văn hóa, con người Bắc Giang, đoàn kết, nhân ái, đồng thuận;
Xây dựng môi trường và đời sống văn hóa phong phú, đa dạng, văn minh, lành mạnh; đề cao ý thức, trách nhiệm, đạo đức xã hội; đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo, trọng tâm là hỗ trợ, đầu tư tăng tỷ lệ lao động chất lượng cao trong cơ cấu lao động…
Chỉ số PCI (tên viết tắt tiếng Anh của Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh - Provincial Competitiveness Index): Chỉ số đo lường và đánh giá thực tiễn chất lượng điều hành kinh tế của các tỉnh, thành phố tại Việt Nam, qua đó thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân của 63 tỉnh, thành phố. Chỉ số PCI - có thể coi như “tập hợp tiếng nói” của cộng đồng doanh nghiệp dân doanh về môi trường kinh doanh tại các tỉnh, thành phố.
Có thể nói, chỉ số PCI đóng vai trò quan trọng trong việc đánh giá năng lực cạnh tranh của các tỉnh, thành phố. Dựa trên kết quả khảo sát doanh nghiệp, PCI phản ánh thực tiễn chất lượng điều hành kinh tế, môi trường kinh doanh và mức độ thuận lợi cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển. Nhờ đó, PCI góp phần thúc đẩy cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ.
Một địa phương được coi là có chất lượng điều hành tốt, khi có: Chi phí gia nhập thị trường thấp; tiếp cận đất đai dễ dàng và sử dụng đất ổn định; môi trường kinh doanh minh bạch và thông tin kinh doanh công khai; chi phí không chính thức thấp; thời gian thanh tra, kiểm tra và thực hiện các quy định, thủ tục hành chính nhanh chóng; môi trường cạnh tranh bình đẳng; chính quyền tỉnh năng động, sáng tạo trong giải quyết vấn đề cho doanh nghiệp; dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, chất lượng cao; chính sách đào tạo lao động tốt; thủ tục giải quyết tranh chấp công bằng, hiệu quả và an ninh trật tự được duy trì…
Một trong những nguyên nhân dẫn đến thành công của tỉnh Bắc Giang trong năm 2023 đó là tinh thần dám nghĩ, dám làm. Đề thực hiện được tinh thần đó, ngay từ đầu, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 26 về chấn chỉnh, tác phong nề lối làm việc nhằm nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực thi công vụ, nhất trong bối cảnh không ít cán bộ, đảng viên, người đứng đầu có biểu hiện đùn đẩy, né trách trách nhiệm.
Sau khi Chỉ thị số 26 được ban hành từ các cấp ủy, chính quyền đến từng chi bộ, thôn, xã, nhiều cán bộ đã mạnh dạn dám nghĩ, dám đương đầu với những khó khăn, thử thách. Không cứ làm theo những quy định có sẵn hiện hành, mà đã có bước tiến đột phá trong thực hiện nhiệm vụ nhằm đáp ứng với nhu cầu thực tế, thực tiễn. Việc làm nào còn vượt thẩm quyền, thì tổng hợp câu hỏi để xin ý kiến chỉ đạo từ Trung ương và các bộ, ngành tháo gỡ…
Bảng công bố xếp hạng TOP 30 tỉnh, thành phố có chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI tốt nhất năm2023:
Tỉnh | Điểm số PCI | Xếp hạng |
Quảng Ninh | 71,25 | 1 |
Long An | 70,94 | 2 |
Hải Phòng | 70,34 | 3 |
Bắc Giang | 69,75 | 4 |
Đồng Tháp | 69,66 | 5 |
BRVT | 69,57 | 6 |
Bến Tre | 69,20 | 7 |
TT-Huế | 69,19 | 8 |
Hậu Giang | 69,17 | 9 |
Phú Thọ | 69,10 | 10 |
Ninh Thuận | 69,10 | 11 |
Hưng Yên | 69,09 | 12 |
Lạng Sơn | 69,05 | 13 |
Cần Thơ | 68,88 | 14 |
Vĩnh Phúc | 68,81 | 15 |
Đà Nẵng | 68,79 | 16 |
Hải Dương | 68,68 | 17 |
Bình Thuận | 68,06 | 18 |
Ninh Bình | 67,83 | 19 |
Tây Ninh | 67,80 | 20 |
Đắk Nông | 67,79 | 21 |
Cà Mau | 67,65 | 22 |
Thái Nguyên | 67,48 | 23 |
Trà Vinh | 67,46 | 24 |
Bình Định | 67,44 | 25 |
Lào Cai | 67,38 | 26 |
TP.Hồ Chí Minh | 67,19 | 27 |
Hà Nội | 67,15 | 28 |
Tiền Giang | 66,80 | 29 |
Thanh Hóa | 66,79 | 30 |
Bài sau: Đồng Tháp giữ vị trí số 5
Thủy Hương