Theo báo cáo, TP. Hồ Chí Minh cần bổ sung 14.097 phòng học ở các cấp, nhưng số phòng học đầu tư từ nguồn ngân sách tập trung, đã đưa vào sử dụng mới đạt khoảng 43,8%, dẫn đến áp lực đảm bảo chỗ học cho học sinh, quy chuẩn trường lớp.
 
Tính đến tháng 10/2022, tỷ lệ giải ngân từ các dự án đầu tư cho giáo dục bằng nguồn ngân sách tập trung của TP. Hồ Chí Minh còn chậm, chưa đảm bảo yêu cầu đề ra.
 
Theo thống kê từ TP Thủ Đức và 21 quận, huyện toàn thành phố có 10/22 địa phương (chiếm tỷ lệ 45%) đạt chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân số độ tuổi đi học (từ 3 đến 18 tuổi), 55% địa phương còn lại đang tiếp tục triển khai.
 
Đối với công tác trang bị sách giáo khoa, qua tổng hợp từ báo cáo của các quận, huyện và TP Thủ Đức, căn cứ vào khả năng cân đối ngân sách của thành phố, Sở đang tiến hành nghiên cứu, trình UBND TP. Hồ Chí Minh ban hành Kế hoạch trang bị sách giáo khoa cho thư viện để học sinh có thể mượn sử dụng trong suốt năm học, đảm bảo thực hiện Chương trình GDPT 2018.
Học sinh tìm mua SGK đầu năm học 2022-2023
Học sinh tìm mua sách giáo khoa đầu năm học 2022-2023. (Ảnh: SGGP)
Theo đó, việc sử dụng ngân sách, kinh phí huy động từ các nguồn vận động tài trợ, xã hội hóa, ưu tiên cho các đối tượng diện chính sách như học sinh thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, học sinh mồ côi, gia đình thương binh, liệt sĩ, con em công nhân, hộ nhập cư, gia đình có hoàn cảnh khó khăn… có nhu cầu mượn sách giáo khoa để sử dụng trong suốt năm học, áp dụng cho cả cơ sở giáo dục công và ngoài công lập.
 
Bên cạnh đó, ngành Giáo dục còn sẽ phát động phong trào, tuyên truyền, vận động học sinh bảo quản, giữ gìn sách giáo khoa sau khi sử dụng, để có thể trao lại cho học sinh lớp sau.
 
Kế hoạch này nhằm đảm bảo 100% học sinh có đủ sách giáo khoa để đến trường học tập hàng năm.
 
Cùng với đó, ngân sách thành phố sẽ trang bị sách giáo khoa được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt, ban hành sử dụng, tối thiểu 50 quyển/đầu sách để thực hiện đổi mới dạy học khi cần thiết, đáp ứng nguồn tài liệu nghiên cứu cho học sinh và giáo viên.
 
Ngân sách cũng trang bị 100% đầu sách giáo khoa điện tử, cung cấp miễn phí cho học sinh và giáo viên trên thư viện điện tử hay thư viện dùng chung của đơn vị.
 
Sở đã xây dựng đề án thư viện điện tử hay thư viện dùng chung cho toàn ngành Giáo dục, gửi Sở Thông tin và Truyền thông thành phố trình UBND TP. Hồ Chí Minh duyệt chủ trương, ghi vốn thực hiện trong năm 2023.
 
Đối với công tác bố trí giáo viên, Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hồ Chí Minh đã xây dựng kế hoạch chuyển công tác đối với viên chức thừa ở một số đơn vị, nắm lại nhu cầu thiếu giáo viên. Dự kiến, đợt tuyển dụng thứ 2 của năm học 2022-2023 diễn ra trong tháng 2/2023, đối với các đơn vị chưa được phân cấp tuyển dụng.
 
Đối với đơn vị được phân cấp tuyển dụng, tự chủ tài chính thì tổ chức tuyển dụng theo khả năng và nhu cầu.
Giải quyết bài toán thiếu giáo viên, ngành Giáo dục hướng dẫn tất cả đơn vị trực thuộc chủ động liên kết, chia sẻ giáo viên thỉnh giảng, hoặc ký kết hợp đồng lao động ngắn hạn, với điều kiện các ứng viên đáp ứng được tiêu chuẩn, trình độ đào tạo, bồi dưỡng năng lực và chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp.
 
Với đề án “Giáo dục thông minh và học tập suốt đời tại TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2030”, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ở các cơ sở giáo dục đã nhận thức được vai trò, lợi ích, từ đó thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý và giảng dạy.
 
Trong năm học 2022-2023, 100% trường công lập áp dụng phần mềm làm công cụ quản lý trực tuyến các nguồn thu, hướng đến mục tiêu 70% giao dịch nộp học phí và các khoản thu khác bằng phương pháp thanh toán điện tử. Từ năm học tiếp theo, ngành Giáo dục TP. Hồ Chí Minh phấn đấu 100% giao dịch thực hiện bằng phương thức thanh toán điện tử.
 
PV