THCL Sáng nay, mồng 6 Tết, đã diễn ra Lễ khai mạc hội Gióng (Sóc Sơn, Hà Nội). Tuy không còn hình ảnh “đổ máu” như lễ hội năm trước, nhưng tình trạng tranh cướp lộc hoa tre vẫn diễn ra trước sự “bất lực” của lực lượng chức năng.
Trong khi nhiều du khách tỏ ra “sợ hãi”, thì ông Nguyễn Nam Nho, Giám đốc Trung tâm Quản lý khu Di tích đền Gióng cho rằng: Lễ hội diễn ra đúng kịch bản, là một nét văn hóa cần bảo tồn và phát huy (?!).
Hòa chung không khí của nhiều lễ hội khắp cả nước, sáng nay Lễ hội Gióng – Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã tưng bừng khai mạc.
Trái ngược với không khí tươi vui của nhiều lễ hội trong khu vực, những năm trở lại đây lễ hội Gióng bỗng trở thành “nỗi ám ảnh” của nhiều du khách khi màn cướp lộc hoa tre gây nên tình trạng hỗn loạn, thậm chí đổ máu như lễ hội năm 2016.
Chị Hương (Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng: “Từ lễ hội năm ngoái, gia đình tôi đã bỏ hẳn ý định tham dự hội Gióng. Vẫn biết lễ hội đầu năm không tránh khỏi đông đúc, nhưng màn cướp lộc “đáng sợ” quá. Thậm chí, còn có sự gây gổ đánh nhau chỉ để tranh giành lộc. Văn hóa của người Hà Nội thanh lịch nay còn đâu?”.
Hội Gióng năm nay, đã được BTC siết chặt hơn trong việc quản lý, cũng như lập hàng rào chắn để đảm bảo màn rước kiệu được diễn ra suôn sẻ. Tuy nhiên, vẫn như mọi năm, khi bắt đầu mở rào để du khách thụ lộc, hàng chục thanh niên bắt đầu chen lấn, xô đẩy, thậm chí vượt rào hô hào nhiều người chỉ để cướp được hoa tre lấy may.
Hình minh họa
Ông Nguyễn Nam Nho, Giám đốc Trung tâm Quản lý khu Di tích đền Gióng trả lời báo chí lại cho rằng: “Màn cướp lộc hoa tre trong ngày khai hội diễn ra theo đúng kịch bản, là một nét đẹp văn hóa cần bảo tồn!. Nét đẹp văn hóa truyền thống của lễ hội, được ghi nhận là di sản văn hóa phi vật thể nhân loại, được UNESSCO công nhận. Tuy nhiên, để đảm bảo xu thế hiện đại, việc tranh cướp lộc phải diễn ra một cách phù hợp và văn minh hơn.
Ông còn lý giải thêm: “Hoa tre làm từ cây tre, là biểu tượng đặc trưng của dân tộc Việt. Cây tre là vũ khí của ông Gióng. Khi đánh giặc trở về, cây tre dập nát tơi bông, nhuộm màu bụi đường biến thành màu vàng, ông Gióng đã nói đây là hoa tre. Để tưởng nhớ công ơn, dân làng Vệ Linh, tổng đầu nước đã làm hoa tre dâng lên ông. Đây là lễ phẩm duy nhất tiến cung, để cầu mong 1 năm mới phát tài phát lộc, cũng như thánh Gióng phù hộ độ trì cho người dân, mỗi người đều muốn có được một phần lộc hoa để mang về. Chính vì vậy trong hội Gióng mới có tục cướp lộc hoa tre này".
Có vẻ như “hàm ý” của vị giám đốc Trung tâm Quản lý khu Di tích đền Gióng là việc tranh cướp lộc có “kịch bản” sẵn, và du khách lại chính là những diễn viên thực hiện kịch bản được giao, kể cả có thể gây ra nhiều hình ảnh “phản cảm” đối với du khách thập phương, thì vẫn phải “bảo tồn và phát huy”.
Thế mới biết, gốc rễ văn hóa từ thời xa xưa đến giờ vẫn còn “đậm đà” thế nào… Dù cuộc sống ngày một hiện đại và văn minh hơn!!!
Quang Nam (T/h)