Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường cho biết: Việc chỉ đạo nghiên cứu sản xuất vắc-xin dịch tả heo châu Phi và xây dựng các cơ sở vùng an toàn dịch bệnh đối với động vật đang được ngành chăn nuôi triển khai quiết liệt.
Một trong các nhóm giải pháp có tính chiến lược, lâu dài và bền vững đó là nghiên cứu sản xuất vắc-xin.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, sau khi dịch bệnh xảy ra, Bộ NN&PTNT đã huy động các nhà khoa học thuộc các trường, viện, các doanh nghiệp trong và ngoài ngành chủ động nhiên cứu vắc-xin.
Đồng thời, phối hợp cùng với Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai ngay các nhiệm vụ nghiên cứu đến các đơn vị.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, đến nay, công việc nghiên cứu vắc-xin đã đạt được những kết quả bước đầu: Đã phân lập, lựa chọn và hình thành ngân hàng các virus dịch tả heo châu Phi tại Việt Nam để làm cơ sở cho các hoạt động nghiên cứu, sản xuất vắc-xin.
Tập trung giải trình gen của các chủng virus để phục vụ cho nghiên cứu chuyên sâu, sản xuất vắc-xin và chế phẩm sinh học phục vụ cho công tác xét nghiệm.
Nghiên cứu dịch tễ để làm cơ sở xây dựng qui trình chăn nuôi an toàn sinh học và các giải pháp phòng chống bệnh.
Đã sản xuất được một số chế phẩm sinh học dùng trong chăn nuôi heo để nâng cao sức đề kháng, kìm hãm sự phát triển của dịch bệnh, đảm bảo an toàn sinh học và xử lí môi trường.
Đã sản xuất được một số lô vắc-xin các loại khác nhau, trong đó có lô vắc-xin vô hoạt và lô vắc-xin nhược độc.
Bước đầu thử nghiệm ở qui mô hẹp cho kết quả khả quan, các nhà khoa học đang hoàn thiện qui trình công nghệ để sản xuất vắc-xin thử nghiệm ở qui mô lớn hơn trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, ngành chăn nuôi cũng đã nghiên cứu chọn tạo dòng heo kháng được bệnh dịch tả heo châu Phi.
Ảnh minh hoạ
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, ngay sau khi Bộ Nông nghiệp Mỹ công bố kết quả nghiên cứu sản xuất được vắc-xin dịch tả heo châu Phi vào tháng 9/2019, Bộ NN&PTNT đã chủ động đề xuất hợp tác, mời các nhà khoa học của Mỹ sang Việt Nam phối hợp cùng các cơ quan nghiên cứu, cũng như các doanh nghiệp trong nước tập trung triển khai.
“Cho đến nay, Việt Nam đã tiếp nhận được chủng virus dịch tả heo châu Phi của phía bạn chuyển giao, cùng với qui trình công nghệ và đã sản xuất được lô vắc-xin bước đầu thử nghiệm trên heo cho kết quả rất khả quan.
Theo báo cáo của các chuyên gia và các doanh nghiệp tiếp nhận chuyển giao, nếu điều kiện thuận lợi, quý III/2021, Việt Nam sẽ có vắc xin để sử dụng”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định.
Ngoài việc chủ động nghiên cứu để sản xuất vắc-xin, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo tổng kết nhân rộng mô hình chăn nuôi heo, ứng dụng các chế phẩm sinh học.
Hiện nay, có 2 doanh nghiệp đã chuyển giao các chế phẩm để hỗ trợ công tác chăn nuôi an toàn sinh học là Tập đoàn Quế Lâm, Tập đoàn BAF. Đã có 351 cơ sở chăn nuôi heo của 36 tỉnh được áp dụng qui trình này với khoảng 100.000 con heo.
Qua áp dụng công nghệ này, đàn heo sinh trưởng tốt, không có bệnh xảy ra, đặc biệt chế phẩm với EM của Tập đoàn Quế Lâm có công dụng tốt.
Minh Đức