Dự án đường vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh có tổng chiều dài nghiên cứu 91.64km; giai đoạn 1 thống nhất đầu tư 76.34km với quy mô 04 làn xe cao tốc hạn chế và đường song hành 02 bên, riêng phân đoạn 8.75km của đoạn Nhơn Trạch - Tân Vạn chỉ đầu tư thêm đường song hành 02 bên và một số công trình phụ trợ để đảm bảo khai thác theo tiêu chuẩn cao tốc. Đoạn Tân Vạn - Bình Chuẩn dài 15.3km giữ nguyên quy mô 6 làn xe đô thị hiện hữu và đoạn này cũng đang được UBND tỉnh Bình Dương đầu tư cải tạo để nâng cao năng lực thông hành.
Sau khi có ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, UBND TP. Hồ Chí Minh phối hợp với các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An rà soát, có ý kiến với các nội dung: Quy mô đầu tư, khái toán chi phí giải phóng mặt bằng trên địa bàn các địa phương, khả năng cân đối, bố trí nguồn vốn địa phương tham gia thực hiện đề án. Ủy ban Nhân dân TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh kiến nghị mức hỗ trợ của trung ương đối với đoạn qua địa phận TP. Hồ Chí Minh và Đồng Nai là 50%, Bình Dương là 70% và Long An là 100%.
Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc ban Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình Giao thông TP. Hồ Chí Minh kiến nghị: “Các địa phương sẽ tổ chức thực hiện đầu tư xây dựng các dự án thành phần trên địa bàn của từng địa phương và giao cho các địa phương làm chủ đầu tư thực hiện các dự án thành phần như các dự án độc lập. Về thẩm quyền điều chỉnh chủ trương dự án thành phần thì trong quá trình thực hiện dự án sau khi được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư trường hợp tăng tổng mức đầu tư của các thành phần thì kiến nghị giao cho Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định ngân sách địa phương sẽ chịu trách nhiệm bổ sung phần giá trị tăng so với tổng mức đầu tư dự án thành phần đã được Quốc hội thông qua”.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đánh giá cao TP. Hồ Chí Minh và các bộ, ngành Trung ương đã nhanh chóng vào cuộc sau cuộc họp của Thủ tướng ngày 15/1 vừa qua. TP. Hồ Chí Minh đã thành lập tổ công tác nghiên cứu, chuẩn bị phương án đầu tư, qua đó giảm 2.500 tỷ đồng tiền giải phóng mặt bằng.
Phó Thủ tướng cho rằng, trong điều kiện dịch bệnh, ngân sách nhà nước còn khó khăn thì các cơ quan thực hiện dự án phải thực sự tâm huyết để dự án đạt hiệu quả cao nhất. Theo Phó Thủ tướng tuyến đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối các tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và có vai trò rất quan trọng trong việc tạo ra không gian phát triển mới.
Trên cơ sở báo cáo của UBND TP. Hồ Chí Minh và ý kiến của các bộ, ngành và các địa phương, thống nhất đầu tư công đối với đường Vành đai 3 để đẩy nhanh tiến độ, trong đó sử dụng kết hợp vốn ngân sách trung ương và ngân sách địa phương. Phó Thủ tướng giao giao UBND TP. Hồ Chí Minh là cơ quan chuẩn bị đầu tư Dự án Vành đai 3 tổ chức hội thảo, xin ý kiến các cơ quan liên quan, các đối tượng tác động ..báo cáo Chính phủ.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu: “Các tổ công tác, các bộ, ban ngành thống nhất quan điểm chỉ đạo là phải triển khai nhanh dự án nhưng phải bảo đảm chặt chẽ về mặt thủ tục pháp lý, không được bỏ bước nào. Đồng thời phải bảo đảm được chất lượng và chi phí tối ưu nhất. Tư vấn, chủ đầu tư và các địa phương bàn với nhau để tránh tình trạng đầu tư lãng phí, làm ẩu. Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông Vận tải phải có trách nhiệm với việc này”.
Phó Thủ tướng yêu cầu các tổ công tác rà soát kỹ lưỡng công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư bảo đảm tiết kiệm, hợp lý, hiệu quả, khả thi. Đồng thời nghiên cứu, đề xuất tỷ lệ vốn hợp lý, khả thi, hiệu quả giữa trung ương, địa phương và các cơ chế, chính sách cần thiết, khả thi để triển khai dự án nhanh nhất có thể. Về tiến độ, Phó Thủ tướng đề nghị các tỉnh chậm nhất ngày 5/2 tới phải có báo cáo thẩm định trình Bộ kế hoạch và Đầu tư xem xét và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đồng thời phải xây dựng được kế hoạch chi tiết bảo đảm tiến độ trình Quốc hội tại kỳ họp tháng Năm năm nay.
Q.N (t/h)