Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh, trong tổng quỹ đất trên 2.400 ha, sau khi rà soát có hơn 514 ha do Nhà nước quản lý và gần 1.900 ha người dân sử dụng. Quỹ đất sau khi thu hồi dự kiến sẽ đấu giá, nên Sở Tài nguyên và Môi trường hiện chưa xác định cụ thể được nguồn thu.

TP.HCM đấu giá hơn 2.000 ha đất dọc tuyến để thu hồi vốn, đầu tư đường Vành đai 3. Ảnh minh họa, nguồn internet
TP. HCM đấu giá hơn 2.000 ha đất dọc tuyến để thu hồi vốn, đầu tư đường Vành đai 3. Ảnh minh họa, nguồn internet.

Trước đó, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh dọc tuyến vành đai 3 kiến nghị được rà soát lại kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 của địa phương để bố trí vốn cho dự án. Các tỉnh, thành cũng đề xuất được tăng tổng vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn nêu trên từ các nguồn có thể huy động, bao gồm khai thác quỹ đất dọc tuyến.

Riêng tại TP. Hồ Chí Minh, chính quyền thành phố tính toán có thể huy động thêm khoảng 119.000 tỷ đồng đã kiến nghị bổ sung vào kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của địa phương, để đầu tư các dự án mới, trọng điểm, cấp bách.

Theo kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025 từ nguồn ngân sách thành phố hiện được thông qua với tổng mức hơn 142.000 tỷ đồng, chỉ đáp ứng được hơn 20% nhu cầu.

Thời điểm cuối tháng 01/2022, trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh được UBND thành phố trình Chính phủ, giai đoạn 1 sẽ đầu tư chiều dài hơn 76 km, làm trước 4 làn cao tốc cùng đường song hành hai bên.

Để bảo đảm đúng tiến độ trình Thường trực Chính phủ về dự án trong tháng 02/2022, Uỷ ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh mới đây đã đề nghị các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và Long An khẩn trương rà soát, cung cấp thông tin liên quan đến các khu đất, vùng phụ cận dự kiến thu hồi dọc theo tuyến đường Vành đai 3.

Việc giải phóng mặt bằng triển khai từ giai đoạn này theo quy mô hoàn chỉnh (8 làn cao tốc cùng đường song hành). Tổng kinh phí đầu tư giai đoạn một tuyến vành đai được tính toán 75.777 tỷ đồng.

Lê Pháp (T/h)