Cơ quan Trung ương của Hiệp hội Chống hàng giả & Bảo vệ thương hiệu Việt Nam
  • Click để copy

TP. Biên Hòa (Đồng Nai): Một quyết định xử phạt hành chính gây thiệt hại cho DN?

Hàng chục hộ sản xuất, gia công, kinh doanh đồ gỗ tại phường Long Bình, đang hoạt động bình thường, bỗng nhiên bị UBND TP. Biên Hòa ra quyết định xử phạt hành chính về vi phạm môi trường, đồng thời đình chỉ sản xuất từ 6 - 9 tháng (?).

 

Doanh nghiệp bức xúc

Dư luận băn khoăn: Phải chăng, việc làm đó thể hiện sự lạm quyền, do áp dụng sai các quy định của Nhà nước, gây thiệt hại không nhỏ đối với các cơ sở kinh doanh tại đây?

Nguyên nhân dẫn tới sự việc này đó là vào tháng 3/2017, UBND TP. Biên Hòa đã tiến hành kiểm tra các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất sản phẩm gỗ tại phường Long Bình (TP. Biên Hòa) về vấn đề bảo vệ môi trường.

TP. Biên Hòa (Đồng Nai): Một quyết định xử phạt hành chính gây thiệt hại cho DN? - Hình 1

Máy bị niêm phong không thể sản xuất

Căn cứ Nghị định 155/2016/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 01/02/2016) của Chính phủ quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, đoàn kiểm tra đã xử phạt hành chính và đình chỉ hoạt động của các cơ sở sản xuất trong thời gian dài.

Dư luận cho rằng, sự hiểu biết hạn chế trong cách áp dụng các điều khoản của Nghị định 155, đưa ra các mức xử phạt và hình phạt bổ sung, đã làm sai lệch quy định của Nhà nước, khiến các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất bức xúc vì công việc sản xuất, kinh doanh bị đình trệ. Nhiều cơ sở bị thiệt hại lớn về kinh tế, do không đáp ứng được tiến độ các đơn hàng xuất khẩu.

Chẳng hạn, trường hợp của bà Phạm Thị Lê Huyền, chủ chi nhánh DNTN Đại Trường Thịnh, bị xử phạt 60 triệu đồng vì “không có bản kế hoạch bảo vệ môi trường”. Đồng thời, cơ sở sản xuất của bà phải chịu hình thức phạt bổ sung là niêm phong máy móc và đình chỉ hoạt động 6 tháng.

TP. Biên Hòa (Đồng Nai): Một quyết định xử phạt hành chính gây thiệt hại cho DN? - Hình 2

Là UBND cấp quận, huyện nhưng "giành" thẩm quyền - xác nhận của Bộ?

Theo người đứng đầu chi nhánh DNTN Đại Trường Thịnh, sự việc xảy ra vào ngày 02/03/2017. Như bao ngày bình thường khác, doanh nghiệp của bà Huyền cùng nhiều cơ sở sản xuất sản phẩm bằng gỗ tại địa chỉ tổ 25, khu phố 8, phường Long Bình, vẫn đang làm việc. Bỗng nhiên, có đoàn tới lập biên bản, xử phạt hành chính và đình chỉ sản xuất (?).

“Chưa kịp hiểu đầu đuôi câu chuyện như thế nào, tôi có hỏi vì sao lại xử phạt tôi thì đại diện đoàn kiểm tra cho biết, chi nhánh của tôi bị xử phạt vì vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Cụ thể là hoạt động sản xuất các sản phẩm bằng gỗ mà không có bản kế hoạch bảo vệ môi trường”, bà Huyền cho biết.

Giành luôn thẩm quyền của Bộ?

Dường như, việc UBND TP. Biên Hòa ra quyết định xử phạt và đình chỉ hoạt động kinh doanh đối với hàng chục cơ sở sản xuất và doanh nghiệp tại tổ 25, khu phố 8, phường Long Bình, đã làm sai quy định của Nhà nước?

TP. Biên Hòa (Đồng Nai): Một quyết định xử phạt hành chính gây thiệt hại cho DN? - Hình 3

Niêm phong nguồn điện... cắt luôn nguồn sống

Không hiểu ông Nguyễn Tấn Long, Phó chủ tịch UBND TP. Biên Hòa, người ký những quyết định xử phạt các cơ sở tại đây và các cộng sự đã “nghiên cứu” kỹ Nghị định 155 về xử phạt hành chính vi phạm môi trường của Chính phủ hay chưa?

Nghị định 155 đã nêu rõ việc “xử lý vi phạm các quy định về thực hiện kế hoạch bảo vệ môi trường” thuộc Điều 8. Trong đó, hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động gây ô nhiễm môi trường của cơ sở từ 6 tháng đến 9 tháng, chỉ được áp dụng đối với hành vi không xây lắp công trình bảo vệ môi trường theo quy định theo Khoản 4 (Điều 8).

Đặc biệt, Khoản 4 (Điều 8) chỉ áp dụng đối với “hành vi vi phạm quy định về thực hiện bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường thuộc thẩm quyền xác nhận của bộ, cơ quan ngang bộ”.

Quy định rõ ràng là vậy. Nhưng UBND TP. Biên Hòa vẫn “giành” luôn thẩm quyền xác nhận của Bộ TN&MT để “thẳng tay” niêm phong nhà xưởng, máy móc, thiết bị của các cơ sở sản xuất ở đây? Hay là Bộ TN&MT đã kiểm tra môi trường ở đây và "gửi riêng" kết quả đánh giá cho UBND TP. Biên Hòa có căn cứ để thực hiện xử phạt và đình chỉ hoạt động sản xuất?

Chưa hết, cũng chiếu theo điều khoản này, mức xử phạt hành chính chỉ từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng. Nhưng doanh nghiệp nói trên đã bị phạt đến 60.000.000 đồng.

Làm sai, thiệt hại ai chịu?                   

Trường hợp của gia đình ông Hoàng Văn Khương, cũng bị xử phạt hành chính 35 triệu đồng và đình chỉ hoạt động 9 tháng. Nhưng tìm hiểu thì thấy, trong biên bản lập có phần không đúng với thực tế và ông Khương đã yêu cầu được ghi ý kiến của mình vào cuối biên bản. Nhưng ông Bùi Minh Quang, Trưởng đoàn kiểm tra lại không đồng ý.

TP. Biên Hòa (Đồng Nai): Một quyết định xử phạt hành chính gây thiệt hại cho DN? - Hình 4

Điểm d, khoản 4, điều 8 - Nghị định 155/2016 NĐ-CP 

Ngoài các trường hợp cụ thể nêu trên, qua tìm hiểu có hơn 10 cơ sở sản xuất và doanh nghiệp khác tại đây, cũng bị UBND TP. Biên Hòa xử phạt hành chính, kèm theo hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động 9 tháng, do không có bản kế hoạch bảo vệ môi trường.

“6 - 9 tháng bị đình chỉ hoạt động sản xuất, không khác nào cắt đứt nguồn sống của chúng tôi. Chậm hợp đồng, không đáp ứng được đơn hàng xuất khẩu thì chỉ có phá sản. Tôi còn tìm cách đi sang xưởng khác để thuê làm tiếp. Có những cơ sở nhỏ bị niêm phong máy móc và cả cầu dao điện... thì không biết sống bằng gì”, ông Hoàng Văn Khương bức xúc. 

Dư luận đặt câu hỏi: Ai sẽ phải gánh chịu những thiệt hại kinh tế không hề nhỏ này? Sự lạm quyền, áp dụng sai quy định của Nhà nước của UNND TP. Biên Hòa trong xử phạt hành chính vi phạm môi trường tại phường Long Bình, sẽ được làm rõ như thế nào?...

Thương hiệu & Công luận sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

Trao đổi với Thương hiệu & Công luận, đại diện nhiều doanh nghiệp ở đây cho rằng: Nghị định 155/2016 NĐ-CP vẫn còn rất mới đối với chúng tôi. Đáng lẽ, doanh nghiệp chúng tôi phải được tuyên truyền, phổ biến, cũng như được cơ quan chức năng hướng dẫn xây dựng bản kế hoạch bảo vệ môi trường theo đúng quy định của pháp luật. Trong trường hợp đã được phổ biến và hướng dẫn mà chúng tôi không chấp hành thì mới xử phạt, đình chỉ hoạt động.

Hải Phong

Tin mới

Du khách Việt ngày càng ưu tiên lựa chọn du lịch bền vững
Du khách Việt ngày càng ưu tiên lựa chọn du lịch bền vững

NDO - Du khách Việt Nam khẳng định rằng du lịch bền vững đóng một vai trò quan trọng trong lựa chọn mong muốn thực hiện các chuyến đi bền vững hơn trong vòng 12 tháng tới. Đây là một phần kết quả trong báo cáo Du lịch Bền vững 2024 của nền tảng cung cấp dịch vụ du lịch trực tuyến toàn cầu Booking.com.

Phục vụ an toàn gần 1,8 triệu hành khách đi hàng không trong dịp lễ
Phục vụ an toàn gần 1,8 triệu hành khách đi hàng không trong dịp lễ

Ngày 3/5, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết, các cảng hàng không trực thuộc ACV đã đón gần 1,8 triệu hành khách trong giai đoạn phục vụ cao điểm lễ 30/4 và 1/5 vừa qua.

Sơ duyệt các hoạt động Lễ Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ
Sơ duyệt các hoạt động Lễ Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

NDO - Sáng 3/5, tại tỉnh Điện Biên, Ban Chỉ đạo Trung ương kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước trong 3 năm 2023-2025 tổ chức Sơ duyệt Lễ kỷ niệm, diễu binh, diễu hành 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (sau đây gọi là Chương trình sơ duyệt).

SHB là ngân hàng Việt Nam duy nhất giành cú đúp giải thưởng Digital CX Awards 2024
SHB là ngân hàng Việt Nam duy nhất giành cú đúp giải thưởng Digital CX Awards 2024

SHB giành cú đúp giải thưởng “Trải nghiệm trên nền tảng số nổi bật nhất – hạng mục Nền tảng quản lý dòng tiền” và “Áp dụng công nghệ tốt nhất cho trải nghiệm số” tại Lễ trao giải Digital CX Awards 2024.

Khám xét Công ty Hasa Mặt Trời vì nghi sản xuất phân bón giả
Khám xét Công ty Hasa Mặt Trời vì nghi sản xuất phân bón giả

Sáng nay, 3/5, lực lượng Công an tỉnh Bình Thuận đã chia làm 3 tổ, đồng loạt thi hành lệnh khám xét tại 3 điểm sản xuất, mua bán phân bón liên quan đến Công ty Trách nhiệm hữu hạn (TNHH) Hasa Mặt Trời.

Việt Nam đồng chủ trì về Năm quốc tế Phụ nữ làm nông nghiệp
Việt Nam đồng chủ trì về Năm quốc tế Phụ nữ làm nông nghiệp

Đại hội đồng Liên Hợp quốc đã nhất trí thông qua Nghị quyết chọn năm 2026 là Năm quốc tế phụ nữ làm nông nghiệp. Nghị quyết do nhóm nòng cốt gồm: Mỹ, Argentina, Colombia, Pháp, Italy, Nhật Bản, Morocco, Peru, Philippines và Việt Nam đề xuất và được 126 nước đồng bảo trợ.