Còn hạn chế, bất cập
Vai trò của y tế cơ sở là rất quan trọng, được coi là nền tảng, xương sống của hệ thống y tế; đồng thời là tuyến đầu - “người gác cổng” của hệ thống y tế chăm sóc sức khỏe ban đầu, trực tiếp gần dân nhất. Y tế cơ sở là nơi dễ tiếp cận với chi phí thấp, công bằng xã hội, giảm quá tải bệnh viện tuyến trên.
Mới đây, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị nâng cao chất lượng trạm y tế xã, phường hoạt động theo nguyên lý y học gia đình dựa trên mô hình 26 trạm y tế điểm các tỉnh phía bắc và ký kết tăng cường chuyển giao kỹ thuật cho y tế cơ sở giữa các bệnh viện trung ương, bệnh viện tuyến cuối với các trung tâm y tế quận, huyện có xã điểm.
Mô hình trạm y tế theo nguyên lý y học gia đình được chú trọng phát triển tại nhiều quốc gia và được người dân tin tưởng lựa chọn. Mô hình hoạt động theo nguyên lý y học gia đình với nguyên tắc: Liên tục - toàn diện - lồng ghép - phối hợp - dự phòng - gia đình - cộng đồng sẽ giúp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân một cách hiệu quả.
Triển khai trạm y tế xã, phường hoạt động theo nguyên lý y học gia đình, dựa trên mô hình 26 trạm y tế điểm các tỉnh phía bắc đã bộc lộ nhiều bất cập
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, để triển khai đổi mới hoạt động của trạm y tế xã, Bộ Y tế đã khảo sát, lựa chọn 26 xã, phường, thị trấn thuộc 8 tỉnh, thành phố đại diện cho các vùng để triển khai mô hình điểm. Tuy đã đạt được nhiều kết quả, nhưng y tế cơ sở vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, chất lượng và hiệu quả hoạt động chưa cao.
“Rất nhiều bệnh nhân vượt tuyến lên bệnh viện trung ương điều trị không cần thiết vì bệnh hoàn toàn có thể điều trị ở tuyến dưới. Theo thống kê, có đến 35,4% bệnh nhân đến khám chữa bệnh ở tuyến trung ương có thể điều trị được ở tuyến tỉnh, huyện và 20% có thể điều trị được ở tuyến huyện. 41,5% bệnh nhân đến khám chữa bệnh ở tuyến tỉnh có thể điều trị được ở tuyến huyện và 11% có thể điều trị được ở trạm y tế xã”, Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ rõ.
Nguyên nhân do y tế cơ sở chưa làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, nhiều người dân chưa quan tâm đến dự phòng, nâng cao sức khỏe, chỉ đến khi có bệnh mới chịu đi chữa. Bên cạnh đó, phần lớn các trạm y tế chưa quản lý bệnh mạn tính, quản lý sức khỏe một số đối tượng ưu tiên. Số lượng và chất lượng dịch vụ còn hạn chế, danh mục thuốc còn ít…
Những việc cần làm ngay
Theo PGS. TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) , hiện nay, các trạm y tế mới thực hiện được 76 dịch vụ theo danh mục kỹ thuật, 241 thuốc. Có 8/26 (dựa trên mô hình 26 trạm y tế điểm các tỉnh phía bắc) trạm y tế chưa có bác sỹ làm việc gồm Thạch Mỹ, Bản Vược, Mường Vi, Dền Sáng, Sơn Diệm, Ninh Hà, Ninh Sơn, Bình Thành; 9/26 trạm chưa có y sỹ y học cổ truyền, cơ cấu chưa phù hợp, có vị trí thừa, có vị trí thiếu. Các trạm cũng bố trí các phòng, công năng sử dụng chưa phù hợp, hầu hết phải được cải tạo, nâng cấp. Nhiều trang thiết bị thiếu, cũ, cần phải bổ sung, thay thế.
Trong số 26 trạm y tế thí điểm, mới chỉ có 10 trạm đã quản lý hồ sơ sức khỏe, gồm: Sơn Kim 1, Sơn Diệm, Phố Châu, Cổ Phúc, Báo Đáp, Việt Hồng, Minh Châu, Tân Hội, Yên Nghĩa, Tây Mỗ. Quản lý bệnh không truyền nhiễm (NCD), chỉ có ở Hà Nội và chưa triển khai được ở các trạm y tế khác. Các trạm y tế mới làm dự phòng, tiêm chủng mở rộng, chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, dân số…
Cũng theo ông Khuê, hiện nay, ngân sách cấp cho trạm y tế thấp, có rất ít kinh phí hoạt động; BHYT chưa thanh toán một số dịch vụ; kinh phí BHYT thanh toán do trung tâm y tế huyện quản lý, trạm y tế, rất khó khăn.
Việc triển khai mô hình thí điểm tại 26 xã điểm, có ý nghĩa quan trọng để tiếp tục hoàn thiện tổ chức, mạng lưới y tế cơ sở với mục tiêu sớm thực hiện mô hình trung tâm y tế huyện đa chức năng, trực tiếp quản lý trạm y tế xã; những xã có phòng khám đa khoa khu vực thì phải lồng ghép hoạt động của phòng khám và trạm y tế xã.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, 2 việc cần làm ngay với trạm y tế xã là lập và quản lý hồ sơ sức khỏe cá nhân và theo dõi, quản lý, cấp thuốc điều trị bệnh không lây nhiễm, mạn tính, chăm sóc giảm nhẹ ung thư.
“Trong năm nay, chúng ta phải hoàn thành mô hình 26 trạm y tế xã điểm. Các tỉnh, thành phố phải triển khai rộng khắp tại các trạm y tế xã còn lại; không chờ kết quả các trạm y tế làm điểm. Mỗi tỉnh phải chọn 1 - 2 huyện và một số trạm y tế xã để chỉ đạo điểm, trên cơ sở đó rút kinh nghiệm trong triển khai. Các tỉnh xây dựng lộ trình, phấn đấu hoàn thành trong 5 năm (2019 - 2023)”, Bộ trưởng nói.
Dự kiến, tháng 11/2018, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến đến tất cả các trạm y tế xã trong toàn quốc.
Hoan Nguyễn