Theo Sở Công Thương, dệt may được đánh giá là ngành có lợi thế XK. Tuy nhiên, hiện nay các DN cũng đang gặp phải những khó khăn nhất định như nguồn nhân lực yếu, công nghệ lạc hậu, thiếu nguồn nguyên liệu...
Ngành dệt ước tăng gần 16%, sản xuất trang phục ước tăng gần 12%
Bên cạnh đó, quá trình hội nhập ngày càng sâu mang đến nhiều cơ hội phát triển thị trường, xây dựng và phát triển chuỗi giá trị dệt may cho các DN dệt may Việt Nam, nhưng đồng thời cũng tạo ra áp lực cạnh tranh rất lớn đối với các DN. Mức độ cạnh tranh được dự báo sẽ gay gắt hơn trong bối cảnh tiến bộ khoa học công nghệ trong lĩnh vực dệt may và công nghệ thông tin tạo ra những thay đổi nhanh chóng về phương thức sản xuất và cung ứng sản phẩm đến người tiêu dùng cuối cùng.
Do vậy, các DN phải tăng năng suất lao động, đầu tư chiều sâu vào kỹ thuật, công nghệ mới; Áp dụng công nghệ để hướng vào khâu thiết kế thời trang chứ không chỉ dừng lại ở việc gia công. Mặt khác, việc phát triển các nhà máy thông minh, ứng dụng cách mạng công nghiệp 4.0 vào sản xuất có thể bắt nguồn từ những ý tưởng và nguồn nhân lực sẵn có trong các nhà máy thông thường.
Hiện nay, thành phố có khoảng 4.141 DN dệt may hoạt động, với thị trường XK chủ yếu là Mỹ, Anh, Nhật Bản, Canada và Hàn Quốc. Các DN dệt may đã ngày càng chủ động nhất là về nguyên liệu, giảm dần phụ thuộc nguyên liệu NK, nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.
Thiên Trường