Theo đó, trước tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết vẫn đang tiếp tục gia tăng, UBND TP. Hồ Chí Minh đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam TP, các sở, ban, ngành và các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức thực hiện tổng vệ sinh triệt nơi sinh sản của muỗi ngay tại chính cơ quan, đơn vị. Cùng với đó, phối hợp cùng ngành y tế trong công tác tuyên truyền và vận động người dân thực hiện phòng, chống dịch bệnh. Đưa nội dung phòng, chống dịch bệnh vào nội dung sinh hoạt định kỳ của cơ quan, đơn vị.
Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh tiếp tục chỉ đạo hệ thống ngành y tế, các bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn thành phố chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, dịch truyền, máu và các chế phẩm của máu, phương tiện cấp cứu để tiếp nhận thu dung và điều trị người bệnh kịp thời; tổ chức tập huấn về phòng, chẩn đoán, điều trị sốt xuất huyết Dengue theo hướng dẫn của Bộ Y tế cho các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố.
Cùng với đó, chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hồ Chí Minh (HCDC) hướng dẫn thực hiện giám sát chặt chẽ ca bệnh, côn trùng trung gian truyền bệnh nhằm theo dõi và phát hiện sớm, kịp thời xử lý triệt để các ổ dịch phát sinh trong vòng 24 giờ theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế; hướng dẫn các kỹ thuật phun hóa chất diệt muỗi.
Đồng thời, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông đẩy mạnh công tác truyền thông với nhiều hình thức, nội dung tuyên truyền phù hợp và sát với thực tiễn; thường xuyên cập nhật, điều chỉnh giúp cho mọi người, mọi nhà thực hiện tốt và hiệu quả.
UBND các quận, huyện, TP. Thủ Đức chỉ đạo quyết liệt các ban, ngành, đoàn thể cần tập trung vào việc xử lý các vật chứa nước nhằm loại bỏ nơi sinh sản của muỗi; vận động người dân đồng hành cùng chính quyền tham gia tích cực tìm kiếm và loại bỏ vật chứa nước ngay tại chính nơi ở của mình.
Đồng thời, đẩy mạnh truyền thông, hướng dẫn các biện pháp triệt nguồn sinh sản của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phù hợp với tình hình thực tế và có tính khả thi. Mở rộng thêm các hình thức truyền thông. Có thể truy cập vào trang web của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hồ Chí Minh (http://hcdc.vn) để nắm các biện pháp triệt nguồn sinh sản của muỗi.
Bên cạnh đó, thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các cá nhân, đơn vị, tổ chức, chủ các điểm nguy cơ cố tình không thực hiện các hướng dẫn phòng chống sốt xuất huyết, tạo điều kiện để dịch bệnh lây lan tại địa phương theo quy định tại Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/09/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hồ Chí Minh trong tuần qua, TP. Hồ Chí Minh ghi nhận 2.834 ca bệnh sốt xuất huyết, tăng 307 ca (12,1%) so với trung bình 04 tuần trước. Trong tuần ghi nhận 02 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết tại quận Gò Vấp và quận Bình Tân.
Tính từ đầu năm đến nay, thành phố ghi nhận 24.941 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng 216,0% với cùng kỳ năm 2021 (là 7.893 ca), với số ca sốt xuất huyết nặng là 373 ca, tỷ lệ ca nặng trên tổng số ca mắc sốt xuất huyết đến tuần 27 là 1,4% (373/24.941) tăng hơn 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2021 là 0,4%.
Số ca mắc tăng nhanh ở 18/22 quận, huyện, TP. Thủ Đức (trừ trừ huyện Củ Chi và các quận Gò Vấp, Hóc Môn, Phú Nhuận). Những quận, huyện có số ca bệnh tăng báo động so với trung bình 04 tuần trước là: quận 4, 7 và huyện Cần Giờ.
Tuần qua, toàn thành phố ghi nhận 143 ổ dịch sốt xuất huyết mới phát sinh ở 88 phường, xã thuộc 18/22 quận, huyện và TP. Thủ Đức; giảm 32 ổ dịch mới so với tuần 26 (175 ổ dịch). Tổng số ổ dịch được xử lý phun hoá chất trong tuần là 300 ổ dịch (bao gồm ổ dịch chỉ định phun lần 1, lần 2, lần 3) và có 4 phường, xã xử lý ổ dịch diện rộng.
Có tổng cộng 372 lượt thực hiện diệt lăng quăng tại các ổ dịch, các điểm nguy cơ tại 163 phường, xã thuộc 21/22 quận huyện, TP. Thủ Đức. TP cũng ghi nhận 4 ổ dịch tay chân miệng mới phát sinh tại 3 quận, huyện (quận 4, 11 và Bình Tân), tăng so với tuần 26 (1 ổ dịch). Số ổ dịch tích luỹ đến tuần 27 năm 2022 là 65 ổ dịch.
Nguyễn Tùng