Theo đó, số ca tay chân miệng và sốt xuất huyết đều tăng. Cụ thể, trong tuần 40 (từ ngày 02 đến 08/10/2023), TP. Hồ Chí Minh ghi nhận 1.532 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, tăng gần 1,5 lần so với trung bình 04 tuần trước. Các quận, huyện địa phương có số ca mắc trên 100.000 dân cao là Bình Tân, Nhà Bè, Bình Chánh.

Cũng trong tuần 40, TP. Hồ Chí Minh ghi nhận 422 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng 5,3% so với trung bình 04 tuần trước. Các địa phương có số ca mắc trên 100.000 dân cao như quận 1, 8 và Bình Thạnh.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hồ Chí Minh vừa có cập nhật về tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng tính đến tuần 40
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hồ Chí Minh cập nhật về tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng tính đến tuần 40 (Ảnh: HCDC)

Để phòng bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết, người dân cần tiếp tục thực hiện các biện pháp theo khuyến cáo của ngành Y tế.

Ở diễn biến liên quan, theo thông tin từ Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận hơn 90.000 ca mắc sốt xuất huyết, 26 trường hợp đã tử vong. Trong đó, Hà Nội là một trong những điểm nóng của cả nước khi số ca sốt xuất huyết liên tục tăng. Tuần đầu tháng 10 vừa qua, thành phố cũng đã ghi nhận gần 2.600 ca mắc. Từ đầu năm 2023 đến nay, Hà Nội có 17.974 ca mắc sốt xuất huyết (tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2022); trong đó có 03 ca tử vong.

Trong khi đó, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), sốt xuất huyết được xếp vào 10 thách thức y tế toàn cầu, có đến 40% dân số trên thế giới sống trong vùng nguy cơ nhiễm sốt xuất huyết Dengue. Đây là một trong những bệnh lây lan nhanh nhất do muỗi truyền, phổ biến ở các vùng nhiệt đới. Ước tính, sốt xuất huyết gây ra khoảng 20.000 trường hợp tử vong trên toàn thế giới mỗi năm.

Bệnh sốt xuất huyết do 4 tuýp huyết thanh của vi rút Dengue (DEN-1, DEN-2, DEN-3, DEN-4) gây ra, trong đó, DEN-1 và DEN-2 chiếm 90%. Người bệnh nhiễm chủng vi rút nào thì có khả năng tạo nên miễn dịch suốt đời với chủng vi rút đó, nhưng vẫn có nguy cơ mắc các chủng khác. Đáng lưu ý, sốt xuất huyết tái nhiễm lần hai rất nguy hiểm do tình trạng bệnh thường nặng hơn lần đầu.

Vì vậy, các chuyên gia y tế nhấn mạnh đến vai trò vô cùng quan trọng của vắc xin trong việc phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm, trong đó có sốt xuất huyết.

Trước đây, một số quốc gia thử nghiệm và cấp phép lưu hành với một loại vắc xin phòng bệnh sốt xuất huyết nhưng hiệu quả chưa được như mong muốn, nhất là với vi rút Dengue tuýp 2 - tuýp vi rút gây bệnh sốt xuất huyết phổ biến hiện nay.

Tuy nhiên, vừa qua, Nhật Bản đã sản xuất 1 loại vắc xin phòng bệnh và bước đầu thử nghiệm cho thấy hiệu quả phòng bệnh đối với cả 4 tuýp vi rút Dengue gây bệnh sốt xuất huyết. Vắc xin này sử dụng cùng một liều, có thể chỉ định cho cả người lớn và trẻ nhỏ.

Tiêm phòng vắc xin là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất đối với các bệnh truyền nhiễm. Việt Nam đang trong tiến trình làm thủ tục nhập vắc xin sốt xuất huyết do Nhật Bản sản xuất với kỳ vọng sẽ đẩy lùi được bệnh truyền nhiễm nguy hiểm này

Hoàng Bách