Giải thưởng Sáng tạo TP. Hồ Chí Minh (gọi tắt là Giải thưởng) được tổ chức 2 năm/lần, nhằm tôn vinh các tập thể, cá nhân có công trình nghiên cứu, giải pháp, tác phẩm sáng tạo ở nhiều lĩnh vực. Giải thưởng được trao cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; cá nhân người Việt Nam, người Việt Nam ở nước ngoài có các công trình nghiên cứu, giải pháp, sản phẩm dịch vụ sáng tạo đóng góp cho sự phát triển của TP. Hồ Chí Minh.
Các sản phẩm tham gia Giải thưởng thuộc 7 lĩnh vực gồm phát triển kinh tế; quốc phòng, an ninh; quản lý nhà nước; truyền thông; văn học nghệ thuật; khoa học kỹ thuật; khởi nghiệp sáng tạo. Thành phố sẽ ưu tiên các công trình, sáng kiến, sản phẩm sáng tạo thuộc các lĩnh vực có tiềm năng, thế mạnh để nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm sáng tạo trong khu vực công, cụ thể như các công trình, sản phẩm sáng tạo về chuyển đổi số với các giải pháp cụ thể, thiết thực nhằm nâng cao nhận thức chuyển đổi số trong các cấp, các ngành, các địa phương xây dựng Chính quyền số; hình thành cộng đồng doanh nghiệp chuyển đổi số; thúc đẩy phát triển xã hội số, kinh tế số; giải quyết một số vấn đề phức tạp nổi lên trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, đảm bảo trật tự an toàn xă hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh; các giải pháp, mô hình phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn...
Giải thưởng Sáng tạo TP. Hồ Chí Minh lần 4 sẽ được tổ chức vào năm 2025, cùng thời điểm TP. Hồ Chí Minh kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).
Đây là một dịp đặc biệt, vì vậy, Giải thưởng cần được tổ chức trang trọng, quy mô hơn. Nhằm tạo sức lan tỏa thông tin rộng rãi trong Nhân dân, phát huy sức sáng tạo và thu hút sự tham gia đông đảo của toàn dân, toàn xã hội, công tác truyền thông về Giải thưởng phải được triển khai sâu rộng và mạnh mẽ trên tất cả lĩnh vực.
Công tác truyền thông nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị xã hội và các phương tiện truyền thông đại chúng để tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong các cấp, các ngành và các tầng lớp Nhân dân về ý nghĩa và mục đích của việc tổ chức Giải thưởng.
Thông qua đó, góp phần huy động sự tham gia rộng rãi của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân đối với Giải thưởng trên tất cả lĩnh vực, hướng đến mục tiêu tôn vinh đúng người đúng việc và không bỏ sót những công trình có ý nghĩa tích cực, thiết thực đối với sự phát triển chung của thành phố; đồng thời khẳng định những giá trị cốt lõi của việc đưa các sáng kiến, công trình, các giải pháp sáng tạo đi vào thực tiễn cuộc sống.
Thực hiện tốt việc công khai, minh bạch thông tin để Giải thưởng Sáng tạo TP. Hồ Chí Minh lần 4 năm 2025 thực sự trở thành một hoạt động ý nghĩa, thu hút sự theo dõi, hưởng ứng của người dân TP. Hồ Chí Minh, hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).
UBND TP. Hồ Chí Minh cũng yêu cầu, công tác truyền thông về Giải thưởng cần được triển khai thường xuyên, liên tục, rộng rãi và có chiều sâu; có sự phân tích, đánh giá kịp thời nhằm khơi gợi sức sáng tạo của toàn dân, toàn xã hội, thu hút ngày càng nhiều các tổ chức đoàn thể, các viện, trường, cộng đồng doanh nghiệp có các công trình tham gia Giải thưởng.
Đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền cập nhật, gắn sáng tạo với thực tiễn, với cộng đồng để Giải thưởng thực sự lan tỏa, là động lực cho phong trào thi đua sáng tạo của TP. Hồ Chí Minh. Công tác thông tin, tuyên truyền cần kịp thời, chính xác, khách quan, trung thực, mang tính xây dựng, phù hợp với từng đối tượng, từng thời điểm và lộ trình cụ thể của Giải thưởng.
Truyền thông luôn đi trước, chủ động, kịp thời, nội dung thông tin thể hiện rõ vai trò dẫn dắt và định hướng dư luận. Phát huy thế mạnh của các phương tiện truyền thông như: báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình, viễn thông, Internet, hệ thông thông tin cơ sở; khai thác tốt các trang Fanpage của cơ quan báo chí để tuyên truyền có hiệu quả về Giải thưởng.
Xác định rõ trách nhiệm và mối quan hệ phối hợp của từng cơ quan, đơn vị nhằm đảm bảo công tác thông tin, tuyên truyền được triển khai đồng bộ, nhất quán, minh bạch và hiệu quả.
Hoàng Bách