Theo đó, Sở Y tế yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh phải thực hiện nghiêm tổ chức phân luồng, sàng lọc các trường hợp nghi nhiễm để phát hiện ca bệnh, quản lý chặt chẽ, tránh lây nhiễm chéo. Thực hiện rà soát, tái cấu trúc chức năng bệnh viện cho phù hợp với yêu cầu thu dung, điều trị Covid-19 và các bệnh lý thông thường khác.
Bên cạnh điều trị bệnh lý thông thường, các bệnh viện cần củng cố và chuyển đổi khu cách ly thành đơn vị Covid-19 để sẵn sàng thu dung, điều trị người mắc Covid-19 (đảm bảo giường bệnh có oxy, thuốc, trang thiết bị y tế...).
Đồng thời, mỗi đơn vị phải có số giường tối thiểu bằng 10% tổng số giường của cả bệnh viện (chưa bao gồm số giường của khoa, đơn vị hồi sức Covid-19). Các bệnh viện chuyên khoa nhi, nhiễm và bệnh viện đa khoa hạng 1 phải hình thành đơn vị Hồi sức Covid-19 để sẵn sàng tiếp nhận điều trị người bệnh nặng, nguy kịch khi đến khám bệnh, chữa bệnh tại bệnh viện hoặc do tuyến dưới chuyển đến.
Các bệnh viện phải bố trí buồng bệnh riêng biệt tại các khoa lâm sàng, sẵn sàng tiếp nhận người bệnh cần được điều trị tiếp các bệnh lý nên do các bệnh viện điều trị Covid-19 chuyển đến, sau khi đã có xét nghiệm âm tính. Duy trì buồng cách ly tạm tại các khoa lâm sàng dành cho các trường hợp nghi ngờ mắc Covid-19. Đối với các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa (không thuộc các bệnh viện chuyển đổi công năng hoặc bệnh viện tách đôi) khẩn trương xây dựng kế hoạch với quy mô giường điều trị và hồi sức Covid-19 (nếu có).
Sở Y tế cho biết thêm, hiện thành phố có 4 bệnh viện đã chuyển đổi công năng toàn bộ để điều trị Covid-19, gồm Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Trưng Vương, An Bình, huyện Củ Chi tiếp tục nhiệm vụ chuyên thu dung, điều trị Covid-19. Các bệnh viện đã tách đôi (có khối nhà riêng biệt, có cổng và lối đi riêng) thực hiện nhiệm vụ điều trị Covid-19 gồm Bệnh viện Quân dân y miền Đông, Phạm Ngọc Thạch, Từ Dũ, Hùng Vương, Nguyễn Tri Phương, Nhi đồng thành phố tiếp tục nhiệm vụ chuyên tiếp nhận điều trị Covid-19 ở một nửa tách đôi dành cho Covid-19. Tổng quy mô giường bệnh của các bệnh viện chuyển đổi công năng chuyên tiếp nhận điều trị Covid-19 khoảng 4.300 giường.
Bên cạnh đó, về tiếp nhận điều trị người bệnh từ các bệnh viện điều trị Covid-19 chuyển đến, bố trí buồng bệnh riêng biệt tại các khoa lâm sàng sẵn sàng tiếp nhận người bệnh cần được điều trị tiếp các bệnh lý nền, sau khi đã có xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính; duy trì buồng cách ly tạm tại các khoa lâm sàng dành cho các trường hợp nghi ngờ mắc Covid-19. Sở Y tế yêu cầu tất cả bệnh viện tăng cường phối hợp và sẵn sàng tiếp nhận người bệnh "hậu Covid-19" khi nhận được yêu cầu chuyển viện của các bệnh viện điều trị Covid-19.
Về duy trì bệnh viện dã chiến thành phố, hiện đã có 8 bệnh viện dã chiến ngừng hoạt động để bàn giao cơ sở; còn 13 bệnh viện dã chiến còn lại vẫn tiếp tục duy trì. Tổng quy mô giường bệnh và 13 bệnh viện dã chiến thành phố khoảng 22.000 giường. Mỗi địa bàn quận, huyện sẽ duy trì phát triển thêm bệnh viện dã chiến (tầng 2) hoặc cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 (tầng 1). Hiện có 16 bệnh viện dã chiến quận, huyện, thành phố Thủ Đức với quy mô khoảng 8.000 giường, 65 cơ sở thu du điều trị Covid-19 với quy mô khoảng 9.000 giường.
Sở Y tế yêu cầu các đơn vị điều trị cập nhật lại quy mô giường bệnh để Sở Y tế trình UBND thành phố điều chỉnh thích ứng tình hình mới. Ngoài ra, theo thống kê, tổng số giường của các bệnh viện tuyến cuối điều trị Covid-19 (tầng 3) hiện nay có khoảng 2.300 giường.
Ngoài ra, để thuận lợi cho công tác hội chẩn, chuyển bệnh, chuyển giao kỹ thuật giữa các cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 trong 3 tầng, Sở Y tế phân công tác cơ sở, bệnh thành 8 “cụm điều trị” và kích hoạt tổ điều phối chuyển tuyến để đảm bảo chuyển tuyến kịp thời giữa các bệnh viện trong từng cụm và giữa các cụm.
Đặc biệt, các bệnh viện phân bố nguồn nhân lực hợp lý tham gia công tác điều trị và chăm sóc bệnh nhân Covid-19; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đảm bảo tuân thủ các quy định về công tác điều trị; tuyệt đối không được đùn đẩy hoặc từ chối tiếp nhận người bệnh.
Thuận Yến - Thùy Linh