Trong bối cảnh số hóa đang làm thay đổi cách sống và giao tiếp, việc sử dụng các nền tảng mạng xã hội, các không gian mạng đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống giới trẻ. Tuy nhiên, sự gia tăng không ngừng của bạo lực mạng đã gây ra những tổn thương tinh thần sâu sắc cho thanh thiếu niên, đặc biệt là sinh viên đại học, cao đẳng. Để ứng phó với thực trạng này, chiến dịch “Mạng và Mạng” được ra mắt với mục đích giúp sinh viên nhận thức về mối nguy hại của bạo lực mạng và trang bị các kỹ năng cần thiết để bảo vệ bản thân cũng như người thân, bạn bè.
Chiến dịch do nhóm sinh viên ngành Quản trị truyền thông đa phương tiện trường Đại học FPT TP. Hồ Chí Minh dưới sự bảo chứng của chuyên gia tâm lý PGS. TS Đỗ Hạnh Nga và ThS. Lê Thị Minh Tâm, giáo dục và tổ chức phi lợi nhuận thực hiện với sự phối hợp của trường đại học và các đối tác truyền thông.
Qua các nội dung sâu sắc và đa dạng, chiến dịch hy vọng sẽ góp phần nâng cao nhận thức và kỹ năng bảo vệ bản thân trên không gian mạng, tạo điều kiện để sinh viên tự tin hơn khi thể hiện cá tính và quan điểm cá nhân, giảm thiểu nguy cơ bị ảnh hưởng bởi bạo lực mạng.
Chiến dịch “Mạng và Mạng” chú trọng vào các hoạt động truyền thông và giao lưu chuyên sâu, với chuỗi sự kiện chủ đạo bao gồm các nội dung truyền thông trên mạng xã hội, podcast cùng chuyên gia tâm lý, phim ngắn về tác động của bạo lực mạng, và sự kiện công chiếu phim ngắn. Những hoạt động này không chỉ nhằm nâng cao nhận thức mà còn cung cấp cho sinh viên những công cụ và hiểu biết thực tiễn để tự bảo vệ mình và hỗ trợ lẫn nhau trong cộng đồng.
Chiến dịch truyền thông “Mạng và Mạng”
Với thông điệp “Đừng để không gian ảo gây ra những tổn thương thật”, chiến dịch mong muốn khơi gợi suy nghĩ và thúc đẩy ý thức tự bảo vệ bản thân khỏi những tác động tiêu cực trên không gian mạng. Trên các nền tảng mạng xã hội, chiến dịch liên tục chia sẻ các câu chuyện có thật, suy nghĩ và nhận của các bạn sinh viên về vấn đề bạo lực mạng, video hướng dẫn và các bài viết hữu ích về cách phòng chống bạo lực mạng, kèm theo hashtag #MangvaMang, #MVM, #MangAoDauThat. Đây là nơi sinh viên, thanh niên có thể cùng thảo luận và chia sẻ những kinh nghiệm của bản thân.
Series Podcast: Cyberbullying - Bạo lực mạng
Podcast là một phần không thể thiếu trong chiến dịch, được thiết kế để mang đến cho sinh viên những góc nhìn chuyên sâu và lời khuyên từ chuyên gia về tâm lý và giáo dục. Với sự tham gia của ThS. Khoa học xã hội về sức khỏe, Giám đốc TT Tâm Lý Hoa Súng Lê Thị Minh Tâm. Mỗi tập của podcast không chỉ là cuộc trò chuyện về bạo lực mạng mà còn cung cấp các kỹ năng đối phó khi gặp phải những tình huống tiêu cực trên mạng. Podcast được phát hành trên các nền tảng như FaceBook, TikTok và YouTube, với nội dung đa dạng từ các tình huống giả định đến các câu chuyện có thật, giúp sinh viên có thể rút ra bài học quý giá và học cách giữ vững tâm lý khi đối mặt với bạo lực mạng.
Phim ngắn về bạo lực mạng
Một trong những hoạt động nổi bật của chiến dịch là phim ngắn chủ đề bạo lực mạng, xoay quanh câu chuyện của các bạn trẻ gặp phải tình trạng bắt nạt, công kích trên mạng xã hội. Bộ phim mang tính nhân văn sâu sắc, truyền tải hình ảnh chân thực về ảnh hưởng của bạo lực mạng đối với tinh thần và cuộc sống của sinh viên. Bộ phim xoay quanh cuộc sống giữa đời thực và không gian ảo của Thiên An - nữ chính và hai người bạn thân - Anh Tuấn, Kim Nguyệt. Qua những tình tiết được xây dựng, khán có thể nhìn thấy được một cách chân thật về vấn nạn bạo lực mạng, những nỗi đau mà nó mang lại và làm thế nào mà Thiên An có thể đối mặt với các vấn đề đó. Phim không chỉ dừng lại ở việc phản ánh thực trạng mà còn mở ra cái nhìn hy vọng, với thông điệp mạnh mẽ: “Đừng để không gian ảo gây ra những tổn thương thật”.
Sự kiện công chiếu phim ngắn
Để nâng cao sự lan tỏa của chiến dịch, sự kiện công chiếu phim ngắn sẽ được tổ chức tại Trường Đại học FPT TP. Hồ Chí Minh. Sự kiện này sẽ là cơ hội để sinh viên, phụ huynh, và các chuyên gia gặp gỡ và chia sẻ kinh nghiệm. Ngoài ra, còn có các buổi thảo luận với sự tham gia của các nhà tâm lý học. Đây là không gian mở để mọi người cùng lắng nghe, tìm hiểu và thảo luận về cách phòng tránh và đối phó với bạo lực mạng.
Với mục tiêu tạo ra sự thay đổi tích cực, “Mạng và Mạng” không chỉ dừng lại ở các hoạt động truyền thông mà còn hướng đến xây dựng nền tảng cộng đồng bền vững, nơi mà sinh viên có thể được hỗ trợ về tâm lý và kiến thức. Chiến dịch tin rằng, khi giới trẻ được trang bị kỹ năng và thông tin đầy đủ, họ sẽ có khả năng tự bảo vệ bản thân và lan tỏa ý thức phòng chống bạo lực mạng ra cộng đồng xung quanh.
Minh Anh