Theo UBND TP.HCM, thành phố đã xây dựng Đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp với kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân nhằm kiểm soát và hạn chế dần việc sử dụng phương tiện giao thông cá nhân theo lộ trình phù hợp đến năm 2030.
Mục tiêu của TP.HCM đến năm 2025 là phục vụ được 15% và đến năm 2030 phục vụ được 25% nhu cầu giao thông đô thị.
Tuy nhiên hiện tại, cấu trúc mạng lưới giao thông đô thị hiện hữu với nhiều tuyến đường có mặt cắt ngang nhỏ đang cản trở rất nhiều trong việc phát triển hệ thống giao thông công cộng của TP.HCM.
Cụ thể, hiện nay trên địa bàn TP có 4.938 tuyến đường với tổng chiều dài các tuyến đường và cầu là 4.583,34km.
Trong đó, có khoảng 3.450 tuyến đường có bề rộng lòng đường nhỏ hơn 7m với chiều dài 2.544,7km (chiếm 55,52%) và 1.488 tuyến đường có bề rộng lòng đường từ 7m trở lên với chiều dài 2.038,64km (chiếm 44,48%).
Theo thống kê năm 2020, tốc độ lưu thông trên toàn khu vực trung tâm TP trung bình khoảng 30km/h, giờ thấp điểm khoảng 41,91km/h, giờ cao điểm khoảng 20,82km/h.
Ngoài ra, hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt thường xuyên phải điều chỉnh, thay đổi để phù hợp với thực tế, nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đi lại của hành khách và sự phát triển của hạ tầng đô thị (kết nối với các khu đô thị mới, kết nối với các phương thức vận tải khác…).
Vì vậy, để triển khai thực hiện đa dạng hóa các loại hình dịch vụ vận tải hành khách công cộng trong đô thị, đặc biệt là phục vụ kết nối đa phương thức, hoạt động tại các khu vực hạn chế về hạ tầng giao thông và các khu vực dân cư nội bộ, tổ chức mạng lưới các tuyến buýt sử dụng phương tiện nhỏ thu gom kết nối với các tuyến đường sắt đô thị trong tương lai, nhằm phục vụ ngày càng tốt nhu cầu đi lại của người dân, UBND TP.HCM kiến nghị Thủ tướng chấp thuận cho UBND TP được sử dụng phương tiện có sức chứa từ 12 đến dưới 17 chỗ để triển khai cung cấp dịch vụ vận chuyển hành khách công cộng bằng xe buýt hoạt động trên địa bàn TP, nhằm đáp ứng được nhu cầu đi lại trong đô thị theo đặc thù của TP.
Theo UBND thành phố, việc phát triển buýt nhỏ giúp mở rộng phạm vi phục vụ và đảm bảo mật độ bao phủ của mạng lưới vận tải hành khách công cộng trong phạm vi 500 m, thuận lợi cho người dân đi lại. Xe nhỏ dễ kết nối các khu đô thị mới, khu công nghiệp, đầu mối giao thông, những nơi bị hạn chế về hạ tầng... Ngoài ra buýt mini cũng giúp gom khách đến các loại hình giao thông cỡ lớn như metro, buýt nhanh...
Được biết, xe buýt nhỏ trước đó đã được TP HCM nghiên cứu xây dựng từ lâu nhưng chưa triển khai do vướng quy định xe phải có sức chứa từ 17 chỗ trở lên. Hiện, thành phố có hơn 2.300 xe buýt hoạt động và phần lớn từ 41 đến 60 chỗ, chủ yếu hoạt động ở các tuyến đường rộng 10 m trở lên. Trong khi thành phố có hơn 3.400 đường (trên tổng số gần 5.000 tuyến) có bề rộng dưới 7 m, rất khó để xe buýt đi vào tiếp cận người dân.
TP HCM hiện có 128 tuyến xe buýt, gồm 91 tuyến trợ giá và 37 tuyến không trợ giá. Mỗi năm thành phố trợ giá trung bình 1.000 tỷ đồng cho hệ thống xe buýt.
Nguyễn Tùng