Đây là những nội dung được thảo luận tại Diễn đàn đổi mới sáng tạo do ĐH RMIT Việt Nam và ĐH Y dược TP. HCM đồng tổ chức vào sáng 22/08.
Tọa đàm về định hình nền giáo dục tại Trường Đại học Rmit Việt Nam
Sự kiện có sự tham gia của gần 300 đại biểu là đại diện các lãnh sự quán, các nhà khoa học, chuyên gia, giảng viên các trường ĐH…tham dự.
GS Gael McDonald, Hiệu trưởng ĐH RMIT Việt Nam chia sẻ, đổi mới sáng tạo trong giáo dục là một trong những vấn đề được nhắc đến nhiều trong thời gian gần đây.
Giáo dục hiện đại là sự hợp tác cùng nhau giữa thầy và trò. Người giảng viên có nhiệm vụ xây dựng năng lực sáng tạo cho học trò thông qua các hoạt động thực tế, các bài tập…
Hiện nay, với việc phát triển các ứng dụng công nghệ trong giáo dục đã giúp việc làm này trở nên phổ biến hơn.
Các đại biểu tại sự kiện
“Chúng tôi mong rằng, sự kiện này là cơ hội cho các chuyên gia, nhà khoa học cùng thảo luận, chia sẻ các kinh nghiệm quý báu của mình trong các lĩnh vực cụ thể, giúp cuộc sống con người trở nên tốt đẹp hơn”- GS Gael chia sẻ.
Bà Kelly Strzepek, Cố vấn sáng tạo Chính phủ Úc tại Việt Nam cho biết, thật ra đổi mới sáng tạo luôn hiện hữu trong cuộc sống hằng ngày của con người.
“Nhiều năm qua, chúng tôi đã hỗ trợ cho hàng ngàn người dân miền Tây Nam Bộ có nước sạch bằng giải pháp tạo nước sạch từ nước mưa. Đổi mới sáng tạo từ những câu chuyện gắn liền với cuộc sống như vậy chứ không phải nghiên cứu những cao cao siêu mới gọi là đổi mới sáng tạo”- Bà Kelly chia sẻ.
Thảo luận về lĩnh vực y tế, TS Nguyễn Phương, khoa Dược, trường ĐH Y dược TP. HCM cho biết, nhóm nghiên cứu bà đã khám phá một loại chất kháng virus bằng phương pháp silico. Đây là một kỹ thuật mới được sử dụng ở Việt Nam để tìm ra chất ức chế tiềm năng cho việc kháng virut.
Theo TS Phương nghiên cứu này sẽ cung cấp thông tin hữu ích để hỗ trợ đáng kể cho việc phát hiện thuốc kháng virus Ebola và virus Zika.
“Diễn đàn này là cơ hội cho các nhà khoa học công bố những giải pháp sáng tạo mới của mình và cùng chia sẻ, thảo luận để có những bước tiến mới trong việc nghiên cứu các công trình khoa học mà mình theo đuổi”- TS Phương bày tỏ.
Nguyễn Lánh