Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), với diện tích 12 triệu héc ta gieo trồng hàng năm, Việt Nam sử dụng 10 - 11 triệu tấn phân bón/năm, trong đó sản xuất trong nước là 8 - 9 triệu tấn và nhập khẩu 2 - 3 triệu tấn.

Theo Ban chỉ đạo Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả TP.HCM (Ban chỉ đạo 389), TP.HCM có 383 DN sản xuất, kinh doanh phân bón. Trong đó, 63 DN chỉ hoạt động thương mại, 47 DN có trụ sở và sản xuất tại TPHCM, còn lại là DN trụ sở ở TP.HCM nhưng sản xuất ở địa phương khác hay hợp đồng thuê gia công ở đơn vị khác. 6 tháng đầu năm 2018, ngành chức năng kiểm tra 72 trường hợp, phát hiện 28 trường hợp vi phạm hành chính, 5 trường hợp có dấu hiệu vi phạm hình sự.

TPHCM: Tăng cường kiểm tra quản lý chất lượng phân bón - Hình 1

Tình hình kinh doanh, sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng còn diễn biến phức tạp. Ảnh: Kinh tế & Đô thị 

Theo ông Trần Trường Sơn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP.HCM, hàng năm hội đều đi cùng với lực lượng chức năng kiểm tra các cửa hàng bán vật tư nông nghiệp, nhằm kịp thời phát hiện và khuyến cáo nông dân về những nơi bán phân bón kém chất lượng. Thế nhưng, giải pháp căn cơ hơn là nông dân nên mua phân bón qua hợp tác xã (HTX). HTX nên lưu mẫu để khi xảy ra sự cố có căn cứ khiếu nại người bán hàng.

Đồng tình với ý kiến giao cho HTX phân phối phân bón đến tay người nông dân, nhưng DN giấu tên ở trên đề nghị Nhà nước cần quản lý chặt các HTX, lúc đó DN mới yên tâm cung cấp hàng. Trước đây, DN từng đưa phân bón đến HTX để phân phối cho các thành viên, nhưng có không ít HTX vẫn còn làm theo kiểu gia đình, thiếu trình độ chuyên môn nên không thể điều hành hiệu quả.

Thậm chí, không ít HTX còn cố tình nợ tiền mua phân bón với lý do phải chờ nông dân thu hoạch sản phẩm mới có tiền trả. Trong khi thực tế thì lại khác, HTX nhận tiền từ nông dân rồi gửi ngân hàng, thậm chí có HTX “xài” hết tiền rồi tuyên bố ngưng hoạt động để “xù” tiền DN cung ứng vật tư.

Theo Ban chỉ đạo 389 TP.HCM, các công ty sản xuất, buôn bán phân bón giả, nhái thường xuyên thay đổi địa điểm sản xuất, không sản xuất tập trung, mỗi nơi làm một khâu nhằm đối phó với ngành chức năng.

Ban chỉ đạo 389 TP.HCM kiến nghị chỉ những DN đáp ứng các yêu cầu về cơ sở vật chất, máy móc, hệ thống quản lý chất lượng, đảm bảo chất lượng phân bón thì cơ quan có thẩm quyền mới cấp phép cho sản xuất. Đồng thời, công bố công khai các tổ chức, cá nhân được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón; giấy chứng nhận đủ điều kiện cơ sở sang chiết và đóng gói phân bón; chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón và các loại phân bón được phép lưu hành tại Việt Nam trên trang điện tử của Cục Bảo vệ thực vật (thuộc Bộ NN-PTNT).

Trước đó, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã có văn bản yêu cầu Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành gồm: Tài chính, Công Thương, Quốc phòng, Công an, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn... tích cực thực hiện Chỉ thị số 15/CT-TTg tăng cường quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp.

Theo Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, trong thời gian qua, tình hình buôn lậu, sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu trái phép vật tư nông nghiệp là hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ... còn diễn ra phức tạp ở nhiều địa phương, gây thiệt hại cho người sản xuất, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng nông sản, gây ô nhiễm môi trường và bức xúc trong xã hội.

Vì vậy, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia yêu cầu Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, lực lượng theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, quán triệt, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện kịp thời, nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị số 15/CT-TTg, thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về vật tư nông nghiệp theo quy định của pháp luật.

Cùng với đó, cần chủ động phối hợp các lực lượng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu trái phép các loại vật tư nông nghiệp là hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Hải Đăng